Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng hiệp hội thành một tổ
chức hợp tác liên chính phủ ở mức sâu rộng và nhiều ràng buộc hơn trên
cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN.
Ngày 31/12, Cộng đồng ASEAN đã chính thức ra đời, đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN.
Dưới mái nhà chung này, các dân tộc ở Đông Nam Á sẽ cùng gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển trên chặng đường mới.
Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng hiệp hội thành một tổ
chức hợp tác liên chính phủ ở mức sâu rộng và nhiều ràng buộc hơn trên
cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN.
Cộng đồng được hình thành dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội.
Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC)
APSC nhằm mục tiêu là dựng một môi trường hòa bình và an ninh cho phát
triển ở khu vực Đông Nam Á thông qua việc nâng cao hợp tác chính trị-an
ninh trong khối ASEAN, kết hợp với sự tham gia và đóng góp xây dựng của
các đối tác bên ngoài. Điều cần lưu ý là APSC không nhằm tạo ra một khối
phòng thủ chung.
Kế hoạch hành động xây dựng APSC - được thông qua tại Hội nghị Cấp cao
ASEAN lần thứ 10 vào tháng 11/2004 đã khẳng định lại các mục tiêu và
nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội và đề ra 6 lĩnh vực hợp tác chính gồm Hợp
tác chính trị; Xây dựng và chia sẻ chuẩn mực ứng xử; Ngăn ngừa xung
đột; Giải quyết xung đột; Kiến tạo hòa bình sau xung đột; và Cơ chế thực
hiện. Kèm theo đó là danh mục 75 hoạt động cụ thể để xây dựng APSC.
Kế hoạch tổng thể APSC 2009-2015 xác định 3 thành tố chính của APSC gồm
Xây dựng một cộng đồng dựa trên các giá trị và chuẩn mực chung; Tạo dựng
một khu vực gắn kết, hòa bình và tự cường với trách nhiệm chung đối với
an ninh toàn diện; Hướng tới một khu vực năng động và rộng mở với bên
ngoài trong một thế giới ngày càng liên kết và tùy thuộc.
Để thúc đẩy thành tố đầu tiên của APSC, ASEAN đang không ngừng tăng
cường hợp tác chính trị, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực thể hiện
trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Hiệp ước về Khu vực Đông Nam
Á không có Vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở
Biển Đông (DOC), thúc đẩy hợp tác an ninh biển...
Để cụ thể hóa thành tố thứ 2 - Tạo dựng một khu vực gắn kết, hòa bình và
tự cường với trách nhiệm chung đối với an ninh toàn diện, ASEAN tập
trung hợp tác xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại, hiểu biết lẫn nhau
nhằm ngăn ngừa xung đột, thúc đẩy hợp tác về quốc phòng-an ninh, nghiên
cứu các biện pháp giải quyết xung đột một cách hòa bình và hợp tác kiến
tạo hòa bình sau xung đột cũng như hợp tác trên các lĩnh vực an ninh phi
truyền thống.
Với thành tố thứ 3 - Hướng tới một khu vực năng động và rộng mở với bên
ngoài trong một thế giới ngày càng liên kết và tùy thuộc, ASEAN tích cực
tăng cường vai trò trung tâm trong hợp tác khu vực và xây dựng cộng
đồng, mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, nỗ lực phát huy vị trí
là động lực chính trong một cấu trúc khu vực cởi mở và minh bạch.
Các lĩnh vực hợp tác hướng tới APSC ngày càng được thúc đẩy và đi vào
chiều sâu, như hợp tác quốc phòng được đẩy mạnh qua cơ chế Hội nghị Bộ
trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và ADMM Mở rộng (ADMM+); hợp tác đảm bảo
an ninh biển được thúc đẩy theo khuôn khổ Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và
Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF); Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân
quyền (AICHR) được thành lập theo quy định của Hiến chương và ASEAN lần
đầu tiên đã thông qua Tuyên bố về Nhân quyền (AHRD), khẳng định cam kết
hợp tác thúc đẩy và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của người dân trong
khu vực…
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)
AEC có mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất
thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu
tư, vốn và lao động có tay nghề, từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc
đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực, tạo sự hấp dẫn với đầu tư và
kinh doanh từ bên ngoài.
Sự phát triển của AEC sẽ là tiền đề thúc đẩy việc thực hiện hai trụ cột còn lại.
Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thông qua Kế hoạch tổng thể về AEC
với những đặc điểm và nội dung sau: Tới sau năm 2015 sẽ đưa ASEAN trở
thành một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó
có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động
có tay nghề; một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao; một khu vực phát
triển kinh tế đồng đều, nhất là thực hiện có hiệu quả Sáng kiến liên
kết ASEAN (IAI); một khu vực ASEAN hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn
cầu.
Nhằm xây dựng một khu vực cạnh tranh về kinh tế, ASEAN thúc đẩy chính
sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, phát
triển cơ sở hạ tầng, thương mại điện tử... Hướng tới mục tiêu phát triển
kinh tế đồng đều, ASEAN đã thông qua và đang triển khai Khuôn khổ ASEAN
về Phát triển Kinh tế đồng đều (AFEED), trong đó đáng chú ý là hỗ trợ
các nước thành viên gia nhập sau, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và
vừa phát triển.
Cộng đồng Văn hóa-Xã hội (ASCC)
Mục tiêu của ASCC là góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người
làm trung tâm; có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng tình đoàn kết và
thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN bằng cách tiến tới
một bản sắc chung; xây dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận và
rộng mở nơi mà cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng
cao.
ASCC sẽ có mối quan hệ bổ trợ chặt chẽ và tạo thuận lợi cho việc hình thành APSC và AEC.
Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN gồm 6 thành tố
chính: Phát triển con người; Phúc lợi và bảo hiểm xã hội; Các quyền và
bình đẳng xã hội; Đảm bảo môi trường bền vững; Tạo dựng bản sắc ASEAN;
Thu hẹp khoảng cách phát triển.
Về phát triển nguồn nhân lực, ASEAN khuyến khích phát triển giáo dục
suốt đời và sử dụng ICT như những phương tiện thúc đẩy nền giáo dục
ASEAN và nâng cao nhận thức về ASEAN.
Về phúc lợi và bảo trợ xã hội, ASEAN tập trung hợp tác y tế ngăn ngừa và
kiểm soát bệnh dịch truyền nhiễm, HIV/AIDS, các bệnh dịch truyền nhiễm
mới nổi khác; giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng, xây
dựng ASEAN không có ma túy, dự phòng và ứng phó thiên tai thảm họa...
Về các quyền và công bằng xã hội, ASEAN đẩy mạnh hợp tác thúc đẩy và bảo
vệ quyền của các nhóm đối tượng yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người già,
người khuyết tật, người lao động di cư...
Về bảo đảm bền vững môi trường, ASEAN tăng cường hợp tác ứng phó với các
thách thức môi trường xuyên biên giới như ô nhiễm khói mù, chất thải,
bảo vệ môi trường biển, đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu.
Về xây dựng bản sắc ASEAN và nâng cao ý thức cộng đồng, ASEAN chú trọng
gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của khu vực, thúc
đẩy trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, đề cao nguyên tắc thống nhất
trong đa dạng, tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ giữa người dân về văn
hóa, lịch sử, tôn giáo và văn minh./.
(TTXVN)