Thứ Hai, 7/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Hai, 23/11/2009 13:55'(GMT+7)

Quảng Ninh: Vận dụng sáng tạo công tác xã hội hoá trong hoạt động VH-NT

Núi Bài Thơ trên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Núi Bài Thơ trên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Không chỉ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Quảng Ninh còn là địa danh của nhiều di tích lịch sử-văn hoá nổi tiếng như Yên Tử, Vịnh Hạ Long…; là quê hương của những tài năng văn hoá-nghệ thuật như NSND Lê Dung, Quang Thọ, Doãn Tần…; miền đất nuôi dưỡng cảm xúc và phát triển tài năng của những nhà văn có đóng góp lớn cho nền văn học đương đại nước nhà và được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật: Võ Huy Tâm, Trần Nhuận Minh…

Đây có thể coi là một trong các yêu tố thuận lợi để Quảng Ninh khai thác vào phát triển các lĩnh vực KT-XH của tỉnh, như chuyển hoá tinh thần cách mạng kiên cường, đoàn kết, dũng cảm vào phát triển KT-XH, thực hiện các chính sách công bằng xã hội; phát huy truyền thống văn hoá trong thực hiện công tác giáo dục, đào tạo nhân tài, nguồn lực lao động cho tỉnh, từ đó phát triển nền kinh tế tri thức cho đất nước.

Thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991, tỉnh Quảng Ninh đã sớm có các chủ trương, chính sách quan tâm động viên văn nghệ sĩ, tạo điều kiện cho văn học nghệ thuật phát triển. Sau khi Hội VH-NT tỉnh thành lập, Tỉnh uỷ đã kịp thời có sự chỉ đạo thành lập các Hội VH-NT ở địa phương. Đây là sự vận dụng sáng tạo, đúng đắn của Tỉnh uỷ đối với công tác xây dựng tổ chức Hội, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tham gia vào các hoạt động sáng tạo nghệ thuật và hoạt động chính trị của địa phương.

Mô hình này đã hoạt động có hiệu quả. Hội VH-NT thành phố Hạ Long và thị xã Cẩm Phả đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba; việc chuyển đổi, nâng cấp kịp thời Báo Hạ Long từ Tạp chí Văn nghệ Hương Sen năm 1969 thành Tạp chí Người vùng Mỏ vào năm 1972 và chuyển thành báo Hạ Long năm 1987 đã phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ trong các hoạt động sáng tác, giới thiệu tác phẩm; UBND tỉnh đã ban hành chế độ chính sách ưu tiên, tạo điều kiện cho hoạt động của Hội VH-NT phát triển như: hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm từ 30-50 triệu đồng/năm/hội cơ sở; phụ cấp chức vụ lãnh đạo cho Phó Chủ tịch Thường trực chuyên trách của các hội cơ sở bằng phụ cấp chức vụ lãnh đạo của trưởng phòng cấp huyện, thị, thành phố; có chính sách khuyến khích đối với văn nghệ sĩ Quảng Ninh đạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế trong lĩnh vực văn học-nghệ thuật; là tỉnh đầu tiên trong cả nước có giải thưởng Văn nghệ Hạ Long của UBND tỉnh từ năm 1975 (đã tổ chức trao tặng lần thứ VI) và danh hiệu Nghệ sĩ vùng Mỏ từ năm 1980 (đã trao tặng lần thứ 5).

Vận dụng sáng tạo công tác xã hội hoá trong các hoạt động VH-NT: Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành MTTQ, sở VHTT, các doanh nhiệp cùng phối hợp tổ chức các hoạt động sáng tác, biểu diễn và quảng bá Ngày thơ Quảng Ninh hàng năm từ năm 1988, hoạt động này đã đáp ứng nhu cầu tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hoá của quần chúng nhân dân từ cơ sở và trở thành hoạt động văn hoá được đông đảo công chúng đón nhận.

Cùng với sự quan tâm phát triển phong trào, lãnh đạo tỉnh và Hội VH-NT cũng rất chú trọng vào đầu tư phát triển chất lượng sáng tác và biểu diễn quảng bá, đẩy các hoạt động của Hội theo xu thế chuyên nghiệp hoá.

