Thứ Hai, 7/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Ba, 24/11/2009 20:1'(GMT+7)

Niềm tin của đồng bào Tây Nguyên

Đồng bào luôn giúp nhau để phát triển kinh tế vững chắc hơn. (Trong ảnh: Tuyên truyền về dân số).

Đồng bào luôn giúp nhau để phát triển kinh tế vững chắc hơn. (Trong ảnh: Tuyên truyền về dân số).

Ông Y Thơn Niê ở buôn H'Ðinh, xã Cư Dlây M'nông, huyện Chư M'gar, tỉnh Ðác Lắc tâm sự: Mặc dù chưa ai may mắn và hạnh phúc được gặp Bác một lần, nhưng từ người già đến người trẻ trong buôn ai cũng kính yêu Bác Hồ. Trước đây, nhiều người chưa hiểu sâu, hiểu hết về đạo đức, lối sống giản dị và cao đẹp của Người, từ khi có cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, bà con mới có điều kiện hiểu hơn về vị lãnh tụ kính yêu của mình. Từ chỗ hiểu hơn về Bác, người dân trong buôn càng ra sức đoàn kết, xây dựng buôn làng ngày thêm giàu đẹp. Già Y Thơn nói thêm, bản thân ông đã góp một phần nhỏ bé trong việc tuyên truyền, vận động con cháu làm theo những lời Bác dặn: Phải dựa vào sức dân, tinh thần đoàn kết của dân mới mong đạt được mọi việc. Cũng từ nhận thức ấy, người dân trong buôn đã tích cực xây dựng cộng đồng của mình ngày một ấm no và hạnh phúc hơn. Ðến nay buôn H'Ðinh không còn hộ nghèo, hầu hết 150 hộ gia đình ở đây đã có của ăn, của để và từng bước tích lũy để làm giàu. Nhờ vậy, cuối năm 2008 vừa qua, buôn H'Ðinh được công nhận là buôn văn hóa cấp tỉnh. Vinh dự này khiến bà con càng phấn khởi và càng tích cực hơn trong việc xây dựng và phát triển đời sống kinh tế-xã hội, văn hóa ở địa phương.

Già Y DLưm ở buôn M'Liêng, xã Ðác Liêng, huyện Lắc, tỉnh Ðác Lắc bảo: Mình già rồi, cái chân không đi được nhiều để vận động bà con làm nhiều việc tốt như lời Bác dạy. Nhưng bù lại cái đầu của mình còn nhớ, còn biết quan tâm đến đời sống của con cháu nên phải gắng sức làm một việc gì đó có ích cho bà con, chính quyền. Già Y DLưm kể, khi địa phương mở cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông đã gom góp những hiểu biết của mình về Bác Hồ rồi tự đặt lời hát (dưới thể thức dân ca truyền thống của dân tộc mình) để ca ngợi công ơn trời biển của Người, góp phần tuyên truyền, giáo dục con cháu hiểu và làm theo lời Bác. Bài hát "Ca ngợi Bác Hồ" do già Y DLưm sáng tác và tự biểu diễn trong những dịp hội hè, hội diễn văn nghệ quần chúng được nhiều người, nhất là lớp trẻ hưởng ứng và đón nhận nồng nhiệt. Sáng tác này của già Y DLưm cũng đã được ngành văn hóa huyện Lắc chọn đi tham gia và đoạt Huy chương vàng tại Hội diễn hát ru và dân ca toàn tỉnh Ðác Lắc năm 2008.

