Nhằm xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, mới đây, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch số 92-KH/TU để triển khai thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Ông Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã có trao đổi xoay quanh nội dung này.
* Phóng viên: Thưa ông, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, Ninh Thuận có giải pháp như thế nào để triển khai vấn đề này?
* Ông Nguyễn Bắc Việt: Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã làm tốt công tác nghiên cứu, tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc, sâu sắc Nghị quyết để các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên nắm vững quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết.
Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 92-KH/TU, ngày 21/2/2018 để triển khai thực hiện Nghị quyết. Theo đó, xác định rõ các nhóm nhiệm vụ thực hiện thường xuyên, theo lộ trình và những nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể đối với từng cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Việc xác định rõ mốc thời gian bắt đầu, thời gian hoàn thành, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện nhằm đảm bảo việc tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp. Quan điểm của tỉnh là: Những việc có đủ điều kiện để làm ngay thì tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; những việc cần phải thực hiện theo lộ trình hoặc cần có văn bản hướng dẫn của Trung ương phải hết sức chủ động, làm tốt công tác chuẩn bị để có thể triển khai ngay khi có đủ điều kiện.
Quyết tâm của Đảng bộ tỉnh thể hiện rất rõ, vì bên cạnh thực hiện những quy định chung của Trung ương, tỉnh đã mạnh dạn, quyết liệt khi thực hiện một số nội dung mới. Cụ thể: Quy định khung về số lượng phòng chuyên môn của các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh không quá 3 phòng/cơ quan, đơn vị, địa phương như, Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra, Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện…
* Phóng viên: Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18 đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua. Vậy xin ông cho biết mục tiêu, lộ trình thực hiện của tỉnh như thế nào?
* Ông Nguyễn Bắc Việt: Những việc có đủ điều kiện cần làm sớm, làm ngay sẽ được tỉnh chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ hoàn tất một số nhiệm vụ như: Xây dựng kế hoạch thu hồi biên chế giai đoạn 2015-2021 của tỉnh, đảm bảo mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015; rà soát, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong của các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội theo hướng tinh gọn, tối đa không quá 3 phòng chuyên môn/cơ quan, đơn vị gắn với thực hiện nghiêm quy định về số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của mỗi đơn vị, phòng, ban; khuyến khích hợp nhất, sáp nhập các phòng chuyên môn có ít biên chế hoặc có nhiệm vụ tương đồng; sắp xếp tổ chức lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả.
Căn cứ quy định của Trung ương, quy định số lượng cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể trên nguyên tắc tinh giản bộ máy, biên chế và giảm chi tiêu thường xuyên để nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành. Tỉnh cũng tiến hành thực hiện đề án tổ chức lại văn phòng cấp ủy để phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy tỉnh; thí điểm hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện ở các huyện Thuận Nam, Ninh Hải và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm; điều chuyển nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về dân tộc, y tế cấp huyện về Văn phòng HĐND và UBND huyện, thành phố. Trên cơ sở đó, kiện toàn tổ chức bộ máy cho phù hợp. Riêng Bác Ái là địa phương có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trước mắt vẫn giữ nguyên Phòng Dân tộc huyện.
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền, cơ quan của cấp ủy và Mặt trận Tổ quốc có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp huyện, những nơi có đủ điều kiện theo hướng dẫn của Trung ương. Trước mắt, thực hiện mô hình Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện ở 7/7 huyện, thành phố; Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, các huyện Thuận Bắc, Bác Ái; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra các huyện Ninh Sơn, Thuận Nam và Bác Ái. Ngoài ra, thực hiện thí điểm mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp xã ở 4 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Nam và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.
Tỉnh cũng xây dựng đề án triển khai sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập các thôn, khu phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định. Ban hành quy định khung số lượng chức danh cán bộ, công chức cấp xã, xác định rõ vị trí việc làm, tiêu chuẩn của từng chức danh; thực hiện nghiêm túc, nhất quán việc khoán kinh phí chi phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố. Bên cạnh đó, xây dựng đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, khu phố trên phạm vi toàn tỉnh; thực hiện khoán kinh phí đối với một số hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ triển khai ngay những nhóm nhiệm vụ thường xuyên được đề ra trong kế hoạch; các nhiệm vụ rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy định khung về quy định chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của các tổ chức, cơ quan, đơn vị để đi vào hoạt động và chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ theo lộ trình trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
* Phóng viên: Thưa ông, ông nhận định thế nào về tư tưởng của cán bộ, đảng viên cũng như cảm nghĩ của các tầng lớp nhân dân về việc tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết trên?
* Ông Nguyễn Bắc Việt: Nói chung toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đều nhận thức rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc ban hành Nghị quyết, thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng trong công cuộc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Tuy nhiên, đây là Nghị quyết lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng và có tác động trực tiếp, có thể phát sinh những vấn đề phức tạp. Bên cạnh đó, do là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, khối lượng công việc cần thực hiện nhiều nên tỉnh hết sức chú trọng làm tốt công tác tư tưởng nội bộ, nhất là với đối tượng bị ảnh hưởng việc sắp xếp; đồng thời quan tâm thực hiện tốt chế độ, chính sách sau khi sắp xếp nhằm đảm bảo thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả, không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Đối với việc sắp xếp, bố trí chức danh lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và trong nội bộ các cơ quan, đơn vị sau khi tiến hành sắp xếp, cần thực hiện tốt chủ trương thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định do Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã ban hành. Trên cơ sở đó đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Tin tưởng rằng, với sự đồng thuận và quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân trong tỉnh, chắc chắn Ninh Thuận sẽ tạo được bước đột phá trong công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Công Thử/TTXVN