Trong thời điểm năm 2009 khép lại để chuyển sang năm mới 2010, các cơ quan truyền thông trên khắp thế giới thường chọn 10 sự kiện tiêu biểu theo quan điểm của mình. Mặc dù năm 2009, trên thế giới có nhiều sự kiện quan trọng nhưng trong đó, có 5 sự kiện được nhiều cơ quan truyền thông lựa chọn.
1-Biến đổi khí hậu trở thành vấn đề nóng toàn cầu
Mặc dù các nhà khoa học đã cảnh báo về hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) từ những năm 1970, nhưng đến những năm 1990 và đặc biệt trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, khi trái đất nóng lên thực sự và nhiều công trình khoa học đã xác nhận trái đất đang nóng lên bởi hiệu ứng nhà kính do khí thải từ các hoạt động của chính con người gây ra, BĐKH thực sự trở thành mối quan tâm của cả thế giới.
Tháng 12/2009, LHQ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về BĐKH tại Copenhagen (Đan Mạch). Đây là hội nghị quy mô lớn nhất trong lịch sử, thảo luận các vấn đề liên quan BĐKH. Tuy Hội nghị đạt kết quả chưa như mong đợi của nhiều người, nhưng “Thỏa ước Copenhagen” là văn bản đầu tiên của thế giới coi BĐKH là thách thức lớn nhất của nhân loại hiện nay. Điều này cho thấy cuộc chiến chống BĐKH là nhiệm vụ chung của cả nhân loại, tại tất cả các quốc gia và khu vực.
2-Thế giới đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế lớn nhất trong thế kỷ
Cuộc khủng hoảng tài chính khởi phát từ Mỹ từ mùa Thu 2008, đã lên đến đỉnh điểm vào mùa Hè 2009, gây ra sự suy thoái về kinh tế trên quy mô toàn cầu, kéo lùi sự phát triển của thế giới lại một thập kỷ, do đại đa số các nền kinh tế đều phát triển ở mức số âm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục.
Nhờ sự can thiệp kịp thời của các gói kích thích với tổng trị giá hàng nghìn tỷ USD (riêng Mỹ là gần 800 tỷ USD, Trung Quốc gần 500 tỷ, châu Âu gần 1.000 tỷ USD…), sự đổ vỡ dây chuyền của hệ thống ngân hàng trên thế giới đã bị chặn đứng. Đến mùa Thu 2009, nhiều dấu hiệu tích cực đã xuất hiện. Các thể chế tài chính thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đánh giá nền kinh tế toàn cầu đang trong quá trình phục hồi, tuy còn nhiều rủi ro.
Dẫu cuộc khủng hoảng đã lùi lại phía sau, nhưng rõ ràng nó đã làm thay đổi nhận thức về cấu trúc hiện hành của kinh tế toàn cầu; về vai trò của các nguyên tắc can thiệp của IMF, WB và các tổ chức tài chính tiền tệ đa phương khác; về cách điều hành của cơ chế cũ, theo đó G.20 với sự tham gia của nhiều nước đang phát triển, đang dần thay thế cho cơ chế G.7 hay G.8 đã tồn tại mấy chục năm qua. Ba cuộc họp của G.20 tại Washington (tháng 11/2008), London (tháng 4/2009) và Pittsburg (tháng 9/2009) đã cho thấy vai trò của G.8 đã đến hồi cáo chung.
|
Nhiều quốc gia nỗ lực phòng chống cúm A/H1N1. Ảnh minh họa |
3-Đại dịch cúm A/H1N1 bùng phát
Tính đến cuối năm 2009, các thống kê của LHQ cho thấy đại dịch cúm A/H1N1 đã lây lan tới gần 210 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn nửa triệu người nhiễm loại virus chết người này và gần 20.000 người đã tử vong.
Bùng phát từ tháng 4 tại Mexico với tốc độ lây lan nhanh, đến tháng 6, Tổ chức Y tế Thế giới đã phải tuyên bố Cúm A/H1N1 là đại dịch toàn cầu. Đây là lần đầu tiên WHO tuyên bố một đại dịch toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua. Để ngăn chặn đại dịch, nhiều nước có chiến dịch tiêm phòng vắc xin quy mô toàn quốc và các chiến dịch khác nhằm ngăn chặn đại dịch, gây cản trở cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong cơn khủng khoảng.
Đại dịch cúm A/H1N1 đã tác động đến mọi quốc gia, đến từng gia đình và vẫn đang tiếp tục lây lan buộc các quốc gia cần hết sức cảnh giác, vì trong thời tiết mùa Đông giá lạnh của Bắc Bán cầu là điều kiện thuận lợi cho đại dịch phát triển.
4-Hiệp ước Lisbon chính thức có hiệu lực
Hiệp ước Lisbon, văn bản pháp lý cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) được toàn bộ các nước thành viên phê chuẩn và có hiệu lực từ tháng 12/2009, đưa EU trở thành một thực thể nhất thể hóa.
Việc liên minh có 27 quốc gia thành viên này có văn bản pháp quy chính thức sẽ gia tăng vị thế trên các diễn đàn quốc tế. Với Hiệp ước Lisbon, EU đã có một bước ngoặt lớn trên con đường nhất thể hóa, trở thành một cực lớn trong bàn cờ quốc tế với Mỹ “thống lĩnh” Tây Bán cầu và một châu Á phát triển năng động.
|
Tổng thống Obama - Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. |
5- Mỹ có vị Tổng thống da màu đầu tiên và có sự điều chỉnh lớn về chính sách
Ngày 20/1/2009, ông Barack Obama, người giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, chính thức trở thành vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử hơn 200 năm của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Trung thành với phương châm khi tranh cử “Thay đổi: Mục tiêu của tôi”, trong năm cầm quyền đầu tiên, Tổng thống Obama đã tiến hành điều chỉnh các chính sách phát triển đất nước và chiến lược toàn cầu.
Chỉ 1 tháng sau khi nắm quyền, ông Obama đã ký phê chuẩn gói kích thích trị giá 787 tỷ USD nhằm đưa kinh tế Mỹ ra khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ đang nhấn chìm nhãn hiệu “Mỹ - siêu cường kinh tế không bị khủng hoảng”. Cuối năm, ông lại phê chuẩn kế hoạch cải cách y tế sâu rộng nhất trong lịch sử nhằm đem lại cho người nghèo ở Mỹ cơ hội tiếp cận hệ thống y tế tốt nhất thế giới.
Về chiến lược toàn cầu, Tổng thống Obama có các quyết định quan trọng: Chú trọng hơn đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương; thay đổi cách tiếp cận với các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ; thay đổi chiến lược trong cuộc chiến tranh tại Afghanistan; thúc đẩy đàm phán với Nga về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn I (START-I), hết hiệu lực vào 5/12/2009.
*Ngoài 5 sự kiện nêu trên, nhiều hãng truyền thông cũng đưa vào danh sách các sự kiện quan trọng khác như: Sự thay đổi chính quyền từ Đảng Dân chủ Tự do (cầm quyền hơn 50 năm nay) sang Đảng Dân chủ ở Nhật Bản; Cướp biển hoành hành và nhiều nước chung tay trong cuộc chiến chống hải tặc; Vua nhạc Pop Michael Jackson đột ngột qua đời; Cuộc chính biến ở Honduras hay việc Colombia cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự tại nước này, đẩy Nam Mỹ vào tình trạng đối đầu; Cuộc xung đột tại Trung Đông giữa thế giới Arập với Israel kéo dài nửa thế kỷ qua chưa tìm được lối thoát và ngày càng lún sâu vào tình trạng đối đầu… /.
(Theo: chinhphu.vn)