Thứ Năm, 28/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 12/4/2009 19:37'(GMT+7)

Ninh Bình thúc đẩy giải quyết các vấn đề xã hội

Sản xuất hàng thêu ren.

Sản xuất hàng thêu ren.

Giải quyết việc làm ngay tại làng, xã

Nằm phía đông nam của tỉnh, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh vốn là dải đất thuần nông, nay đang hình thành thị tứ với hàng chục xưởng, trại nhộn nhịp sản xuất. Vào thời buổi nhiều nhà máy, khu công nghiệp phải "dãn việc", thì năm HTX sản xuất ở đây vẫn đủ việc làm cho gần một nghìn lao động. Có thể thấy rằng đây là kết quả các dự án, chính sách của Nhà nước cùng chủ trương đúng đắn của cấp ủy chính quyền địa phương. Ngay trung tâm xã, một xưởng của HTX may gia công Khánh Phú có vài chục chị em vốn là "nông dân hết ruộng" đang làm việc miệt mài bên giàn máy may công nghiệp. Không xa là trụ sở HTX thêu ren Ngọc Bích có vệ tinh rải khắp vùng. Mô hình HTX khá độc đáo với trụ sở và xưởng sản xuất đều tại gia. Chủ nhiệm HTX, chị Ngọc Bích là đảng viên, dành nhà riêng làm trụ sở và nơi dạy truyền nghề. Chỉ với số vốn ban đầu hai trăm triệu đồng HTX tạo việc làm ổn định cho hai trăm lao động trong vùng. Tại xưởng thêu tại nhà chị Ngọc Bích, chúng tôi gặp các chị Giang, Bắc, Hường vốn là công nhân ở các tỉnh phía nam, mất việc phải về quê, được nhận vào HTX làm. Thu nhập bình quân một triệu đồng/người/tháng, cơ bản là việc làm ổn định - các chị vui chuyện kể.

Còn nhớ, bốn năm trước xã Khánh Phú đã bàn giao hơn ba trăm ha đất canh tác (60% diện tích toàn xã) để phát triển khu công nghiệp. Vấn đề nông dân thiếu việc làm từ đó trở nên gay gắt. Triển khai nghị quyết của Huyện ủy Yên Khánh, Ðảng ủy xã lãnh đạo đảng viên trong đảng bộ vận động gia đình, dòng họ tìm việc làm. Bí thư Ðảng ủy xã Lê Hồng Cầm cho biết, tham gia giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những mục tiêu quan trọng trong chương trình của toàn đảng bộ  thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Chi bộ thôn Phú Sơn có 27 đảng viên, đồng chí Bí thư chi bộ Nguyễn Ngọc Lâm đưa cho chúng tôi xem danh sách phân công mỗi đảng viên phụ trách từ năm đến mười lao động tìm việc làm, tạo thu nhập. Thôn Phú Long, bình quân ruộng đất canh tác so với trước đã giảm chỉ còn một phần ba, nhưng nhờ mở rộng ngành nghề, tạo thêm việc làm nên thu nhập của các hộ không giảm. Chi bộ thôn Phú Long được đồng chí Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Kha đã đưa nghề trồng nấm và dưa chuột xuất khẩu về cho bà con. Nghề trồng nấm trở thành niềm hy vọng của người nông dân xã Khánh Phú. Ở huyện Yên Khánh mọi người đều biết đảng viên trẻ Phan Như Ngoạn chủ trang trại nấm Phú Tân. Trang trại được thành lập từ đề án của huyện, đang có chương trình phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ của tỉnh cung ứng giống nấm và tiêu thụ sản phẩm cho khoảng trăm hộ trồng nấm trong vùng. Dịp này công nhân trang trại đang vào "bịch" giống nấm. Trang trại đang trồng 80 nghìn bịch nấm các loại, riêng nấm linh chi có 10 nghìn bịch. Ông chủ Phan Như Ngoạn cho biết, nhu cầu tiêu thụ nấm trên thị trường còn cao. Anh đang mong muốn trang trại có thêm mặt bằng và vốn, đầu tư nâng cấp công nghệ để tạo thêm nhiều việc làm cho nông dân.

Những năm trước, khi diện tích không nhỏ đất canh tác của huyện Yên Khánh bị thu hồi để phát triển công nghiệp. Vấn đề dôi thừa lao động ở nông thôn trở nên gay gắt. Các đề án, chính sách của tỉnh và huyện đã kịp thời hỗ trợ vốn và khuyến khích các mô hình sản xuất. Huyện ủy đề ra Nghị quyết 04 về lãnh đạo phát triển ngành nghề ở nông thôn. Năm làng nghề được mở rộng, hàng chục trang trại, xưởng sản xuất trên địa bàn được thành lập. Ở xã Khánh Công, đồng chí Bí thư Ðảng ủy xã cho biết, thực hiện đề án giảm nghèo, 204 hộ nghèo trong xã được huyện hỗ trợ 154 triệu đồng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Có 110 người dân chưa có việc làm được hỗ trợ kinh phí học nghề. Bằng nhiều phương thức, hơn một nửa trong tổng số hàng vạn lao động dôi dư ở huyện đã có việc làm. Về số lượng Yên Khánh chưa đạt bằng các huyện Hoa Lư, Kim Sơn nhưng đã dồn sức giảm nhanh áp lực về lao động, việc làm trong khu vực nông thôn.

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Ðông Thành ở tỉnh có hệ thống dây chuyền thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất thêu ren và may mặc xuất khẩu. Thấm nhuần tấm gương đạo đức của Bác Hồ, thương người như thể thương thân, với chương trình "làm theo", công ty đón 25 cháu khuyết tật (có 16 cháu câm điếc) vào học nghề và đã nhận các cháu làm việc tại công ty với thu nhập ổn định.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cho biết: Năm 2008 có hơn 10 nghìn lao động nông thôn được dạy nghề và tạo việc làm. Năm nay tỉnh phấn đấu dạy nghề cho 15 nghìn người. Thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh trong nửa đầu nhiệm kỳ, Ninh Bình đã giúp gần 50 nghìn hộ nghèo được vay gần 200 tỷ đồng vốn để phát triển sản xuất. Tỉnh Ninh Bình cũng đang tập trung các giải pháp mở rộng nghề chạm khắc đá, thêu ren, nghề cói ở các huyện Yên Mô, Hoa Lư, Kim Sơn, Nho Quan để giải quyết thêm việc làm cho từ ba đến năm nghìn lao động ở nông thôn mỗi năm.

Nhà ở cho hộ nghèo

"Hướng về cơ sở, lắng nghe ý kiến của nhân dân, giải quyết vấn đề từ cơ sở là yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Ðây cũng là yêu cầu đặt ra khi chúng tôi học tập và làm theo tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh" - Ðồng chí Ðinh Chung Phụng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết như vậy. Có thể thấy từ Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy và đề án số 15 của UBND tỉnh về công tác giảm nghèo, bảo đảm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống dưới 10% vào năm 2010. Trong đó, việc xóa nhà ở dột nát cho hộ nghèo và gia đình chính sách là mục tiêu được ưu tiên.

Ninh Hòa là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của huyện Hoa Lư. Tết Kỷ Sửu vừa qua có 11 gia đình chính sách, hộ nghèo được đón Tết trong những ngôi nhà mới. Ngôi nhà xây mái bằng ba gian cao thoáng của anh chị Trịnh Viết Lắm nằm trong số đó. Vợ chồng Lắm tâm sự, ngôi nhà có được là nhờ chủ trương của tỉnh và tấm lòng của bà con thôn Quán Vinh nơi đây. Ðảng ủy xã đề ra chủ trương hoàn thành xóa 11 nhà dột nát trong hai năm 2008 - 2009. Chủ trương này được quán triệt đến từng đảng viên và được phổ biến rộng rãi đến từng thôn, xóm để dân thông qua, các đoàn thể bình xét, chọn lựa đúng đối tượng cần xóa nhà dột nát. Cách làm vừa bảo đảm dân chủ vừa khơi dậy tinh thần lá lành đùm lá rách trong từng dòng họ và cộng đồng. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, 11 hộ nghèo đã nhận tổng số gần 210 triệu đồng hỗ trợ từ dòng họ, cùng hàng nghìn ngày công của bà con trong xã để xây, sửa nhà mới. Xã Ninh Hòa đã xóa nhà dột nát cho 11 hộ nghèo trước một năm. Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Ngọc Tứ  cho biết, năm 2009, xã có kế hoạch xây dựng và sửa chữa 21 nhà thuộc đối tượng trên.