Với cụ Y Bhiu Mlô, ở thị xã Buôn Hồ (Ðác Lắc) thì may mắn và hạnh phúc hơn, bởi cụ đã được gặp Bác Hồ từ những năm 1966-1967 khi còn là học sinh người dân tộc thiểu số Tây Nguyên được đưa ra miền bắc học tập. Hai lần được gặp Bác là những kỷ niệm khó quên trong đời cụ. Cụ Y Bhiu Mlô còn nhớ như in lời Bác căn dặn: Phải học tập và công tác cho thật tốt để sau này, khi đất nước thống nhất còn trở về quê hương xây dựng buôn làng giàu đẹp, đuổi cái nghèo, cái lạc hậu cho bà con và đem sự ấm no đến cho mọi người. Nhớ lời Bác dạy, cụ đã hoàn thành tốt công tác của một cán bộ kỹ thuật nông nghiệp tại các nông lâm trường ở các tỉnh phía bắc (từ Nghệ An ra Thanh Hóa). Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, ông trở về Ðác Lắc tham gia công tác trong các đoàn thể, từ Hội Nông dân, cựu chiến binh, đến chi bộ Ðảng khu phố... cụ đều luôn gương mẫu đi đầu và trở thành điển hình cho thế hệ trẻ noi theo.

Mỗi người, dù chưa được gặp hoặc may mắn được gặp Bác một lần đều có cách cảm và cách nghĩ giống nhau ở chỗ: Cố gắng làm một việc thật có ích cho cộng đồng và xã hội để không thẹn với niềm mong mỏi, tin tưởng với Người. Nhất là những người lính Cụ Hồ một thời như chúng tôi, điều đó càng thêm canh cánh trong lòng, ông Bùi Ngọc Ðủ bồi hồi tâm sự. Có lẽ, ý thức đó đã giúp người cựu binh này không nề hà bất cứ một việc gì, từ chuyện to, đến chuyện nhỏ để cùng với bà con người Gia Rai, Ba Na, Xê Ðăng ở huyện Mang Giang, tỉnh Gia Lai vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống nơi vùng đất Tây Nguyên mà ông đã chọn làm quê hương thứ hai của mình.

Một lần ghé thăm "nhân vật chính" trong ca khúc "Ơi con suối La La" của nhạc sĩ Huy Thục viết về chiến công của bộ đội ta trong trận quyết chiến với quân xâm lược Mỹ tại đồi "Không tên" (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) năm 1967, ông Bùi Ngọc Ðủ tâm sự: Sau chiến công vang dội ấy, ông được đưa ra miền bắc báo cáo thành tích và nhận Huân chương Chiến công hạng nhất. Nhân dịp này, ông được gặp Bác Hồ kính yêu. Những lời căn dặn của Bác mãi mãi khắc sâu trong tim, tiếp thêm sức mạnh cho ông sống và chiến đấu trong thời gian quân ngũ cũng như khi trở về cuộc sống đời thường. Ông bồi hồi nhớ lại, vốn quê Thanh Hóa, sau ngày đất nước thống nhất, ông tham gia truy quét phun-rô ở Tây Nguyên rồi chọn mảnh đất này làm nơi lập nghiệp cho đến tận bây giờ. Trong câu chuyện, ông luôn nhớ mãi và tự hào xen nỗi xúc động kể về tấm gương đạo đức của Bác và lấy đó làm động lực cho mỗi suy nghĩ, việc làm của mình trước đồng bào, đồng chí. Ông bảo: Sau khi thành lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945, Bác Hồ phát động phong trào "Hũ gạo tiết kiệm". Từ việc đó mà ông đã vận động xây dựng trong huyện hơn 40 "kho lúa tiết kiệm" trữ được 120 tấn lúa sẵn sàng cứu đói cho đồng bào lúc giáp hạt. Cũng từ việc làm thiết thực này, ý thức tiết kiệm, chi tiêu có chừng mực nên nhiều gia đình đã có cuộc sống từng bước được nâng lên, góp phần đẩy lùi cái đói vào kỳ giáp hạt thường xuyên xảy ra như trước.

Những tình cảm, việc làm đầy ý nghĩa như thế của bao người như cựu chiến binh Bùi Ngọc Ðủ, già Y Thơn Niê, cụ Y DLưm và nhiều người khác nữa... đều bắt đầu từ sức lan tỏa sâu rộng của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, người mà họ suốt đời ngưỡng vọng và tin yêu vô hạn. Và cũng từ niềm tin yêu ấy, người dân Tây Nguyên đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc "ai cũng có cơm ăn, áo mặc. Ai cũng được học hành..." như Bác đã hằng mong muốn./.

(Theo: Nguyễn Đình/ND)


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất