Thứ Năm, 28/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Sáu, 27/3/2009 20:45'(GMT+7)

"Ông kể chuyện"- 79 tuổi vẫn là đoàn viên

Ông Hoàng Hồng Kỳ báo cáo điển hình tại Hội nghị

Ông Hoàng Hồng Kỳ báo cáo điển hình tại Hội nghị

Đó là tâm sự của ông Hoàng Hồng Kỳ, ở thôn Néo, xã Thanh Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Năm nay ông đã bước sang tuổi 79 với 59 tuổi đảng, và 19 năm đi…kể chuyện. Ở Thanh Sơn, trẻ con, thanh niên và người lớn, ai cũng biết ông, nói về ông đầy thân thiết, quý mến và kính trọng. Họ gọi ông là “ông kể chuyện”. Ông kể cho trẻ con nghe, thanh niên nghe, các cựu chiến binh, người cao tuổi; ông kể ở trường tiểu học, trung học, ở chi đoàn các thôn, các buổi sinh hoạt đoàn thể, hội họp. Ai muốn nghe kể chuyện, ông cũng sẵn lòng.

Đã 19 năm ông kể chuyện ở khắp các trường tiểu học và trung học ở xã Thanh Sơn. Có nhiều học sinh được nghe ông Kỳ kể chuyện trong suốt 12 năm học, những người giờ đã trở thành thầy giáo, cô giáo, cán bộ như thầy giáo Nguyễn Văn Định Trường trung học cơ sở xã Thanh Sơn. Thầy Định tâm sự  trước các em học sinh: “Những điều ông dạy là hành trang giúp thày thầy vượt qua khó khăn để trưởng thành vững bước vào đời và tự tin hơn. Thầy nhớ những điều ông dạy là học văn hoá phải đi đôi với rèn luyện đạo đức, như Bác Hồ dạy “Có tài mà không có đức là người vô dụng”.

Trên địa bàn xã Thanh Sơn có 5 trường tiểu học và 2 trường trung học cơ sở, giáo viên, học sinh trường nào cũng mong có ông đến kể chuyện giáo dục đạo đức và truyền thống vào giờ chào cờ sáng thứ hai hàng tuần. Có những thứ hai, ông đi 3 nơi, kể ở buổi chào cờ trường này xong lại sang trường khác, đến giờ giải lao của các cháu học sinh ông  lại kể tiếp. Từ ngày trường PTTH huyện Sơn Động chuyển sang chào cờ buổi chiều, ông lại có thể tăng thêm một buổi kể chuyện vào thứ hai. Ấy vậy mà cũng không đi hết, đi khắp được, đành phải tuần này ở trường này, tuần sau ở trường khác. Lúc cấp tập thì ông đi xe đạp, lúc thong thả thì ông đi bộ. Trừ những hôm ốm đau, mưa lũ hoặc đi họp, còn thì đều đặn như vậy, ông xem việc kể chuyện là một công việc thường xuyên với tình cảm say sưa, đầy trách nhiệm và cẩn trọng.

Chuyện ông Kỳ kể thường theo chủ đề của các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm truyền thống lịch sử như ngày thành lập Đảng, ngày Quốc khánh, các ngày lễ trọng đại của đất nước và ngành, đoàn thể. Ông kể về tấm gương sáng, những trận đánh lịch sử của quân đội ta tiêu diệt địch, cả những trận đánh mà ông trực tiếp cầm súng tham gia. Ông kể chuyện về Bác Hồ, tấm gương đạo đức, tinh thần quý trọng, thương yêu nhân dân của Bác, đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; năm điều Bác Hồ dạy. Ông thường kể những câu chuyện có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục cho các cháu về đạo đức, lối sống, luân thường đạo lý, ứng xử trong gia đình, xã hội; cả việc chấp hành những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước như Luật an toàn giao thông, phòng tránh các tệ nạn xã hội, phân tích dăn rạy từng chi tiết hành động vận dụng vào sự việc hàng ngày của từng lứa tuổi, từng cấp học để các cháu dễ hiểu, dễ nhớ mà học tập và làm theo. Để các cháu dễ hiểu, ông cần mẫn đi tìm tư liệu, đọc sách báo, cóp nhặt, tìm ra những chi tiết hay, tổng hợp, biên soạn thành các câu chuyện có thời gian kể từ 15-20 phút. Hàng tháng ông lại đạp xe lên huyện xin báo cũ về đọc. Cái gì có thể vận dụng vào giáo dục cho các cháu được thì ông ghi chép lại. Đến giờ, ông đã tích luỹ được hàng nghìn câu chuyện. Mới đây, tỉnh Đoàn tặng cho ông hơn chục cuốn sách truyện về Đoàn, về Bác, vậy là ông lại bổ sung thêm vào kho dữ liệu của mình thêm nhiều câu chuyện hay nữa.

Các chi đoàn ở xã Thanh Sơn vẫn coi ông  như một đoàn viên cốt cán. Làm công tác Đoàn từ trẻ, lúc về già, ông vẫn luôn ý thức về trách nhiệm giáo dục lớp trẻ, yêu quý thanh niên. Ông kể: “Bắt đầu từ năm 1990, tôi đã chủ động bàn với đồng chí Bàng Văn Xoòng người dân tộc Dao lúc ấy là Bí thư xã Đoàn để củng cố lại 06 chi đoàn thanh niên trong xã. Có những chi đoàn phải củng cố, kiện toàn đến lần thứ ba mới xong. Lúc ấy, tôi cùng với anh Xoòng dành thời gian để thực hiện ý tưởng kể truyện truyền thống trong các buổi sinh hoạt chi đoàn”. Cho đến nay, các chi đoàn thanh niên, các Đoàn thể ở thôn bản bố trí được thời gian sinh hoạt và báo địa điểm là ông lại đến nói chuyện. Coi bọn trẻ như con, như cháu mình, ông vui khi thấy các cháu thông minh, học giỏi, hiểu biết. Ông buồn và cảm thấy như mình có lỗi khi thấy các cháu không ngoan, ham chơi, đua đòi, vi phạm đạo đức, lối sống, hiểu biết hạn chế về lịch sử đất nước, truyền thống quê hương, gian khổ mất mát của thế hệ đi trước. “Tôi nghĩ, các cháu cần phải biết những truyền thống vẻ vang đó để tự mình rèn luyện, học tập, tu dưỡng và vươn lên để có một tương lai vững vàng hơn”, ông tâm sự.

Ngoài kể truyện truyền thống giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, đoàn viên thanh niên, ông Kỳ còn gặp gỡ với ban giám hiệu nhà trường, tìm hiểu những học sinh cá biệt còn chưa ngoan, chưa tập trung học hành để tìm cách động viên, giúp đỡ các cháu. Em Nguyễn Thị Hằng, ở xóm Đồng Thông, có lỗi bị nhà trường phạt đứng giữa buổi trưa chào cờ, thế là em bỏ học. Nhà Hằng cách trường 9 km. Ông Kỳ đến tận nhà em, chuyện trò, động viên khuyên nhủ Hằng tiếp tục đi học. Năm nay, Hằng học lớp 9 và là một học sinh ngoan.

Không phải đến khi các cấp, ngành triển khai Cuộc vận động ông Kỳ mới đi kể chuyện Bác Hồ. Những câu chuyện về Bác đã gắn bó máu thịt với ông bao nhiêu năm nay, truyền đạt cho nhiều lớp trẻ. Địa phương ông triển khai Cuộc vận động, ông tham gia càng tích cực hơn, kể chuyện về Bác với nhiều tư liệu hay hơn. Ông nói, tôi thấy những việc mình làm càng có ý nghĩa. Đó là động lực để tôi càng tích cực tìm hiểu, sưu tầm nhiều tài liệu để tiếp tục giáo dục các cháu chăm chỉ học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức theo gương Bác.

Ông Kỳ đi bộ đội chống Pháp năm 1948, vào Đảng năm 1950, tham gia chống Mỹ rồi về Thanh Sơn sống và làm việc. Sau 26 năm công tác trong và ngoài quân đội, năm 1974, ông Kỳ nghỉ hưu. Được nhân dân tín nhiệm, tổ chức giao nhiệm vụ, phát huy vai trò của một đảng viên, một cựu chiến binh, ông Kỳ lại tiếp tục công tác làm Bí thư chi bộ thôn, phó chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Đảng uỷ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho đến tận năm 2005 mới nghỉ hẳn. Vậy là từ 26 năm công tác chính thức đã kéo dài thành 57 năm làm việc. Mặc dù đã nghỉ công tác đảng từ năm 2005, nhưng ông Kỳ vẫn tiếp tục công việc cần mẫn của mình. Còn đi được, còn nhớ được thì ông vẫn kể chuyện. Thanh Sơn là một xã vùng sâu khó khăn nhất của tỉnh Bắc Giang có nhiều đồng bào dân tộc ít người, cán bộ còn thiếu. Trăn trở về lời Bác dạy, về tư cách của người cán bộ cách mạng, cách mạng muốn thành công và phát triển phải có sự kế thừa và tiếp nối các thế hệ, ông Kỳ vẫn như con ong cần mẫn, miệt mài với từng câu chuyện nhỏ, những mong có thể bồi đắp phần tâm hồn cho lớp trẻ

Niềm vui của ông Kỳ ở cái tuổi Bát thập luôn được các thầy cô giáo, các cháu đoàn viên thanh niên và học sinh yêu mến. Thấm thía từ những câu chuyện, nhớ lời Bác dạy, ông thường tự nhủ: “Mình phải rèn luyện thành một đảng viên mẫu mực. Muốn nói gì thì nói, mình không mẫu mực thì không thể nói ai nghe”. Trong gia đình, ông là người chồng, người cha, người ông mẫu mực, hiền hoà, nhân ái được vợ, các con và các cháu yêu thương, kính trọng. Các thầy giáo, cô giáo, các cháu đoàn viên thanh niên và học sinh yêu mến ông. Các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương thường xuyên thăm hỏi, động viên ông.

Ông Hoàng Hồng Kỳ (đứng thứ hai từ phải sang)
nhận Bằng khen của BCĐ CVĐ tỉnh Bắc Giang


Với những việc làm thiết thực và ý nghĩa, ông Kỳ là cá nhân điển hình tiên tiến cao tuổi nhất của tỉnh Bắc Giang sau 2 năm thực hiện Cuộc vận động, được nhận Bằng khen của Ban Chỉ đạo CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh Bắc Giang ngày 25/3/2009.

TT

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất