Công tác khắc phục hậu quả do bão, lũ đã và đang được các bộ, ngành Trung ương và các địa phương miền Trung và Tây Nguyên khẩn trương triển khai với nỗ lực cao nhất.
Các đoàn công tác tại các tỉnh miền Trung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin Truyền thông tiếp tục phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra.
Cục đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo khu quản lý đường bộ IV, V và Sở Giao thông vận tải Nghệ An, Kon Tum, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế tập trung lực lượng khắc phục hậu quả do sạt lở gây ách tắc giao thông, đồng thời làm việc với các lực lượng chức năng của địa phương để tổ chức điều hành giao thông đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.
Hiện tại đã thông xe được các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 7, 9, quốc lộ 48 (thông xe một hướng), quốc lộ 49 (đã thông xe đến A Lưới), đường Hồ Chí Minh (thông xe đoạn Quảng Nam đi Ngọc Hồi), quốc lộ 14 (các đoạn đường ngập tại tỉnh Kon Tum đã thông xe), quốc lộ 15.
Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do ông Huỳnh Đảm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trực tiếp vào thăm hỏi, động viên đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra tại hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Ông Huỳnh Đảm đã trao số tiền 700 triệu đồng cho tỉnh Kon Tum, 300 triệu đồng cho tỉnh Gia Lai trích từ nguồn ủng hộ của đồng bào cả nước, góp phần giúp các địa phương khắc phục hậu của bão lũ.
Đoàn công tác của Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã tổ chức 2 đoàn cứu trợ khẩn cấp tại các tỉnh, thành phố miền Trung; tặng quà và hàng cứu trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng bão số 9; Vận chuyển máy lọc nước tự động (công suất 50.000 lít nước sạch/1 giờ) phục vụ đồng bào vùng lũ Thừa Thiên-Huế.
Cục Thủy lợi cử đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo khôi phục công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương sau lũ số 9, đảm bảo điều kiện phục vụ sản xuất vụ đông 2009-2010 tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum.
Các địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, bộ đội, các lực lượng đóng trên địa bàn tiếp tục nỗ lực đến mức cao nhất tổ chức tìm kiếm người mất tích, khôi phục các tuyến giao thông, thông tin liên lạc tới những vùng bị chia cắt; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời cho các gia đình thiệt hại; tu sửa các công trình hư hại...
Tỉnh Quảng Trị lập các đoàn công tác tiếp tục đưa dân từ nơi sơ tán trở về nhà an toàn; đồng thời phân phát 8.000 thùng mì ăn liền, 50 cơ số thuốc và 500kg hóa chất xử lý nước sinh hoạt về 9 huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ nhân dân.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình có công văn chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Hiện nay công tác khắc phục hậu quả đang được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, triển khai khẩn trương.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đi kiểm tra thực địa tình hình sạt lở các tuyến đường quốc lộ 1A, đường phía Tây đầm Lập An, đường Lộc Bình-Quốc lộ 1A và các tuyến đường trong khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô.
Đoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu tiếp tục chuyến công tác thị sát, kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 tại 5 huyện Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền và Hương Trà.
Tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục triển khai công tác khắc phục hậu quả do mưa, bão; phân bổ hàng cứu trợ của Chính phủ và các đơn vị trong và ngoài tỉnh; chỉ đạo các ngành chức năng như Quản lý thị trường-Thuế-Tài chính phối hợp, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực hiện công tác công khai niêm yết giá, nâng cao khả năng, chất lượng phục vụ khách hàng, tuyệt đối tránh đầu cơ tăng giá sau bão.
Tỉnh Kon Tum phối hợp với các lực lượng Quân đội tại tỉnh phân phát lượng thực do Chính phủ cấp đến các vùng bị thiệt hại bởi bão, lũ; khắc phục mạng lưới điện của 7/9 huyện, quyết tâm tìm kiếm người mất tích và đã tiếp cận được 4 xã phía Tây bị cô lập nhiều ngày, đặc biệt kiểm soát bình ổn giá cả thị trường nhằm ổn định đời sống của người dân./.