Cũng với cách làm trên, một năm qua, 167 hộ nghèo và gia đình chính sách của huyện Kim Sơn được sửa chữa và xây mới nhà ở.      

Ðảng bộ thị xã Tam Ðiệp đề ra chương trình hành động "giảm nghèo, xóa nhà dột nát" bằng cách riêng của mình. Tại các xã đông hộ nghèo như Yên Sơn, Ðông Sơn đã yêu cầu mỗi đảng viên phải báo cáo định kỳ tình hình sản xuất, đời sống từng hộ gia đình do mình phụ trách kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để đề xuất với cấp ủy, chính quyền. Từ khi triển khai thực hiện Cuộc vận động (CVÐ) đến nay đã có 125 hộ trên địa bàn thị xã thoát nghèo nhờ được giúp vốn phát triển ngành nghề. Trong mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy và chương trình hành động của Ban chỉ đạo CVÐ, toàn thị xã có kế hoạch sửa chữa 25 ngôi nhà, xây mới 11 nhà cho hộ nghèo. Thế nhưng, từ sự vận động hiệu quả của Ban chỉ đạo CVÐ, thị xã huy động được thêm gần một tỷ đồng nên con số xây mới của Tam Ðiệp đã nâng lên 25 nhà. Ðồng chí Vũ Thế Chiến, Phó Chủ tịch UBND thị xã nói.

Nhiều năm gần đây mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội luôn được ưu tiên trong nhiều chương trình hành động của các cấp ủy đảng ở Ninh Bình. Hàng nghìn hộ nghèo trong tỉnh đã được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở. Năm 2008, tỉnh đã huy động gần hai mươi tỷ đồng từ ngân sách, cùng với sự đóng góp của các đoàn thể và cộng đồng dân cư để làm mới, sửa chữa 821 ngôi nhà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách. Với tốc độ đó, năm nay cho dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Ninh Bình vẫn tập trung các nguồn lực để xóa nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh.

Việc gì có lợi cho dân thì làm hết sức 

Cuộc vận động lớn ở Ninh Bình đã tạo nên sức thuyết phục sống động, từ phong cách phục vụ mới của các cơ quan công quyền và đội ngũ công bộc. Lời dạy của Bác "Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh" đã ngày càng được đội ngũ cán bộ, đảng viên làm theo, vận dụng vào thực tiễn, chức trách công tác.

Xã Ninh Tiến thuộc thành phố Ninh Bình. Buổi sáng chị Nguyễn Thị San cùng một số người dân đến bàn "một cửa" của xã để công chứng một số giấy tờ. Nếu trước chị phải đi công chứng ở trung tâm thành phố xa hơn chục cây số và mất cả buổi sáng. Nay thủ tục này làm tại xã chỉ mất một, hai giờ. Cũng như chị San mọi người có mặt đều bày tỏ sự hài lòng. Anh Tống Văn Công sau khi hoàn thành thủ tục cho chị San kể: Bình quân mỗi ngày có từ hai mươi đến ba mươi người đến đây làm thủ tục. Mô hình đi vào hoạt động ở xã khiến giảm nhiều những cuộc họp không cần thiết. Mặt khác, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương phải nâng cao trình độ và trách nhiệm, giảm phiền hà cho nhân dân.

Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, thành phố đề ra mục tiêu vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách làm việc sâu sát, gần dân, vì dân của Bác Hồ, đặc biệt trong lĩnh vực cải cách hành chính. Năm 2008, mô hình "một cửa liên thông" của thành phố được triển khai, nay đang vận hành tốt tại 14 xã, phường. Mô hình phục vụ đắc lực nhiệm vụ đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố. Phát huy thế mạnh mô hình, thành phố đang triển khai xây dựng trang thông tin điện tử, giúp người dân có thể truy cập mọi nơi, mọi lúc để tra cứu tìm hiểu quy trình, quy định thủ tục hành chính theo từng lĩnh vực. Từ đó, mỗi năm hàng vạn lượt người dân được hưởng lợi từ chương trình trên .

Thực hiện CVÐ lớn, thấm nhuần lời dạy của Người, Công an Ninh Bình đi đầu trong việc sửa đổi lối làm việc, nhằm giảm bớt phiền hà, chống sách nhiễu dân, cùng các ngành khác tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh .

Theo đó, Công an tỉnh đã mở nhiều cuộc đối thoại với các tầng lớp nhân dân, đối tượng phục vụ. Các cơ quan, đơn vị như Cảnh sát giao thông, quản lý hành chính đều xác lập đường dây nóng, hộp thư góp ý, có quy chế tiếp nhận xử lý ý kiến đóng góp của nhân dân. Hiệu quả của quá trình trên là cơ sở quan trọng giúp cơ quan, đơn vị đến từng cán bộ đề ra chương trình hành động sát hợp. Qua đó, đổi mới lối làm việc; thực hiện nghiêm chín nội dung công tác của Công an tỉnh. Có thể thấy rõ ở việc phân cấp, tăng quyền hạn của Công an huyện. Ðại tá Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công an Ninh Bình nói với chúng tôi rằng: Theo cách làm này, với biên chế không tăng nhưng chúng tôi đã nâng cao năng lực công tác ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an huyện. Công an huyện Kim Sơn, với bài toán đó, cấp ủy, chỉ huy cơ quan tăng cường phối hợp công tác với cấp ủy chính quyền và các đoàn thể ở huyện và xã. Cán bộ, chiến sĩ rèn luyện phong cách làm việc "làm cho hết việc chứ không làm cho hết giờ" và đều thực hiện nghiêm túc kế hoạch đi cơ sở bám dân, bám địa bàn. Khi cán bộ gắn bó mật thiết với quần chúng thì chính họ làm nên chất lượng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; giúp công an hoàn thành nhiệm vụ được giao - Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Công an huyện Kim Sơn bày tỏ. Ðó cũng chính là nhân tố để hai năm qua Công an huyện Kim Sơn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ðặc biệt, thực hiện CVÐ lớn, khi nhận thức đã được chuyển hóa thành việc làm cụ thể, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện đã về 25 xã chuyển gần 20 nghìn chứng minh nhân dân trao tận tay người được cấp tại nhà. Xuống tận hộ làm thủ tục cấp mới 515 chứng minh nhân dân, miễn lệ phí cho đối tượng nghèo, già cả, neo đơn... Cách làm này của Công an huyện Kim Sơn đang được phổ biến, nhân rộng tại các địa phương của Ninh Bình.

Quá trình sửa đổi lối làm việc theo các mục tiêu cải cách hành chính của Công an Ninh Bình đã giảm phiền hà, được nhân dân khen ngợi. Trong đó có nhiều thủ tục xuất nhập cảnh giảm được ba ngày. Các thủ tục về hộ khẩu, chứng minh nhân dân giảm từ 30 đến 50% thời gian so với trước. Thủ tục đăng ký phương tiện giao thông được phân cấp xuống huyện và được bảo đảm làm trong ngày. Riêng việc này đã giảm lưu lượng gần chục nghìn lượt người phải đi từ huyện lên tỉnh mỗi năm...

Sửa đổi lối làm việc theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, Ninh Bình đã không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn tiết kiệm cho người dân nhiều tỷ đồng vì những chi phí không cần thiết.

Có thể thấy rằng, quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hệ thống chính trị ở Ninh Bình là nhân tố bảo đảm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Cuộc vận động lớn của Ðảng triển khai có hiệu quả ở Ninh Bình đã tạo nên động lực trên mặt trận này. Thực tế khẳng định CVÐ đã và đang đi vào cuộc sống với sự ủng hộ cao trong các tầng lớp nhân dân.

Cấp ủy các cấp của tỉnh Ninh Bình đang tổ chức tốt việc lấy ý kiến của nhân dân đóng góp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo hướng đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động lớn gắn với đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, theo tinh thần Nghị quyết TW 9./.

(Theo: Lê Mậu Lâm & Đỗ Tấn/Nhân dân) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất