Thứ Tư, 2/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 2/7/2011 11:6'(GMT+7)

Phát huy tinh thần cách mạng trong thời kỳ mới

Một đoạn đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Một đoạn đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

 Bộ đội Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh”, những cụm từ này vang lên thời điểm hiện tại vẫn khiến bao trái tim những người thế hệ chống Mỹ bồi hồi. Trên tinh thần nghĩa tình đồng đội, giúp nhau chia sẻ khó khăn, tạo dựng hạnh phúc trong thời kỳ mới, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ngày nay, Ban liên lạc toàn quốc bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh quyết định lập Ban vận động xây dựng hội. Thiếu tướng Võ Sở - Trưởng ban liên lạc toàn quốc bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh cho biết: "Sau hơn hai năm xây dựng đề án, ngày 13-5-2011, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 1032/QĐ-BNV cho phép thành lập Hội. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị làm Chủ tịch danh dự”.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban liên lạc Hội cho biết: "Theo thống kê chưa đầy đủ, hội hiện có gần 10 vạn hội viên (trong đó hơn 11,5 ngàn người là hội viên nữ, gần 9,5 ngàn người là thương bệnh binh) sinh hoạt tại các Ban Liên lạc CCB Trường Sơn. Hội rất tự hào có những cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã chiến đấu dũng cảm trong những năm chống Mỹ và khi đất nước hòa bình, tiếp tục cống hiến nhiều cho đất nước. Đến nay, có những đồng chí trưởng thành, hiện là lãnh đạo của Đảng, Nhà nước như đồng chí Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Ngô Văn Dụ - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Thời kỳ ở Trường Sơn, đồng chí Ngô Văn Dụ là Trưởng Ban kế hoạch sư đoàn 471, còn đồng chí Tô Huy Rứa là Cán bộ đại đội Thanh niên xung phong đường 20 Quyết Thắng”.

Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh huyền thoại mãi khắc ghi dấu ấn hào hùng của cả một dân tộc trong cuộc trường chinh chống Mỹ. Đường Hồ Chí Minh được xây dựng và sử dụng trong 16 năm (từ 1959 đến 1975). 16 năm chiến đấu anh dũng trên tuyến đường mang tên Bác, chỉ riêng lực lượng cầu đường với 4 sư đoàn công binh và 1 vạn TNXP và dân công hoả tuyến, kiên cường bám trụ, giành giật từng thước đường với tinh thần "Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”, Bộ đội công binh Trường Sơn đã làm nên một hệ thống giao thông vĩ đại gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với gần 17.000 km đường xe cơ giới.
 
Lực lượng vận tải với 2 sư đoàn ô tô cơ động xứng đáng với danh hiệu "gan vàng dạ ngọc”, "còn người còn xe, còn hàng”, vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường. Từ 1973 đến đầu 1975 đã chở bằng cơ giới 40 vạn quân và tổ chức hành quân 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường, cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt sư đoàn quân chủ lực tham gia chiến dịch; Lực lượng bộ binh đã tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng giải phóng rộng lớn ở Nam Lào. Lực lượng phòng không gồm 1 sư đoàn và 9 trung đoàn đã bắn rơi tại chỗ 2.455 máy bay các loại, bảo vệ thắng lợi lực lượng vận tải chi viện cho các hướng chiến trường. Lực lượng giao liên xứng đáng với 10 chữ vàng "Tận tình với đồng chí, tận nghĩa với chiến trường” mở 3.000 km đường giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn. Các lực lượng thông tin với khẩu hiệu "Coi dây như ruột, coi cột như xương” đã xây dựng 1.350 km đường thông tin tải ba và hàng vạn ki lô mét dây thông tin các loại, bảo đảm thông tin tới các hướng chiến trường.

Hiện nay, đường Hồ Chí Minh không chỉ là con đường nối liền Nam - Bắc thống nhất nước nhà mà còn là con đường tương lai của đất nước, là tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam. Dự kiến đến năm 2020, đường Hồ Chí Minh sẽ được kéo dài và mở rộng hoàn chỉnh toàn tuyến với đường cao tốc và đường bộ qua 30 tỉnh, có chiều dài 3.167 km, nối dài từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Năm Căn (Cà Mau).

Nhà báo Phạm Thành Long – Phó Trưởng ban tuyên truyền Hội cho biết: "Tính đến nay đã có 45 tỉnh, thành phố và 84 đơn vị truyền thống từ cấp cục, sư đoàn, binh trạm, trung đoàn, ngành, bệnh viện, tiểu đoàn, các đội TNXP, dân công hỏa tuyến hình thành Ban Liên lạc của mình và hoạt động đều đặn, có hiệu quả: xuất bản hàng chục đầu sách truyền thống, thơ ca, nhạc, họa ca ngợi chiến sĩ Trường Sơn trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước trên tuyến đường mang tên Bác; tổ chức giao lưu 141 lần với hàng ngàn đồng chí tham dự; tuyên truyền hoạt động trên truyền hình 43 lần; tặng quà, giúp đỡ đồng đội gặp khó khăn cho 3.099 đồng chí; tặng 44 nhà tình nghĩa; nữ chiến sĩ Trường Sơn xây ngôi trường 12 phòng học trị giá 10 tỷ đồng tặng học sinh 8 xã vùng biển huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa; tặng hàng trăm triệu đồng, hàng chục tấn gạo, mì tôm cho đồng bào bị lũ lụt ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An; tổ chức 108 chuyến đi thăm chiến trường xưa cho gần 3000 đồng chí với chi phí 2,5 tỷ đồng; giúp hàng ngàn đồng chí làm thủ tục chính sách; tặng Kỷ niệm chương cho hàng vạn đồng chí; mở 3 hội nghị biểu dương CCB Trường Sơn vượt khó, làm kinh tế giỏi; thành lập CLB Văn nghệ Trường Sơn với nhiều hoạt động biểu diễn có chất lượng; thành lập CLB doanh nghiệp cựu chiến binh Trường Sơn...”.


Từ Khôi/ĐĐK

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất