Thứ Năm, 3/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 18/6/2011 9:1'(GMT+7)

Nhiều việc làm thiết thực góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Các huyện trong tỉnh đang có số dư nợ cho vay hộ nghèo cao chủ yếu là các huyện miền núi, khó khăn như Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động... Các hộ nghèo Bắc Giang nhờ đồng vốn ưu đãi trên đã đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan...; trồng các loại cây ngắn ngày và lâu năm; phát triển sản xuất kinh doanh nhỏ; mở mang các ngành nghề nông thôn... nên đã từng bước ổn định cuộc sống và thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Các mô hình tốt, phát huy hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo, tạo nhiều việc làm, phát triển các ngành nghề, các trang trại gia đình, nâng cao thu nhập cho người dân là mô hình chăn nuôi gà đồi ở huyện Yên Thế; phát triển làng nghề mì Chũ ở huyện Lục Ngạn; trồng keo tai tượng ở huyện Sơn Động; nuôi cá, baba, nuôi nhím, nuôi dế và một số con đặc sản khác ở các huyện Lạng Giang, Tân Yên, Việt Yên...

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng cho vay hộ nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang đã chú trọng phân bổ chỉ tiêu kế hoạch nguồn vốn hợp lý trên cơ sở rà soát, thống kê danh sách các hộ nghèo tại các địa phương; phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác, các tổ tiết kiệm vay vốn tại cơ sở để giải ngân, quản lý sử dụng vốn và thu hồi vốn, nợ đúng quy định; tăng cường hướng dẫn, giám sát các hộ nghèo vay vốn sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn chương trình cho vay hộ nghèo theo kế hoạch. Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Bắc Giang đã đạt gần 2.200 tỷ đồng. Năm 2011, Chi nhánh có kế hoạch đạt tăng trưởng dư nợ trên 400 tỷ đồng, trong đó khoảng 100 tỷ đồng cho vay các hộ nghèo.

* Trung tâm giống cây trồng tỉnh Bến Tre vừa hoàn thành chương trình cấp miễn phí bò giống, cây giống và bình phun thuốc trừ sâu cho nông dân một số huyện trong tỉnh. Chương trình do tổ chức Global Vision của Hàn Quốc tài trợ. Có 600 hộ nông dân ở các huyện Chợ Lách, Giồng Trôm, Châu Thành, Mỏ Cày Nam và thành phố Bến Tre, mỗi hộ được nhận 40 cây giống bưởi da xanh, 15 cây dừa dứa, trị giá khoảng 1,1 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, 32 hộ nông dân khác cũng được nhận mỗi hộ một con bò đực giống, trị giá 9 triệu đồng/con. Tổng giá trị của đợt tặng quà gần 1 tỉ đồng.

Theo ông Võ Hoài Chân, Phó Giám đốc Trung tâm giống cây trồng tỉnh: Ngoài việc được tặng một số loại cây giống, bò giống như trên, người dân còn được tập huấn kĩ thuật, hỗ trợ phân bón… để sử dụng tốt và vươn lên thoát nghèo. Được biết, đây là năm thứ tư chương trình được tổ chức và Global Vision còn hỗ trợ Bến Tre trong các lĩnh vực giáo dục, y tế…

* Hội Chữ Thập đỏ và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh An Giang đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động để thống nhất hoạt động chăm sóc, bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. 2 Hội thống nhất tuyên truyền và vận động thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết hậu quả cho các nạn nhân khắc phục khó khăn, vươn lên sống hòa nhập cộng đồng; mở rộng các hoạt động đối ngoại và tuyên truyền ra quốc tế về hậu quả chất độc hóa học tại Việt Nam; rà soát phát hiện không để bỏ sót đối tượng được chăm sóc .

Theo thống kê chưa đầy đủ, An Giang có 615 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, từ năm 2003 tỉnh đã chủ động thành lập Quỹ Chăm sóc nạn nhân (giao Hội Chữ Thập đỏ An Giang quản lý) đã được cộng đồng hưởng ứng đóng góp tích cực. Đến tháng 5/2010, tỉnh đã chính thức thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất