Về khách quan, bước vào năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm cho kinh tế thế giới suy giảm mạnh, nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng rất lớn, thị trường xuất khẩu thu hẹp, sản xuất khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và giảm thấp; Tập đoàn Vinashin chịu tác động nặng nề, đặc biệt về thị trường và nguồn vốn.
Nhưng về chủ quan, nhân tố quyết định, Tập đoàn Vinashin triển khai quá nhiều dự án đầu tư, dàn trải trên nhiều lĩnh vực, vượt khả năng cân đối tài chính, có dự án chưa thật cần thiết, nhiều dự án chỉ được phân bổ vốn chưa đến 50% tổng mức đầu tư. Vốn điều lệ hạn chế, vốn tự có trong nhiều dự án rất thấp, có dự án đầu tư bằng 100% vốn vay. Do vậy, hầu hết các dự án đầu tư đều triển khai dở dang, như các dự án giải phóng mặt bằng khu công nghiệp, dự án đóng tàu xuất khẩu, những dự án này chưa đưa vào sử dụng nhưng vẫn phải trả lãi. Ðầu tư cho phát triển đội tàu, trong đó có những tàu mua của nước ngoài quá cũ, hoạt động kém hiệu quả. Phát triển nhanh nhiều doanh nghiệp, góp vốn ra ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính quá rộng, cho vay và bảo lãnh cho các công ty liên kết vay, nhiều đơn vị làm ăn không hiệu quả, không trả được nợ, không kiểm soát được. Việc sử dụng vốn không hiệu quả đã gây hậu quả nặng nề về tài chính đối với Tập đoàn Vinashin.
Trên thực tế, Tập đoàn Vinashin đã phải vay nợ mới để trả nợ cũ, vay ngắn hạn trả dài hạn, thậm chí lấy vốn lưu động để đầu tư. Ðến tháng 6-2010, tổng tài sản của Tập đoàn Vinashin khoảng 104.000 tỷ đồng nhưng tổng số nợ là 86 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ thấp lại sử dụng vốn dàn trải nên tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gần 11 lần, rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản, sản xuất đình đốn, công nhân chuyển việc, bỏ việc gần 17.000 người, mất việc gần 5.000 người.
Sau khi huy động được nguồn vốn trái phiếu quốc tế 750 triệu USD, vốn vay ngân hàng nước ngoài 600 triệu USD và vốn phát hành trái phiếu Vinashin trong nước 10.296 tỷ đồng thì Hội đồng quản trị Tập đoàn mới phê duyệt danh mục các dự án được sử dụng vốn. Nhiều dự án được phê duyệt từ năm 2006, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai hoặc có triển khai thì khối lượng thực hiện rất thấp.
Chỉ tính riêng khoản vay ngân hàng nước ngoài và nguồn vốn trái phiếu quốc tế thì số tiền rủi ro về tỷ giá mà Tập đoàn phải trả đã hơn 4.000 tỷ đồng (600 triệu USD + 750 triệu USD) x (19.000 - 15.900) = 4.185 tỷ đồng.
Không có phương án trả nợ gốc và lãi tiền vay các nguồn vốn lớn khi đến hạn thanh toán:
Các khoản nợ đến hạn và quá hạn tính đến tháng 6-2010 là 24.938 tỷ đồng (nợ gốc 20.746 tỷ đồng và nợ lãi là 4.192 tỷ đồng). Trong đó nợ quá hạn từ năm 2009 chuyển sang là 1.270 tỷ đồng. Trong năm 2010-2012 phải trả nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp trong nước 1.800 tỷ đồng, vay nợ nước ngoài 600 triệu USD; giai đoạn 2016-2017 phải trả vốn vay trái phiếu quốc tế 750 triệu USD, trả nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp trong nước 7.000 tỷ đồng.
Lãi hằng năm phải trả ba nguồn vốn này là 136,36 triệu USD, gồm: lãi trái phiếu quốc tế 51,56 triệu USD, lãi vay nước ngoài 40,8 triệu USD và 44 triệu USD lãi trái phiếu trong nước (lãi trái phiếu trong nước 836 tỷ đồng tương đương 44 triệu USD theo tỷ giá 19.000 đồng/USD).
Nợ gốc vay các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trong nước là 33.493 tỷ đồng với mức lãi suất cao, đây là các khoản vay ngắn hạn. Một số khoản vay này đã đến hạn và quá hạn nhưng chưa có khả năng thanh toán.
Nguyên nhân của những sai lầm, yếu kém, về khách quan, do thị trường đóng tàu và vận tải biển thế giới sụt giảm đột ngột. Tuy nhiên, những yếu kém và sai phạm của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu. Ðiều đó thể hiện ở năng lực quản trị doanh nghiệp và dự báo yếu kém, trình độ cán bộ lãnh đạo quản lý chưa đáp ứng yêu cầu; xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp quá nhanh, quá nóng, không phù hợp nguồn vốn, năng lực quản lý và quy hoạch phát triển được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý đầu tư, quản lý tài chính lỏng lẻo, kém hiệu quả, nhiều quyết định trái quy định của pháp luật; tổ chức phát triển hệ thống doanh nghiệp quá dàn trải và quản lý nhân sự cán bộ không chặt chẽ. Ðặc biệt là, báo cáo không đúng thực trạng về sử dụng vốn, về đầu tư, về phát triển thêm doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh. Mỗi lần báo cáo số liệu khác nhau. Năm 2009 và quý I năm 2010 thua lỗ nhưng vẫn báo cáo có lãi. Khuyết điểm này là của lãnh đạo, trước hết là của người đứng đầu Tập đoàn. Bên cạnh đó, còn quyết định thực hiện nhiều dự án đầu tư ngoài quy hoạch, không đúng quy định của pháp luật hiện hành; quyết định sử dụng vốn kém hiệu quả, có biểu hiện sai trái. Sử dụng một số vốn lớn để mua tàu vận tải biển của nước ngoài, trong đó có những con tàu mua quá cũ; không nghiêm túc thực hiện những ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
Những yếu kém và sai phạm nghiêm trọng, nhất là về đầu tư, về sử dụng vốn của lãnh đạo Tập đoàn cộng với những yếu tố khách quan tác động nặng nề, đã làm cho Tập đoàn thua lỗ, không vay được vốn, mất khả năng chi trả, không còn vốn để hoạt động. Từ năm 2008, nhiều dự án đầu tư phải dừng lại, một số đơn vị ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, một bộ phận không nhỏ người lao động bỏ việc, mất việc.
Việc quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu của Chính phủ đối với DNNN, tập đoàn kinh tế nói chung và Tập đoàn Vinashin nói riêng còn nhiều bất cập, kém hiệu quả. Theo đó, thể chế về quản lý đầu tư và huy động sử dụng vốn, về thành lập mới doanh nghiệp và mở thêm ngành nghề kinh doanh, về tuyển chọn và sử dụng cán bộ của DNNN, tập đoàn kinh tế còn nhiều bất cập. Thể chế, cơ chế thực hiện quyền và trách nhiệm chủ sở hữu chưa đủ rõ, còn sơ hở. Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho DNNN, tập đoàn kinh tế là cần thiết, nhưng thể chế, cơ chế về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, quản lý tài chính nội bộ hiện hành còn kém hiệu quả.
Bộ quản lý ngành và các bộ chức năng chưa thực hiện tốt việc tham mưu, đề xuất, hoàn thiện cơ chế, chính sách và chưa kiểm soát được kịp thời tình hình, chưa phát hiện được đầy đủ và ngăn chặn có hiệu quả những quyết định sai trái về đầu tư, về sử dụng vốn, về phát triển thêm doanh nghiệp và mở thêm ngành nghề kinh doanh của lãnh đạo Tập đoàn.
Từ đánh giá tình hình, nguyên nhân, sự chỉ đạo của Chính phủ đã đạt được một số kết quả bước đầu; sau khi báo cáo
Bộ Chính trị, Chính phủ chủ trương tái cơ cấu toàn diện với sự hỗ trợ trực tiếp, mạnh mẽ từ kinh tế nhà nước và của các định chế tài chính tín dụng để duy trì và từng bước ổn định, phát triển Tập đoàn Vinashin.
Theo ND