Có một thực tế đáng suy nghĩ: Mặc dù được Nhà nước ưu đãi giảm 70%
học phí, hằng tháng sinh viên còn có tiền bồi dưỡng nghề, được cấp quần
áo tập và các phương tiện học tập khác nhưng số thầy, Số giảng viên,
chuyên gia đầu ngành chiếm tỷ lệ thấp. Sinh viên giỏi, có khả năng,
thường thích đắm mình thử sức trong thực tế sáng tác, không muốn ở lại
trường. Ở các trường khác, sinh viên giỏi được giữ lại trường, học thạc
sĩ, học tiến sĩ, sau đó có thể đứng lớp nhưng với trường đào tạo nghệ
thuật, học xong tiến sĩ nhiều khi cũng chưa thể đứng trên bục giảng.
Giảng viên không có trải nghiệm trong sáng tác, trong nghiên cứu, giảng
bài chỉ dựa vào sách vở, sẽ rất khó có sức thuyết phục đối với sinh viên
nghệ thuật -một đối tượng đào tạo rất đặc thù. Cũng như các trường đào
tạo nghệ thuật khác trên thế giới, mỗi năm Đại học Sân khấu - Điện ảnh
Hà Nội đã mời khoảng 150 đến 160 nghệ sĩ và nhà nghiên cứu có kinh
nghiệm, uy tín về giảng dạy. Đó là lượng các thí sinh tham gia thi vào
các chuyên ngành nghệ thuật dân tộc ở Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội
ngày càng giảm... Năm 2013, chỉ tiêu tuyển sinh diễn viên chèo là 15,
nhưng chỉ có 22 thí sinh đăng ký dự thi. Điều đó xảy ra tương tự đối với
chuyên ngành đào tạo diễn viên cải lương. Trường tuyển được đủ chỉ tiêu
nhưng Ban giám khảo không thể có nhiều lựa chọn. Nguồn tuyển ít, phải
chăng công tác quảng bá cần thiết cho một chuyên ngành đào tạo chưa được
quan tâm?Không hẳn như vậy, chúng ta hiểu rằng, nghệ thuật dân tộc,
kịch hát dân tộc đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn
trong cơ chế thị trường và điều này không thể không ảnh hưởng tới việc
chọn ngành nghề nghệ thuật của lớp trẻ hôm nay. Nghệ thuật chèo, cải
lương... tồn tại, phát triển thế nào và cần những điều kiện gì đang là
câu hỏi lớn. Sự bảo tồn, lưu giữ nghệ thuật kịch hát dân tộc phải được
bảo tồn, lưu giữ, truyền bá sống động bằng tài năng của những con người
cụ thể.
Công tác đào tạo nghệ thuật kịch hát dân tộc chắc chắn đòi hỏi phải
có cách tiếp cận mới. Có ý kiến cho rằng chúng ta đã kinh viện hóa nghệ
thuật dân tộc, đào tạo chèo theo cách tách chèo ra khỏi không gian văn
hóa của chèo có đúng không? Rõ ràng cần phải đổi mới trong tư duy đào
tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, bên cạnh việc tính đến chiến lược thật
sự cho sự tồn tại, phát triển kịch hát dân tộc trong điều kiện mới, nên
chăng có chính sách trong mười năm, mười khóa, giảm 100% học phí cho
sinh viên theo học các chuyên ngành này chứ không phải chỉ giảm 70% học
phí cho sinh viên như hiện nay.
Một hiện tượng khác cũng đáng quan tâm, đó là số lượng các thí sinh
dự thi vào các chuyên ngành lý luận phê bình sân khấu, lý luận phê bình
điện ảnh ngày càng ít đi, thậm chí như năm 2013, trường không có nguồn
thí sinh để tuyển cho chuyên ngành lý luận phê bình sân khấu và rất ít
thí sinh để tuyển cho chuyên ngành lý luận phê bình điện ảnh. Không ai
có thể phủ nhận được vai trò quan trọng của lý luận phê bình trong sự
phát triển của nghệ thuật sân khấu, điện ảnh. Về mặt lý thuyết không thể
nói xã hội không có nhu cầu về những nghề này. Vậy tại sao không có
người theo học? Sẽ khó mà lý giải hiện tượng này nếu chúng ta không đặt
trong tổng thể của hôm nay.
Cũng như vậy, giả sử ngành sân khấu đang có điều kiện phát triển liệu
chúng ta có nhiều thí sinh thi vào chuyên ngành đạo diễn sân khấu
không? Câu trả lời sẽ là không. Bởi đây không chỉ là nghề khó mà còn là
nghề đòi hỏi nguồn kinh phí đào tạo không hề nhỏ. Trong đào tạo nghệ
thuật, thực hành của sinh viên giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Mỗi
sinh viên chuyên ngành đạo diễn trước khi ra trường đều phải bảo vệ tốt
nghiệp bằng vở diễn. Để có một vở diễn, ngoài việc phải chọn kịch bản,
sinh viên chuyên ngành đạo diễn phải có dàn diễn viên để lựa chọn, để
phân vai, phải có họa sĩ trang trí sân khấu, rồi sân khấu để biểu
diễn... nghĩa là phải có đủ điều kiện gần như của một nhà hát chuyên
nghiệp và điều này đòi hỏi phải có tiền. Bởi thế hầu hết những sinh viên
học đạo diễn sân khấu đều chọn loại hình đào tạo vừa học, vừa làm.
Những sinh viên đã có nhiều năm cống hiến cho các nhà hát, bài thi tốt
nghiệp của họ thường được các giám đốc của các nhà hát hỗ trợ dựng vở
tốt nghiệp, bảo vệ xong vở diễn được tu chỉnh thành kịch mục trong năm
của nhà hát. Vấn đề đặt ra, nếu một nhà hát dù rất nhiệt tâm, nhưng
không có điều kiện hỗ trợ và nếu sinh viên không đến trường từ nhà hát
thì cơ hội nào cho các sinh viên có khát vọng cống hiến cho nền sân khấu
nước nhà? Trong khi bản thân các sinh viên đạo diễn trẻ chưa đủ sức tạo
nên niềm tin để các doanh nghiệp có thể đầu tư, tài trợ cho những ý
tưởng sáng tác. Bảo vệ bài thi tốt nghiệp trước khi ra trường bằng tác
phẩm cũng là yêu cầu chung bắt buộc cho tất cả các sinh viên trường nghệ
thuật. Các chuyên ngành biên đạo múa, huấn luyện múa, đạo diễn điện
ảnh, đạo diễn truyền hình, quay phim điện ảnh, quay phim truyền hình,
họa sĩ thiết kế, v.v.đều như vậy. Đó là một thực tế khác biệt trong đào
tạo nghệ thuật không thể không xem xét, nghiên cứu và có cơ chế chính
sách phù hợp, nếu không khó có thể bàn một cách hiệu quả về vấn đề nâng
cao chất lượng đào tạo...
Khi nói đến một số vấn đề bất cập trong công tác đào tạo như đã nêu
trên, chúng tôi chỉ mong đi đến một nhận thức chung về công tác đào tạo
của một trường nghệ thuật. Từ đội ngũ giảng viên, nguồn tuyển sinh, chất
lượng đào tạo đến sản phẩm đào tạo và việc sử dụng sản phẩm đào tạo đều
không được tách rời thực tế phát triển của văn học - nghệ thuật và chịu
ảnh hưởng rất lớn của các chính sách cũng như ảnh hưởng bối cảnh xã hội
Việt Nam hiện nay. Có những vấn đề một mình trường, đơn lẻ không thể
tháo gỡ được, không thể xử lý được mà cần sự nỗ lực, quan tâm rất lớn
của Đảng, Nhà nước, của các cơ quan chức năng và các đơn vị sử dụng
nguồn nhân lực sân khấu và điện ảnh do trường đào tạo. Chính vì vậy, có
thể nói, đào tạo nghệ thuật là lĩnh vực đòi hỏi một cách tiếp cận mang
tính đặc thù và cần có một cơ chế mang tính đột phá cho các trường đào
tạo nghệ thuật.
Là người làm công tác đào tạo, tôi thường lặng lẽ quan sát và nhận ra
điều này. Lớp sinh viên trẻ của chúng ta đang có những biến đổi nhanh
chóng. Nhưng dù khó khăn đến đâu thì thời nào chúng ta cũng có những
sinh viên rất thông minh, giỏi giang, rất tài năng. Nói điều đó không
phải để kể về công lao của một cơ sở đào tạo nghệ thuật. Cần khẳng định
điều đó bởi các bạn trẻ tài năng là kết tinh của sức sống văn hóa Việt
Nam, sức mạnh nội sinh của văn hóa Việt Nam, là lẽ sinh tồn của dân tộc
Việt. Đó cũng là điều mà chúng ta có thể chờ đợi, hy vọng trong việc đào
tạo nguồn nhân lực tài năng cho nghệ thuật sân khấu, điện ảnh khi chúng
ta biết đổi mới, vượt qua thách thức đáp ứng yêu cầu phát triển hôm
nay./.
PGS. TS. Trần Thanh Hiệp
(Nguồn: Nhân Dân)