Về thành phố Bắc Ninh, chúng tôi đến phường Ninh Xá, một trong những đơn vị được giới thiệu là có sự đổi thay rõ nét về sửa đổi lối làm việc.
Ấn tượng đầu tiên là dòng chữ "Phòng một cửa" gắn trước căn phòng lớn nhất, dễ thấy nhất của trụ sở. Nhân viên trực các bộ phận giải quyết nhu cầu cho nhân dân đến làm việc ngồi sau những ô có gắn biển đề tên công việc rõ ràng, với khoảng 10 đầu việc. Trên mỗi bàn đều có dán giấy ghi rõ những nội dung cần thiết trong một hồ sơ để nhân dân chuẩn bị đầy đủ trước khi đưa đến cán bộ chuyên trách.
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về hiệu quả của việc sửa đổi lối làm việc của phường, Bí thư đảng ủy phường Nguyễn Thực Hải cho biết: Sửa đổi đầu tiên và hiệu quả nhất của chúng tôi là bộ phận "một cửa". Từ ngày hoạt động, công việc "chạy" hơn trước nhiều. Như để khẳng định, một người dân vừa bước ra tiếp lời: Ðúng đấy anh ạ, tôi đi làm chứng thực giấy chuyển quyền sử dụng đất chỉ mất mấy phút, trước kia cứ là phải đi lại mấy lần, lại phải chờ đợi mãi mới được. Chính quyền cứ làm như thế này thì dân "sướng" lắm.
Nhìn trong cuốn sổ ghi danh mục thực hiện công việc hằng ngày của "Phòng một cửa", tôi thấy ghi tên người vừa nhận hồ sơ là Nguyễn Thị Xinh, xếp thứ tự 12, nhà ở khu Ninh Xá 1. Ðáng chú ý đó mới chỉ là đầu giờ buổi sáng. Ðược biết từ khi triển khai, bộ phận "một cửa" của phường đã tổ chức cán bộ chuyên trách làm thêm cả ngày thứ bảy, với quyết tâm không để công việc tồn đọng. Thực tế cho thấy, không có người dân nào, việc nào phải chờ đến ngày hôm sau nếu như hồ sơ đầy đủ. Năm 2008, bộ phận "một cửa" của phường đã tiếp nhận, giải quyết gần 4.000 trường hợp. Không có trường hợp nào để nhân dân đến giao dịch phản ánh cán bộ gây phiền hà, sách nhiễu.
Phường Ninh Xá có khoảng 400 cơ sở đăng ký sản xuất, kinh doanh, mỗi năm nộp ngân sách gần 10 tỷ đồng. Phường quy định và các hộ kinh doanh đều thực hiện nghiêm lịch thu, nộp thuế vào ngày 20 hằng tháng. Bằng nhiều nguồn vốn, Ðảng ủy phường đã chỉ đạo chính quyền làm tốt công tác an sinh xã hội, thực hiện chế độ, chính sách. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", phát huy "Nếp sống văn hóa người Kinh Bắc" được triển khai và được từng hộ dân hưởng ứng. Chính điều này đã góp phần tích cực tạo ra diện mạo một đô thị mới, gia đình mang tính cộng đồng nhiều hơn, tích cực hơn đối với xã hội. Tiêu biểu như việc giải tỏa 44,5 ha đất ở khu Ðọ Xá lấy mặt bằng xây dựng khu đô thị, với gần 200 hộ dân liên quan. Sau thời gian tìm hiểu, lấy ý kiến của nhân dân, phường cùng các cơ quan chức năng đã tiến hành đền bù, giải tỏa dưới sự đồng thuận của đại bộ phận nhân dân.
Trong buổi làm việc với Thường vụ Thành ủy Bắc Ninh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Quốc Liêm khẳng định:
- Sửa đổi lối làm việc là việc làm thiết thực đầu tiên của Ðảng bộ, chính quyền thành phố trong thực hiện Cuộc vận động. Chúng tôi nghĩ rằng cán bộ có liêm, chính, sáng suốt, tận tụy thì mới làm việc tốt được. Và có làm việc tốt thì nhân dân mới tin, mới nghe.
Nói thì đơn giản thế nhưng bắt tay vào thực hiện mới thấy có nhiều khó khăn. Từ tư duy bảo thủ của một số cán bộ đến năng lực của một bộ phận lớp trẻ chưa đáp ứng được yêu cầu công tác. Từ thói quen quan cách trong tiếp xúc với nhân dân của một số người đến tính thực dụng của những người coi sự tư lợi trên sự hy sinh, cống hiến... Thẳng thắn nhìn nhận điều đó, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành một nghị quyết thể hiện sự nhất quán từ cán bộ thành phố đến từng đảng bộ, chi bộ cơ sở đều phải thực hiện sửa lối làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Xây dựng đạo đức, lối sống theo nội dung "năm xây", "năm chống" và niêm yết tại trụ sở để cán bộ thường xuyên tự kiểm điểm, nhân dân theo dõi và phản ánh khi phát hiện sai phạm.
Một minh chứng cho sự chủ động, nhất quán trong sửa đổi lối làm việc ở thành phố Bắc Ninh là việc tiếp nhận chín xã mới sáp nhập vào thành phố cuối năm 2008. Nhân dân băn khoăn việc lên phố liệu có gì khác, cuộc sống có đi lên hay không, lên phố không còn ruộng mà cấy hái thì làm gì... Ban Thường vụ Thành ủy triển khai ngay công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu, chấp nhận. Ðội ngũ cán bộ xã được cho đi tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ; một loạt các công trình công cộng được đầu tư xây dựng như: hệ thống điện chiếu sáng trên tuyến đường liên xã; mỗi tổ dân phố, thôn xóm có một nhà văn hóa; hoàn thiện hệ thống đường, trạm cấp nước sinh hoạt; triển khai bộ phận "một cửa" ở từng xã... Sửa đổi lối làm việc được cụ thể hóa bằng chương trình "năm xây", "năm chống" ở thành phố Bắc Ninh đang ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực đối với đời sống xã hội./.
(Theo: Nhân dân)