Chủ Nhật, 24/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 22/3/2018 17:48'(GMT+7)

Hiệu quả xóa đói giảm nghèo từ một Nghị quyết ở Lào Cai

Trung tâm huyện lỵ Si Ma Cai

Trung tâm huyện lỵ Si Ma Cai

                                   
Ngày 11/11/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện đã thu được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Kinh tế của huyện phát triển ổn định, đúng hướng và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Các tiềm năng, lợi thế của huyện về các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp như chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu bước đầu được phát huy và khai thác có hiệu quả. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp giảm từ 53,1% năm 2013 xuống còn 37,05% năm 2017; tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 10,84% lên 24,02%; thương mại, dịch vụ, du lịch tăng từ 36,07% lên 38,93%. 

Tổng sản lượng lương thực tăng từ 3.552 tấn năm 2014 lên 23.536 tấn năm 2017 (bình quân tăng 813 tấn/năm), bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn. Đặc biệt, chăn nuôi đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa phát triển mạnh, tổng đàn trâu bò năm 2017 là 18.027 con, tăng 6.584 con so với năm 2014, bình quân tăng 14,3%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 22,5 triệu đồng/người, tăng 112,4% so với mục tiêu Nghị quyết (MTNQ), bình quân tăng 03 triệu/người/năm.

An sinh xã hội được được bảo đảm, tỷ lệ giảm nghèo nhanh từ 57,01% năm 2015 xuống còn 32,86% năm 2017, trung bình giảm 12,07%/năm (cao hơn MTNQ mỗi năm giảm 7-10%). Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được quan tâm. Tính đến hết năm 2017, tổng số lao động đã qua đào tạo, tập huấn là 5.394/19.137 người, đạt 28,19%, tăng 10,59% so với năm 2013. Tạo việc làm mới cho 2.486 lao động nông thôn, bình quân 828 lao động/năm (đạt MTNQ từ 600-800 lao động/năm).

Giáo dục và đào tạo có bước phát triển mạnh về quy mô và chất lượng, nhiều mô hình giáo dục hoạt động hiệu quả như: mô hình trường học gắn thực tiễn, mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú... Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được nâng lên, đến nay 100% cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên, trong đó trình độ trên chuẩn đạt 67,6%. Tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông và đi học nghề trung bình đạt tỷ lệ 78,9% (vượt 8,9% MTNQ). Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được quan tâm, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên và kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn. 

Đến nay, 100% người dân được tham gia bảo hiểm y tế; có 11/13 xã được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế (đạt 86,6% MTNQ). Hoạt động văn hóa, thông tin và thể thao cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân. 100% số xã trên địa bàn huyện đã được phủ sóng FM và sóng truyền hình. Tỷ lệ hộ được nghe Đài tiếng nói Việt Nam đạt 92,7%; tỷ lệ hộ được xem truyền hình Việt Nam đạt 85%. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm. Năm 2017, có 5.100 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt 75% tổng số hộ; 78/91 thôn văn hóa, đạt 79,6%. 

Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Hiện nay, 100% đường giao thông liên xã, liên thôn, 75% đường nội đồng và 68% đường nội thôn đã được cứng hóa. Mạng lưới điện quốc gia tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, hiện có 88/91 thôn có điện lưới quốc gia (đạt 89,8% MTNQ), có 6.396 hộ được sử dụng điện lưới quốc gia (đạt 91,8% MTNQ).

Công tác xây dựng Đảng gắn với xây dựng và củng cố hệ thống chính trị được chú trọng. Hiện nay, Đảng bộ huyện có 44 chi bộ, đảng bộ cơ sở và 154 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với 1.886 đảng viên (tăng 04 tổ chức cơ sở đảng và 419 đảng viên so với đầu nhiệm kỳ), 91/91 thôn có chi bộ độc lập. Hàng năm, các chi bộ, đảng bộ cơ sở đều được xếp loại từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên, không có chi bộ, đảng bộ yếu kém. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, đường biên, mốc giới được quản lý chặt chẽ, đúng quy định. 

Có thể khẳng định rằng, Nghị quyết số 22-NQ/TU là một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tạo ra những đột phá mới để huyện Si Ma Cai xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU còn một số vấn đề cần quan tâm, đó là: Dự án đầu tư phát triển chăn nuôi giai đoạn 2015 - 2020 mới đạt 18,7% so kế hoạch được phê duyệt. Giá trị sản xuất trên ha canh tác còn thấp (mới đạt 31 triệu đồng/ha); giá nông sản không ổn định; việc chuyển đổi cây trồng chậm; tỷ lệ che phủ rừng còn thấp. Vấn đề tảo hôn và sinh con thứ 3 vẫn còn xảy ra trên địa bàn; tỷ lệ lao động được đào tạo nghề và tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh chưa đạt mục tiêu đề ra; môi trường nông thôn còn nhiều bất cập...

Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 22-NQ/TU, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện cần quan tâm một số nhiệm vụ sau: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU của Tỉnh ủy. Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các loại cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu, rau trái vụ, chăn nuôi đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa. Xây dựng thương hiệu, tạo thị trường để đáp ứng nhu cầu trao đổi và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nhân dân. 

Đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của ban tuyên vận xã, tổ tuyên vận thôn, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ huyện đến cơ sở; phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động. Nắm chắc tình hình tư tưởng và dư luận xã hội, tăng cường tiếp xúc, đối thoại giải thích làm rõ những vấn đề cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm ngay từ cơ sở không để xảy ra bức xúc, điểm nóng. Xác định rõ trách nhiệm, đề cao vai trò chủ thể của người dân trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu tại địa phương.

Huy động sự tham gia, ủng hộ và sự vào cuộc của cộng đồng dân cư, của cá nhân, tổ chức để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường sự phối hợp liên ngành, đề cao vai trò, trách nhiệm của từng ngành, lĩnh vực trong thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU tại địa phương./.

Đoàn Ngọc Tuyến
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất