Đây là một trong những vấn đề được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, đại biểu Quốc hội khoá 12 tỉnh Thái Nguyên đề cập trong cuộc tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 dự kiến khai mạc tại Hà Nội vào ngày 20/10.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng các thành viên trong đoàn đại biểu Quốc hội Thái Nguyên tiếp xúc cử tri là các giảng viên, cán bộ và học viên trường Chính trị tỉnh; các cán bộ lão thành cách mạng và hưu trí của tỉnh. Cử tri bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển của đất nước nói chung và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng trong điều kiện chịu nhiều tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cử tri cũng nêu nhiều kiến nghị về chế độ, chính sách và yêu cầu tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ ở cơ sở; đầu tư phát triển cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, nhất là về giáo dục đào tạo; thực hiện nghiêm các chính sách đền bù giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án xây dựng cơ bản; tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí....
Các đại biểu Quốc hội đã tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cũng trực tiếp giải đáp một số vấn đề được nêu trong cuộc tiếp xúc.
Nói chuyện và trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đồng tình với việc cần tiếp tục quan tâm nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở. Phải có chương trình đào tạo cán bộ cơ sở phù hợp với đặc điểm, đặc thù và trình độ phát triển của từng vùng miền. Cùng với lý luận cần đào tạo về tin học, ngoại ngữ, quản lý.... Đây là đòi hỏi mà thực tế đang đặt ra và cũng phù hợp với yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong tình hình mới. Đào tạo phải gắn với sử dụng cán bộ; cán bộ không thể chỉ có lý luận suông mà phải lăn lộn, gắn với thực tiễn để bổ sung kiến thức, từ thực tế làm rõ hơn những vấn đề về lý luận. Từ đó nâng cao trình độ của mình.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ: năm nay là năm khó khăn nhất do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, kinh tế- xã hội của đất nước vẫn ổn định và tăng trưởng. Đây là nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, là kết quả của sự lãnh đạo và điều hành tập trung, quyết liệt. Vị trí và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế cũng tiếp tục được nâng lên. Tháng 10 này, nước ta đảm nhận lần 2 chức Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và năm 2010 tới là Chủ tịch ASEAN.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu tầm quan trọng của kỳ họp thứ 6 - kỳ họp cuối năm vừa để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2009, vừa đề ra nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2010. Quốc hội sẽ tiếp tục bàn các giải pháp để thực hiện hiệu quả biện pháp kích cầu kinh tế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5% của năm nay. Đồng thời tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư, khuyến khích tạo điều kiện và niềm tin cho các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư; tiếp tục thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt. Về nhiệm vụ của năm 2010, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là năm thoát khỏi suy giảm và là năm đi lên. Trong đó tập trung “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa; tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, cải cách hành chính để giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất; phát huy sử dụng tốt mọi nguồn lực. Đây là khâu đột phá cần làm ngay và cả trong 10 năm tới. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung, nhất là giao thông, hạ tầng đô thị và các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng bị bão lụt tàn phá”
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cho rằng đối phó với những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu là một thử thách và bước đầu chúng ta đã vượt qua. Các ngành, các địa phương cần đánh giá để nâng cao nhận thức, trình độ, tái cấu trúc lại cơ cấu kinh tế đảm bảo phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới./.
VOVNews