Trước thềm Ðại hội XI của Ðảng, Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) và đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH và CN) rất phấn khởi đón nhận Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16-4-2010 của Bộ Chính trị (khóa X), chỉ đạo hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước.
Chỉ thị đã khẳng định: Liên hiệp Hội Việt Nam có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, là tổ chức chính trị - xã hội do Ðảng lãnh đạo; có chức năng tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức KH và CN Việt Nam ở trong và ngoài nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Gần đây, ngày 15-4-2011, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao những bước phát triển mạnh mẽ, những thành tựu nổi bật của một tổ chức chính trị - xã hội và có ấn tượng đặc biệt với những kết quả trong vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tạo điều kiện hơn nữa để Liên hiệp Hội Việt Nam, một tổ chức chính trị - xã hội của giới trí thức KH và CN - đóng góp vào các vấn đề, giải pháp điều hành, các chương trình mục tiêu mà Chính phủ triển khai.
Ðược Ðảng và Nhà nước đặt kỳ vọng và giao trách nhiệm lớn lao, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ thực hiện tốt Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng.
Ðại hội XI của Ðảng là một cột mốc quan trọng, quyết định phương hướng nhiệm vụ của Ðảng, của đất nước trong năm năm, mười năm tới và định hướng phát triển đất nước tới giữa thế kỷ 21. Ðể thực hiện tốt các nhiệm vụ được nêu trong Văn kiện Ðại hội, rất cần sự nỗ lực đóng góp của đội ngũ trí thức, nhất là của trí thức KH và CN (chiếm tới 90%). Nhiều vấn đề được đặt ra cả về lý luận và giải pháp triển khai thực hiện như: tiêu chí để đánh giá nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; giải quyết bài toán hiệu quả kinh tế, tránh công nghiệp hóa tràn lan, tốn tiền, mất đất nông nghiệp màu mỡ, ảnh hưởng an ninh lương thực và an sinh xã hội; các biện pháp quyết liệt chống tham nhũng; nội dung thực chất của vấn đề dân chủ và các biện pháp tăng cường dân chủ trong dân, trong Ðảng; những vấn đề cấp bách như bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Trong năm năm tới, việc thực hiện tốt ba khâu đột phá là chuẩn bị tốt cho giai đoạn phát triển tiếp theo, giai đoạn phát triển cao hơn, chất lượng hơn, sớm tiếp cận nhanh với nền kinh tế tri thức. Ba khâu đột phá đều quan trọng, nhưng khâu phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa sâu sắc, quyết định cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, đây là vấn đề không đơn giản, đòi hỏi thời gian, nguồn lực và cách tổ chức, trong khi đó giáo dục ở nước ta đang còn nhiều bất cập. Cần nhận thức rằng, giáo dục là chiếc 'chìa khóa' mở cửa cho việc tiếp cận kinh tế tri thức, cho sự hội nhập và phát triển. Cho nên vấn đề giáo dục phải luôn luôn được coi là quốc sách hàng đầu.
Văn kiện Ðại hội nhấn mạnh việc phát triển KH và CN để làm động lực nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững; phát triển có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc đổi mới mô hình tăng trưởng, và cơ cấu lại nền kinh tế và bảo vệ môi trường mà lâu nay chưa được quan tâm đúng mức; cơ chế quản lý chồng chéo kém hiệu quả ở nhiều ngành, nhiều cấp...
Trong Văn kiện Ðại hội còn nhiều vấn đề khác có thể huy động sức mạnh của cả đội ngũ trí thức vào việc nghiên cứu và triển khai thực hiện. Ðó là sức mạnh tiềm tàng của đất nước mà lâu nay chúng ta chưa sử dụng đúng mức, chưa có cơ chế phù hợp để đội ngũ trí thức có điều kiện phát huy. Muốn vậy theo tôi cần quan tâm tới một số vấn đề sau:
Thứ nhất, phê phán, phê bình trong xã hội là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát huy dân chủ , nâng cao tính trách nhiệm cộng đồng, đẩy mạnh việc chống tham nhũng. Người trí thức có đủ năng lực không chỉ để tư vấn mà còn để phản biện. Cho nên, trong Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh tới một nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp Hội Việt Nam là chủ động tư vấn, phản biện và giám định xã hội mà không phải chỉ làm nhiệm vụ này khi có ai đó đặt hàng.
Thứ hai, trong môi trường cạnh tranh quốc tế hiện nay, một xã hội muốn tăng trưởng kinh tế và phát triển là phải ứng dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Ðiều đó đòi hỏi các doanh nghiệp, các ngành sản xuất phải luôn đổi mới công nghệ và các nhà khoa học phải gắn với thực tiễn sản xuất. Có thực hiện được như vậy, chúng ta mới có thể tiếp cận tới sự phát triển bền vững, chứ không phải tìm cách lách luật để thu lợi nhuận như một số doanh nghiệp đã làm trong thời gian qua.
Thứ ba, một xã hội có tiềm năng phát triển, một xã hội văn minh là xã hội phải có trí tuệ. Nói như vậy có nghĩa người dân phải được học, trau dồi kiến thức, phải học tập suốt đời, hướng tới một xã hội học tập. Trình độ văn minh của một đất nước phụ thuộc vào trình độ học vấn của người dân đất nước đó. Liên hiệp Hội Việt Nam cũng có một nhiệm vụ quan trọng là đi đầu trong truyền bá kiến thức, tổ chức phong trào nhân dân sáng tạo, áp dụng có hiệu quả những tiến bộ KH và CN vào sản xuất và đời sống.
Thứ tư, Văn kiện Ðại hội nhấn mạnh dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước và là bản chất của chế độ ta. Ðiều đó cũng đã được thể hiện trong Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị về Liên hiệp Hội Việt Nam: 'Phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo trong hoạt động khoa học và công nghệ nhằm thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo trí thức KH và CN tham gia vào hoạt động hội'.
Với quan niệm như vậy, Liên hiệp Hội Việt Nam có đủ điều kiện thuận lợi góp phần triển khai nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng. Liên hiệp Hội có một đội ngũ trí thức đông đảo, có trí tuệ và kinh nghiệm, gồm cả khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học - công nghệ, đủ khả năng tham gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau theo yêu cầu của Ðảng và Nhà nước. Nếu được tham gia trực tiếp vào các bộ phận nghiên cứu hoặc các cơ quan quyền lực như các tổ chức Ðảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tham gia các chương trình, đề tài... Liên hiệp Hội sẽ có điều kiện đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của đất nước và góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng.
GS, TSKH Nguyễn Hữu Tăng
Nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Nguồn: Nhân Dân điện tử