Sau gần 20 năm thực hiện Cương lĩnh 91 của Đảng, các cấp lãnh đạo, cán bộ, đảng vien đã có nhận thức đầy đủ hơn về văn học-nghệ thuật là một bộ phận của văn hoá, có vai trò hết sức quan trọng hướng con người về thị hiếu thẩm mĩ tiến bộ, tạo ra hệ thống các gí trị làm chuẩn mực cho con người vươn tới để định hướng cho sự hoàn thiện nhân cách. Văn học-Nghệ thuật Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực: Lực lượng sáng tác phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Những năm đầu mới thành lập Hội VH-NT Quảng Ninh có 86 hội viên hoạt động ở các bộ môn, đến nay Hội đã có 552 hội viên trong đó có 144 hội viên cấp Trung ương sinh hoạt ở 11 chi hội chuyên ngành; tổ chức Hội được củng cố và đi vào hoạt động mang tính chuyên nghiệp. Hầu hết các huyện, thị, thành phố đã có hội VH-NT cơ sở, các huyện miền Đông của tỉnh đã thành lập được hội VH-NT, có 5 chi hội chuyên ngành của các hội VH-NT Trung ương thành viên của Hội VH-NT Quảng Ninh. Hội đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2004 và là Hội địa phương đầu tiên của cả nước được nhận vinh dự này và nhiều hội viên của tỉnh đã trở thành các văn nghệ sĩ của cả nước.

Các sáng tác của văn nghệ Quảng Ninh đều tập trung hướng về phản ánh những thành tựu của công cuộc đổi mới và tình hình phát triển KT-XH của đất nước cũng như của tỉnh; phản ánh những cách làm hay, sáng tạo, các phong trào xây dựng con người vùng Mỏ văn minh, lịch sự, người Hạ Long nói lời hay, cử chỉ đẹp, chương trình vì một Hạ Long xanh, các hội thi Tiếng hát khu dân cư, gia đình thể thao, phong trào Xây dựng làng, khu phố văn hoá, xây dựng điểm sáng văn hoá ở vùng biên giới…đã có thêm nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, nhất là trên các lĩnh vực sáng tác văn, thơ, nhiếp ảnh, hội hoạ và ca nhạc. Từ đó đã bước đầu phác hoạ ra những chuẩn mực văn hoá của con người Quảng Ninh như hăng say học tập, năng động, sáng tạo, đồng tâm, kỷ luật, có ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc.

Hoạt động văn nghệ quần chúng phát triển mạnh từ khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp. Đã hình thành nhiều loại hình câu lạc bộ thu hút quần chúng tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn học-nghệ thuật. Bình quân hàng năm có tới 30-40 cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan cấp tỉnh và ở các cơ sở trong tỉnh. Thông qua hoạt động của phong trào đã phát hiện, bồi dưỡng được nhiều tài năng nghệ thuật.

Tuy nhiên, thời gian qua chưa có nhiều tác phẩm có tầm lớn, có chất lượng nghệ thuật cao ở tất cả các bộ môn nghệ thuật. Hoạt động lý luận phê bình yếu, kém. Đội ngũ văn nghệ sĩ kế tiếp thế hệ chống chống Mỹ chưa nhiều và chưa xuất hiện những tài năng nổi trội.

Để tiếp tục thực hiện Cương lĩnh 91 của Đảng về vấn đề xây dựng nền văn hoá, con người Quảng Ninh trên lĩnh vực văn học-nghệ thuật, thời gian tới Hội VH-NT Quảng Ninh cần tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức Hội, đoàn kết đội ngũ, nâng cao năng lực sáng tạo và phẩm chất của văn nghệ sĩ, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của đất nước bằng các hoạt động VH-NT. Phấn đấu để có nhiều tác phẩm và công trình nghệ thuật xứng đáng với truyền thống lịch sử cách mạng và văn hoá của tỉnh Quảng Ninh, góp phần vào sự phát triển của nền VH-NT nước nhà; Tăng cường bồi dưỡng chính trị, rèn luyện bản lĩnh tư tưởng cho hội viên, tạo điều kiện cho hội viên bám sát cơ sở, hoà mình trong đời sống thực tế của cơ sở; Phát triển và nâng cao đội ngũ, nhất là đội ngũ trẻ; vừa tăng cường xã hội hoá, vừa tăng cường chuyên nghiệp hoá để nâng cao chất lượng nghệ thuật ở cả hai nhiệm vụ chiến lược là sáng tác và biểu diễn, ở cả hai cấp độ là phong trào và chất lượng cao./.

Nguyễn Thị Thu Hà
Hội VH-NT Quảng Ninh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất