Thứ Hai, 7/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Chủ Nhật, 22/11/2009 15:20'(GMT+7)

Những tâm tư về một cộng đồng vững mạnh và tâm nguyện hướng về đất nước

Các đại biểu dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất (Ảnh:TTXVN)

Các đại biểu dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất (Ảnh:TTXVN)

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Việt kiều Bỉ cho rằng việc tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất chứng tỏ Nhà nước luôn quan tâm tới kiều bào, đồng thời ông bày tỏ hy vọng tại Hội nghị này các kiều bào trên khắp thế giới sẽ đưa ra được nhiều kế sách phát triển đất nước.

Giáo sư Hưng cho biết với những chính sách của Đảng và Nhà nước, ông đã quyết định hồi hương và mở 2 trung tâm đào tạo cao học cho sinh viên Việt Nam tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.

Bằng uy tín của một giáo sư giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Liège, Giáo sư Hưng đã thuyết phục Chính phủ Bỉ và các đối tác châu Âu cấp học bổng cao học cho những sinh viên xuất sắc của Việt Nam. Nỗ lực gần 20 năm qua của ông đã giúp nền giáo dục Việt Nam có được trên 300 thạc sĩ và 20 tiến sĩ đạt trình độ quốc tế.

Đại biểu Lê Văn Phu

Chia sẻ tình cảm khi về thăm đất nước, đại biểu cao tuổi nhất Hội nghị Lê Văn Phu, 90 tuổi (Việt kiều Pháp) cho biết đã “cảm thấy gần gũi hơn, thân thiện hơn” vì bây giờ thủ tục visa đã được bãi bỏ và bà con kiều bào ngày càng được tạo điều kiện thuận lợi để trở về  Quốc tịch Việt Nam.  

Đại biểu Vũ Tiến Dũng (Brazil) cho biết, hiện cộng đồng kiều bào ở Brazil có khoảng 130 người và tất cả “đều thành đạt, đều làm chủ” và đều hướng về đất nước với những mức độ khác nhau.

Ông cho rằng, mỗi người Việt Nam ở nước ngoài khi tiếp cận thông tin trong nước “cần tự mình thẩm định” để hiểu cho đúng và cũng cần tự lực vươn lên thì mới có thể đóng góp nhiều cho đất nước.

Được biết, số kiều báo về nước tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tăng đáng kể hàng năm, nhưng đến nay mới có khoảng 3.000 dự án của kiều bào đầu tư về nước với tổng vốn gần 2 tỉ USD (hơn 30.000 tỷ đồng).

Với tư cách là thành viên của Hội Doanh nghiệp Việt kiều tại Canada và Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân Việt kiều, chị Phùng Kim Vy cho rằng doanh nhân Việt kiều ngày càng được tạo điều kiện thuận lợi khi đầu tư về nước. Từ nhiều năm qua, chị liên tục đưa các đoàn Việt kiều về thăm đất nước, tìm hiểu đầu tư.

Ngoài việc đầu tư xây dựng khu resort The Cliff ở Mũi Né, Bình Thuận, chị Vy cho biết đang có ý định xây dựng trường đào tạo du lịch ở địa phương này. Theo chị, đây là nơi tập trung tới hơn 80 khu resort nên việc có một trường đào tạo du lịch chuyên nghiệp và được đầu tư dài hạn là rất cần thiết để đảm bảo sự cân đối trong chính sách phát triển du lịch của địa phương.

Nghệ sĩ Alain Vũ, kiều bào Pháp, bày tỏ mong muốn qua hội nghị lần này chị có thể tích lũy được nhiều cách làm hay của các văn nghệ sĩ khác để hoàn thành tốt hơn sứ mệnh “cầu nối văn hóa” giữa các nghệ sĩ trong nước với kiều bào.

Chị cũng cho rằng Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa sự giao lưu giữa kiều bào trong và ngoài nước để kiều bào được tiếp cận và hiểu thấu đáo hơn về những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Với tâm nguyện đó, trong nhiều năm qua, chị luôn cố gắng lựa chọn và dàn dựng những tiết mục văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc để vừa góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, vừa để các thế hệ con em người Việt Nam tại Pháp hiểu, yêu và thêm tự hào về văn hóa Việt Nam.

Góp ý cho chính sách thu hút hơn nữa sự đóng góp của bà con kiều bào, bà Daianne Nguyễn (Việt kiều Mỹ) cho rằng hệ thống chính sách sắp tới phải “chặt chẽ hơn, bền vững hơn”, những quy định về hỗ trợ cho bà con kiều bào cần “cụ thể hơn”.

Đối với nhu cầu văn hóa, ngôn ngữ của bà con xa xứ, đại biểu Nguyễn Tăng Tri (Việt kiều Canada) cho hay nhu cầu thông tin và tâm linh của bà con nước ngoài rất lớn, và bày tỏ mong muốn trong nước cung cấp thông tin theo từng chuyên đề.

Đồng tình, đại biểu Cao Văn San (Thái Lan) đề xuất cần đẩy mạnh công tác dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài bằng cách gửi sách giáo khoa và giáo viên sang giảng dạy. 

 

Đại biểu Đinh Kim Nguyệt

Bên cạnh những người đã thành đạt, vẫn còn một bộ phận kiều bào còn gặp khó khăn trong việc hòa nhập với xã hội sở tại mà điển hình là ở vùng Yukon, giáp với Alaska của Hoa Kỳ, đại biểu Đinh Kim Nguyệt (kiều bào Canada) tâm sự. Bà cho biết nhiều người Việt ở đây vẫn chưa thạo tiếng Anh, chưa có điều kiện tiếp cận Internet và mong muốn có sự trợ giúp bà con khắc phục khó khăn, hòa nhập với cộng đồng.

Cũng hướng về quê hương, bà Phùng Tuệ Châu, Giám đốc Đài phát thanh Tiếng Quê hương tại Mỹ cho biết việc lập đài phát thanh này nhằm giới thiệu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cùng những thành tựu phát triển của đất nước, để “đối đầu với tiếng nói không trung thực của các đài đang chống đối Nhà nước Việt Nam”.
 
Các đại biểu đều cho rằng Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài là sự kiện lịch sử vì lần đầu tiên bà con kiều bào có thể trao đổi thẳng thắn những suy nghĩ, tâm tư của mình về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, qua đó, có thể đi đến những biện pháp hiệu quả để huy động hơn nữa sức lực và trí tuệ vào sự phát triển đất nước của cộng đồng gần 4 triệu người Việt đang sinh sống, lao động, học tập tại 101 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới./.

AT- Tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất