Bản Chi Lanh ở xã A Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế là nơi có nhiều đồng bào Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu sinh sống. Trong những năm kháng chiến, đồng bào nơi đây một lòng, một dạ đi theo Đảng, đánh giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đất nước hòa bình, nhưng do hậu quả của chiến tranh để lại hết sức nặng nề, nên đời sống của đồng bào Chi Lanh nói riêng, xã A Đớt nói chung còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, phần lớn người dân ở Chi Lanh được hưởng chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, cùng với những phong tục tập quán lạc hậu, cộng với sự đãi ngộ của Nhà nước, vô tình hình thành nên tư tưởng: “Trông chờ ỷ lại” khá phổ biến trong đồng bào. Việc chi tiêu của mỗi gia đình chủ yếu dựa vào tiền trợ cấp của Nhà nước, khiến không ít hộ gia đình chểnh mảng trong sản xuất. Vì thế, cái đói, cái nghèo cứ theo đuổi, bám riết lấy cuộc sống của đồng bào.
Chi bộ bản Chi Lanh có 11 đảng viên. Ngay từ ngày đầu thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, 100% đảng viên trong chi bộ đều thống nhất: “Để quần chúng tin theo Đảng, đảng viên không chỉ nói suông, mà cái đầu, cái tay của mình phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Phải làm cho mọi người, mọi nhà ở Chi Lanh nỗ lực thi đua xóa đói, giảm nghèo”. Để làm được điều đó, Chi bộ Chi Lanh chủ trương: Trước hết, từng đảng viên phải loại bỏ tư tưởng “trông chờ ỷ lại”, xây dựng gia đình của mỗi người thành điển hình về lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Đảng viên, thương binh Lê Hồng Trào - dân tộc Tà Ôi được xem là người tiên phong. Nhiều năm qua, chi tiêu của cả gia đình gồm 9 người chủ yếu sống phụ thuộc vào số tiền chính sách của anh. Vì thế, cuộc sống của gia đình anh hết sức chật vật. Quyết tâm học tập và làm theo đạo đức Bác Hồ, anh đã vận động gia đình vào khai hoang vùng đất đồi La Tinh. Ban đầu khi anh nêu ý tưởng, ngay trong gia đình cũng xuất hiện những suy nghĩ ngại khó, ngại khổ. Anh nói với vợ và các con: “Bản Chi Lanh còn nhiều đất lắm, mình không thể cứ nghèo mãi thế này được”. Nói rồi, anh “khăn gói” vào “làm bạn” với đất đồi La Tinh. Cùng với nghị lực của bản thân, anh Trào còn nhận được sự giúp đỡ của các đảng viên trong chi bộ. Bởi vậy, sau một thời gian ngắn, vùng đất hoang nhanh chóng được khai khẩn (quá trình khai hoang, anh Trào đã gom nhặt và nộp cho Công an xã hơn 1.000kg vật liệu nổ). Có đất, anh vay ngân hàng 5 triệu đồng, đầu tư trồng 4 héc-ta cây keo lá tràm (nguồn cây giống do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 giúp đỡ); đào 4 ao thả 15.000 con cá giống; chăn nuôi lợn, gà. Sau hai năm, chỉ tính riêng nguồn thu từ 4 ao nuôi cá, anh Trào không những trả hết nợ vay ngân hàng, mà còn thu lãi hai triệu đồng.
Vừa làm, đảng viên Lê Hồng Trào vừa vận động gia đình và dân bản. Hiệu quả từ mô hình sản xuất của anh đã giúp vợ chồng người con trai đầu – Lê Hồng Bửu thay đổi hẳn cách sống vốn luôn phụ thuộc vào bố mẹ. Đến nay, vợ chồng Lê Hồng Bửu đã trồng được hai héc-ta rừng, đào ao thả cá, làm lúa nước. Nghe theo lời nói, tin vào việc làm của đảng viên Lê Hồng Trào, lại được anh nhường đất khai hoang, nên gia đình các anh Hồ Văn Diềng, Lê Hồng Sao, Nguyễn Văn Âm ở bản Chi Lanh cũng dựng nhà lập nghiệp trên vùng đất đồi La Tinh. Ngoài mô hình trồng rừng, chăn nuôi có hiệu quả để dân bản học tập, làm theo, Bí thư chi bộ Chi Lanh – Lê Văn Nơi còn mạnh dạn vay vốn tiêu thụ cá nuôi cho người dân. Đặc biệt, anh thành lập tổ thợ nề, nhận xây dựng nhà ở trên địa bàn, tạo việc làm cho hàng chục thanh niên.
Sau hơn hai năm tích cực triển khai thực hiện, đến nay 100% đảng viên ở Chi bộ Chi Lanh đều có mô hình sản xuất hiệu quả. Với quyết tâm và cách làm hết sức sáng tạo trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đội ngũ đảng viên của chi bộ Chi Lanh đã tạo nên sự thay đổi lớn trong suy nghĩ và góp phần đáng kể cải thiện đời sống của đồng bào. Vùng đất hoang sơ, điêu tàn nơi vùng sâu huyện A Lưới, hôm nay đang hằng ngày thay da, đổi thịt… /.
(Theo: Hồ Lĩnh/QĐND)