Thứ Ba, 1/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 18/8/2012 13:40'(GMT+7)

Những toan tính đằng sau một cuộc gặp bí mật

Binh lính Mỹ tại Afghanistan.

Binh lính Mỹ tại Afghanistan.

1. Mới chỉ khoảng chừng một năm trước đây thôi, điều đó tưởng chừng như không thể xảy ra: Các quan chức ngoại giao của chính phủ Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan) đã chính thức gặp gỡ với một đại diện của Ta-li-ban (Taliban) để đàm phán về triển vọng đối thoại nhằm thiết lập hòa bình tại quốc gia đã trải qua 11 năm chiến tranh với vô vàn mất mát đau thương này.

Sở dĩ tưởng chừng như không thể diễn ra cuộc gặp giữa đại diện chính phủ Ca-bun với đại diện của Ta-li-ban bởi lực lượng này lâu nay vẫn bị coi là khủng bố; người đứng đầu lực lượng này, Giáo chủ Mullah Mahammad Omar, hiện vẫn còn đang trong tình trạng bị Mỹ và các lực lượng liên quân truy lùng ráo riết!

Lẽ ra, Ta-li-ban đã không rơi vào tình trạng bị đánh cho tan nát như hiện nay nếu phong trào này không phạm phải một sai lầm chết người, đó là che chở, hậu thuẫn cho Al-Qaeda, tổ chức đã đứng đằng sau vụ khủng bố đẫm máu 11-9-2001 ở Mỹ.

Với tiềm lực quân sự vượt trội, Mỹ cùng các đồng minh đã trợ giúp cho phong trào nổi dậy ở Áp-ga-ni-xtan đánh đổ chính quyền Ta-li-ban, truy sát cả Bin La-den, người đứng đầu Al-Qaeda lẫn Giáo chủ Mullah Mahammad Omar, người đứng đầu Ta-li-ban. Phải tới 10 năm sau, Bin La-den mới bị bắn hạ trong một cuộc đột kích của đặc nhiệm hải quân Mỹ vào một căn nhà bí mật ở ngoại ô thủ đô I-xla-ma-bát của Pa-ki-xtan, còn Giáo chủ Mullah Mahammad Omar thì hiện vẫn sống lẩn lút đâu đó…

Thế nhưng, ngay cả những điều được coi là “chiến tích” đó của Mỹ cũng như của lực lượng liên quân đồng minh, cũng không che giấu nổi một thực tại là sau 11 năm, lực lượng Ta-li-ban vẫn chưa bị tiêu diệt mà trái lại, đang có dấu hiệu phục hồi. Các đợt đột kích, tấn công của lực lượng Ta-li-ban nhằm vào quân Mỹ và đồng minh vẫn tiếp tục diễn ra, gây nhiều thiệt hại về người và của.

Số liệu mới công bố của LHQ cho biết, so với 6 tháng đầu năm 2011, trong 6 tháng đầu năm 2012, số người thiệt mạng do các vụ tấn công nhằm vào cảnh sát chính phủ Ca-bun, lính liên quân, thậm chí cả các nhân viên làm việc trong các chương trình trợ giúp quốc tế dành cho Áp-ga-ni-xtan, đã tăng lên một cách đáng lo ngại, với tỷ lệ 34%, từ 190 người lên 255 người.

Những mối lo ngại còn tăng lên đáng kể khi chỉ còn hơn một năm nữa, đến cuối năm 2014, là thời hạn chót các lực lượng liên quân sẽ rút khỏi Áp-ga-ni-xtan, để lại một khoảng trống an ninh mà Ta-li-ban sẵn sàng tận dụng nhằm lật ngược tình thế.

2. Thế cho nên trong thời gian gần đây, trên chính trường Áp-ga-ni-xtan xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn cụm từ “những phần tử Ta-li-ban ôn hòa”, có nghĩa là những thành viên Ta-li-ban có thể “nói chuyện phải quấy” được để đàm phán hòa bình.

Bởi vậy, cũng là lô-gích khi khoảng hai tháng trước đây, các đại diện ngoại giao Áp-ga-ni-xtan đã có cuộc tiếp xúc mật với Mullah Baradar, nhân vật được coi là phụ trách cánh quân sự trong Ta-li-ban, trợ lý thân cận của Giáo chủ Mullah Omar và là người rất có ảnh hưởng trong Ta-li-ban.

Thông tin này do Rangin Spantam, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H. Ca-dai (H. Karzai) tiết lộ, cho thấy tầm quan trọng của cuộc gặp và chắc chắn, nó đã được chuẩn y ở cấp cao.

Chỉ có điều là cuộc gặp đã diễn ra trong hoàn cảnh khá đặc biệt: Mullah Baradar, bị bắt giữ ở thành phố Karachi trong một đợt bố ráp do các nhân viên tình báo Pa-ki-xtan phối hợp với CIA thực hiện hồi năm ngoái, hiện vẫn đang thụ án trong một nhà tù ở Pa-ki-xtan.

Vì thế, cuộc gặp giữa các đại diện ngoại giao của Áp-ga-ni-xtan với Mullah Baradar đã diễn ra dưới sự sắp xếp của phía Pa-ki-xtan.

Cho dù các chi tiết của cuộc gặp bí mật này không được công bố thì nó cũng vẫn nói lên hai điều: Thứ nhất, trong bối cảnh phức tạp của đời sống chính trị ở Áp-ga-ni-xtan, mọi sự đều có thể xảy ra; thứ hai, những diễn biến gần đây ở Áp-ga-ni-xtan đã buộc các bên phải tìm cách thỏa hiệp, vì lợi ích của chính mình!

3. Mặc dù đã đóng vai trò chính yếu trong việc lật đổ chính quyền Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan, thế nhưng sau 11 năm, về mặt địa chính trị, những kết quả thu được ở đất nước này đối với Mỹ vẫn còn khá khiêm tốn.

Khi lên làm Tổng thống Mỹ cách đây 4 năm, ông B. Ô-ba-ma (B. Obama) đã tuyên bố chuyển hướng trọng tâm từ I-rắc sang Áp-ga-ni-xtan, với tham vọng “dứt điểm” trên một chiến trường, đúng với “truyền thống” mỗi Tổng thống Mỹ cần có một cuộc chiến tranh! Mặc dù vậy, sau 4 năm, khi thời hạn rút quân, chuyển giao việc gìn giữ an ninh cho các lực lượng của Áp-ga-ni-xtan đã tới gần, tình hình Áp-ga-ni-xtan vẫn hoàn toàn chưa có biến chuyển tích cực.

Không chỉ có các cuộc tấn công của quân Ta-li-ban nhằm vào lực lượng Mỹ, đáng chú ý là thời gian gần đây, các vụ “xanh-lá-cây-đánh-xanh-da-trời”, chỉ việc chính nhân viên cảnh sát người Áp-ga-ni-xtan nổ súng nhằm vào binh lính Mỹ (hai màu xanh là màu đồng phục của hai lực lượng này)-cũng tăng lên một cách đáng ngại.

Trong năm bầu cử quan trọng này, khi mà bất kỳ một động thái nào ở những chiến trường xa xôi như Áp-ga-ni-xtan cũng có thể làm ảnh hưởng đến tâm trí của cử tri lúc họ đứng bên hòm phiếu vào tháng 11 tới, việc loại bỏ đến mức tối đa những rủi ro chính trị là điều mà bất cứ một chính trị gia nào của Mỹ cũng sẽ thực hiện.

Bởi thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi tân Đại sứ Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan, ông James Cunningham, đã bình luận về cuộc gặp bí mật giữa các đại diện của Áp-ga-ni-xtan với một thủ lĩnh của Ta-li-ban (dù đang trong tù), rằng “đó là một bước tiến về phía trước”!.

Một cuộc đàm phán giữa chính phủ Áp-ga-ni-xtan với Ta-li-ban sẽ giúp giữ được thể diện cho các lực lượng Mỹ và đồng minh khi rút khỏi Áp-ga-ni-xtan, tránh tiếng “bỏ của chạy lấy người”, đồng thời sẽ là đảm bảo-dẫu ít ỏi-để chính quyền Áp-ga-ni-xtan có khả năng trụ vững được sau thời điểm cuối năm 2014.

4. Không ai hiểu rõ cái cảm giác lạnh lưng khi các lực lượng đồng minh rút khỏi Áp-ga-ni-xtan hơn các nhà hoạch định chính sách của Áp-ga-ni-xtan! Phải lo ngay từ bây giờ! Và khi không “dứt điểm” được đối thủ, cách tốt nhất là kéo đối thủ đến bên bàn đàm phán.

Đó là lý do chính khiến các quan chức Áp-ga-ni-xtan đã không chỉ một lần đề nghị phía Pa-ki-xtan phóng thích các tù nhân Ta-li-ban trong các nhà tù của nước này, bao gồm cả Mullah Baradar-một đề nghị mà phía Pa-ki-xtan đến nay cho rằng “không hiện thực” - để mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình với Ta-li-ban.

Thậm chí, đã xuất hiện những ý kiến đề nghị Mỹ chuyển 5 tù binh trọng yếu của Ta-li-ban đang bị giam giữ lâu nay ở căn cứ Goan-ta-na-mô tới quốc gia vùng Vịnh Qatar để giúp vào tiến trình đàm phán này…

Về phía Ta-li-ban, vốn lâu nay khước từ đàm phán với Ca-bun với lý do cáo buộc chính phủ này là “con rối” của Mỹ, đến thời điểm này, cũng buộc phải cân nhắc thiệt hơn.

Việc một số nhà lãnh đạo Ta-li-ban tuyên bố mở một văn phòng đại diện tại Qatar cũng như thông báo giữ khoảng cách với các phong trào khủng bố, đặc biệt là Al-Qaeda, cho thấy đã xuất hiện những toan tính trong nội bộ Ta-li-ban nhằm tìm kiếm sự công nhận hợp pháp của cộng đồng quốc tế.

Bắt đầu một tiến trình đàm phán với chính phủ khi mà các lực lượng nước ngoài chuẩn bị rút đi là một tính toán khôn ngoan của Ta-li-ban nhằm thể hiện vai trò một đối tác chính trị có trách nhiệm, cũng là bước đầu tiên trên con đường giành lại quyền lực, hay chí ít cũng là một chỗ đứng trong tương lai chính trị của Áp-ga-ni-xtan.

Cuối cùng, phải kể đến Pa-ki-xtan. Bằng việc dàn xếp cuộc gặp bí mật giữa đại diện chính phủ Áp-ga-ni-xtan với một tù nhân cấp cao Ta-li-ban, Pa-ki-xtan đã chứng tỏ vai trò không thể thiếu trong bất cứ một tiến trình hòa giải nào giúp lập lại sự ổn định ở Áp-ga-ni-xtan. Một đối tác chống khủng bố với Mỹ, một lãnh thổ vẫn còn không ít cứ địa của Ta-li-ban, một vị thế trung gian giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình cho Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan sẽ thụ hưởng nhiều lợi ích chính trị một khi tiến trình đàm phán hòa bình giữa chính phủ Áp-ga-ni-xtan với Ta-li-ban trở thành hiện thực.

5. Cuộc gặp bí mật ở Pa-ki-tan, vì thế, là khởi đầu cho những đòn thế tiếp theo của các bên liên quan ở Áp-ga-ni-xtan nhằm thực hiện những toan tính chính trị có lợi cho mình.

(Theo: Văn Yên/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất