Chủ Nhật, 24/11/2024

Tinh giản bộ máy để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động

Bí thư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc. Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN

Bí thư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc. Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã có trao đổi xung quanh về vấn đề này. 


PV: Thưa ông, Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong việc cải cách hành chính, nhất là cải cách bộ máy hành chính. Xin đồng chí cho biết, hiện Quảng Ninh đã triển khai việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII như thế nào? 

Đồng chí Nguyễn Văn Đọc: Khi chưa có Nghị quyết số 18 và 19, Quảng Ninh đã xây dựng và thực hiện Đề án 25 - Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”, Quảng Ninh đã rà soát và sắp xếp lại bộ máy chính trị, đơn vị công, nghiên cứu các vị trí công tác một cách hợp lý. Tuy nhiên, lúc đó Quảng Ninh vừa làm vừa xin ý kiến của Trung ương. 

Ngay sau Nghị quyết số 18, 19 chính thức được ban hành, chúng tôi xác định tư tưởng các chủ trương của Trung ương đặt ra trong Nghị quyết, Quảng Ninh là “nơi có đủ điều kiện” để thực hiện. Tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 21 để cụ thể hóa việc triển khai Nghị quyết số 18, 19 một cách sâu hơn, rộng hơn và chủ động hơn. Cụ thể, ngoài việc thực hiện nhất thể hóa chức danh đã làm thí điểm từ trước, đến nay sẽ triển khai mở rộng hơn; đồng thời, tiến hành hợp nhất các cơ quan. 

Hiện tỉnh đã ký quyết định thành lập cơ quan giúp việc chung cấp tỉnh; chỉ đạo thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan tham mưu cấp ủy với cơ quan chuyên môn của chính quyền cấp huyện như: Tổ chức với Nội vụ, Cơ quan Ủy ban kiểm tra với Thanh tra, Văn phòng cấp ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban Nhân dân ở những nơi đã thực hiện nhất thể hóa chức danh và có đủ điều kiện. Tới đây, Quảng Ninh triển khai dứt điểm việc chuyển chức năng bồi dưỡng lý luận chính trị của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện về Ban Tuyên giáo cấp huyện, chức năng tài chính, phục vụ về Văn phòng cấp ủy. 

Quảng Ninh đã giải thể các cơ quan công lập khi những công việc của cơ quan này đã được xã hội hóa. Đồng thời, tỉnh đã rà soát và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công theo hướng hợp nhất và tự chủ tài chính như đã hợp nhất 3 đoàn nghệ thuật chèo, cải lương, kịch thành một đoàn nghệ thuật chung; hợp nhất 5 đơn vị sự nghiệp công phòng chống các dịch bệnh của Sở Y tế thành một cơ quan kiểm soát dịch bệnh… 

PV: Theo Chương trình hành động số 21 của Ban Chấp hành Tỉnh ủy, xin đồng chí cho biết, Quảng Ninh đặt ra mục tiêu cụ thể trong việc sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước là gì? 

Đồng chí Nguyễn Văn Đọc: Nghị quyết số 18, 19 lần này một lần nữa khẳng định quyết tâm đổi mới của Đảng và Nhà nước trong đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở với mục tiêu tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Từ việc triển khai Đề án 25 trước đó, chúng tôi càng tin tưởng rằng triển khai Nghị quyết sẽ mang lại những hiệu quả tích cực. 

Quảng Ninh khẳng định mục tiêu lớn nhất trong việc thực hiện Nghị quyết số 18, 19 cũng như Đề án 25 không phải là tinh giảm mà hướng tới làm tinh giản bộ máy để tập trung được đầu mối, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, để nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tránh hiện tượng đông nhưng không rõ trách nhiệm. 

Việc sắp xếp lại bộ máy góp phần nâng cao trách nhiệm vai trò của cơ quan với công việc, hiệu quả phân bổ nguồn lực tính chủ động của đơn vị sự nghiệp công sang tự chủ, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân tốt hơn. Chuyển dần từ bao cấp sang hướng dịch vụ, đòi hỏi cán bộ công chức, viên chức thay đổi thái độ, không còn biểu hiện ban phát, thay vào đó là tinh thần thái độ phục vụ nhân dân có trách nhiệm. 

Việc rà soát được biên chế, tăng cường tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp nhằm tiết kiệm được chi thường xuyên để dành cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội. 

PV: Thưa đồng chí, Quảng Ninh có thuận lợi gì trong quá trình triển khai Nghị quyết số 18 -NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và lộ trình thực hiện như thế nào? 


Đồng chí Nguyễn Văn Đọc: Thuận lợi lớn nhất của Quảng Ninh trong thực hiện Nghị quyết số 18, 19 là sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, viên chức, đảng viên thông qua việc thực hiện Đề án 25 và Nghị quyết số 19 về “đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Do vậy, sự đồng tình, đồng thuận đối với cán bộ, đảng viên rất cao trong thực hiện Nghị quyết. 

Các nội dung Nghị quyết của Trung ương 6  Khóa XII có nhiều vấn đề được nâng lên tầm chủ trương chung xuất phát từ tổng kết mô hình thực tế triển khai ở Quảng Ninh thời gian qua. Đây là một sự khích lệ, cũng là thuận lợi để các cấp, các ngành tiếp nhận, triển khai nội dung Nghị quyết. Bắt tay vào triển khai Nghị quyết, chúng tôi nhận được sự đồng thuận với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị “Vì lợi ích chung của đất nước, của xã hội; việc gì thấy rõ hiệu quả, có lợi cho nhân dân, cho đất nước, cho sự nghiệp chung thì kiên quyết thực hiện” - một tinh thần chung xuyên suốt mà chúng tôi có được từ việc triển khai Đề án 25. 

Vì vậy, lần này chúng tôi bắt tay ngay vào việc triển khai các nội dung Nghị quyết mà không quá cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và hoàn thiện. Đối với những vấn đề chưa có quy định, chưa có tiền lệ, Trung ương cũng chưa có hướng dẫn, chúng tôi mạnh dạn thực hiện và tiếp tục nghiên cứu và tổng kết thực tiễn để làm rõ. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất