Chủ Nhật, 29/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Bảy, 28/5/2011 20:58'(GMT+7)

Văn hóa - sức mạnh nội sinh quan trọng để phát triển đất nước

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Khái niệm “văn hóa” có nội hàm rất rộng: Là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra trong quá trình lịch sử; là những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu chính đáng về đời sống tinh thần; là những tri thức về đời sống và kiến thức khoa học; là trình độ cao trong sinh hoạt xã hội - biểu hiện của văn minh; là nền văn hóa của một thời kỳ lịch sử cổ xưa, được xác định trên những di vật tìm thấy có những đặc điểm giống nhau;... Tựu trung, “văn hóa” là tất cả những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra trong quá trình lịch sử, là những hiểu biết của con người, thể hiện nếp sống, tính cách, cấp độ tư duy, trình độ phát triển, phẩm giá của mỗi người và mỗi dân tộc. Như vậy, theo nghĩa phổ biến, “văn hóa” là những giá trị tốt đẹp, tiến bộ, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của mỗi con người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Đối với bất cứ quốc gia nào người ta cũng luôn coi trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa cao đẹp của mỗi công dân và của toàn dân tộc, để khẳng định bản sắc, vị thế và tầm vóc của dân tộc họ trong tương quan với các dân tộc khác trên thế giới, coi đó là một nguồn động lực quan trọng của sự phát triển đất nước.

Đất nước ta có một nền văn hóa đa dạng, có giá trị, mang bản sắc riêng, thể hiện bản lĩnh và sức sống dân tộc từ hàng nghìn năm lịch sử, có thể sánh vai với nhiều nền văn hóa lớn của nhiều quốc gia trên thế giới. Những năm qua, UNESCO đã công nhận một số vị hiền tài nước ta là Danh nhân văn hóa thế giới và nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được vinh danh. Một số di sản văn hóa nổi tiếng khác có thể sẽ được UNESCO công nhận. Bên cạnh đó, Nhà nước ta đã công nhận nhiều Danh nhân và di sản văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên, trong thời kỳ đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, nhất là trong buổi sơ khai của nền kinh tế thị trường và trong khi công tác tổ chức và quản lý xã hội của ta còn nhiều lỏng lẻo, thì nền văn hóa của ta cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khiếm khuyết. Chỉ nêu vài mặt tiêu biểu: Trình độ và chất lượng dân đức, dân trí của dân ta còn nhiều yếu kém so với trình độ chung của các nước phát triển và văn minh; tinh thần cộng đồng, lòng trung thực và tính tự trọng chưa được thể hiện đầy đủ trong phần đông người Việt; nhiều di tích lịch sử và văn hóa bị phá hủy, lãng quên, hoặc bị trùng tu một cách tùy tiện; cả nước có tới gần 9 nghìn lễ hội hằng năm là quá nhiều, trong đó có nhiều lễ hội vụn vặt và còn dung nạp những điều lạc hậu, thiếu tính nhân văn; danh hiệu các “Làng, xã văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa” và các loại danh hiệu cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị, địa phương và các ngành nghề trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, v.v.. bị lạm phát một cách quá mức; tai nạn, tệ nạn xã hội có xu hướng tăng; văn hóa giao thông thấp kém, tai nạn giao thông cao, trung bình mỗi năm gần đây có hơn 12.000 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông đường bộ, chưa kể số người bị tàn tật; v.v.. Những hạn chế đó, gây trở ngại lớn cho sự phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

“Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” (sau đây gọi tắt là “Cương lĩnh-2011”) trình bày tại Đại hội Đảng lần thứ XI (1-2011) nêu rõ: “Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”. Đây là một định hướng rất đúng đắn.

Thiết nghĩ, nền văn hóa tiên tiến của đất nước ta phải hội tụ hài hòa các tiêu chí chủ yếu sau đây:

1- Nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp thụ những tinh hoa văn hóa nhân loại. Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là sự kết tinh những giá trị độc đáo, tốt đẹp về ngôn ngữ, lịch sử, nền sản xuất, nếp sống, tính cách và những truyền thống đáng quý của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ “S”. Đây là nền tảng, là cốt lõi của nền văn hóa dân tộc, khẳng định giá trị của dân tộc mình, tạo nên nét riêng trong toàn bộ văn hóa nhân loại, để ta “hòa nhập” mà không “hòa tan”. Bên cạnh đó, văn hóa dân tộc phải tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nhất là trong thời đại nền văn minh trí tuệ phát triển cao và sự giao lưu toàn cầu về mọi mặt diễn ra rất mạnh mẽ. Có tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, thì mới làm giàu thêm nền văn hóa của dân tộc mình, tạo điều kiện tốt để phát triển và hội nhập quốc tế. Đấy cũng là một quy luật để tồn tại và phát triển.

2- Một nền văn hóa thể hiện sâu sắc tính nhân văn, biểu lộ rõ tinh thần dân chủ, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, đồng thời mỗi con người luôn luôn thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của mình. Tính nhân văn, tinh thần dân chủ và văn minh là những thuộc tính cơ bản nhất của “văn hóa”. Xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh là bản chất và cũng là mục đích tối thượng của “văn hóa”. Trong xã hội đó, mỗi con người và các dân tộc anh em đều bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi; con người trở thành “trung tâm của chiến lược phát triển” (chữ dùng trong Cương lĩnh), được tôn trọng và đề cao, được bảo đảm các quyền và lợi ích chân chính, được bồi dưỡng và giáo dục một cách toàn diện để có trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, thẩm mỹ và kỹ năng sống ngày càng cao, luôn luôn có ý thức khẳng định giá trị của mình trong đời sống, biết tự giác thực hiện nghĩa vụ công dân và có tình cảm quốc tế trong sáng.

3- Một nền văn hóa phát triển toàn diện, đa dạng và phong phú: Tôn trọng tự do sáng tạo văn học - nghệ thuật, nâng cao chất lượng sáng tác; khẳng định và biểu dương các giá trị chân - thiện - mỹ, phê phán những cái thấp kém, lỗi thời; đấu tranh chống những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa. Giữ gìn, phát huy giá trị ngôn ngữ dân tộc, các thuần phong mỹ tục, các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, có ý thức bảo vệ môi trường. Coi trọng vai trò “quốc sách hàng đầu” và “động lực phát triển” của GD&ĐT, KH&CN; đầu tư và đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hai lĩnh vực quan trọng này nhằm nâng cao dân đức và dân trí; phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đại trà, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường trực tiếp và quan trọng để giáo dục nếp sống văn minh và hình thành nhân cách tốt đẹp cho mọi thành viên, nhất là thế hệ trẻ. Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của nhân dân, xây dựng lối sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Văn hóa là cội nguồn, là linh hồn, là sức sống và danh dự của mỗi dân tộc. Xây dựng nền văn hóa dân tộc hội tụ các nội dung cốt lõi trên đây, là yêu cầu vừa vô cùng bức thiết, vừa bền bỉ lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực cao, cần huy động trí tuệ, công sức của cả hệ thống chính trị, của mọi công dân, với vai trò lãnh đạo của Đảng. Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn và dân chủ, tiếp thụ tinh hoa văn hóa thế giới - sẽ là bệ phóng đưa con tàu đất nước và dân tộc ta bay tới tương lai huy hoàng. Nói cách khác, nền văn hóa ấy sẽ trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững./.

Đào Ngọc Đệ

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất