Chủ Nhật, 29/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 3/10/2009 9:19'(GMT+7)

Bánh Trung Thu đắt, đồ chơi lên ngôi

Bánh Trung Thu nằm chờ khách, một phần vì những khó khăn kinh tế của người dân nhưng chủ yếu là do người tiêu dùng đã thực tế hơn khi thấy giá bánh được các cơ sở đẩy lên đến mức “siêu lợi nhuận”.

Người dân cần giá bánh hợp lý hơn

Theo Hiệp hội siêu thị Hà Nội, mức tiêu thụ bánh Trung Thu tại các siêu thị năm nay thấp hơn năm trước, và sức bán ra khá chậm. Tính đến thời điểm hôm qua, tức là trước Trung Thu một ngày, lượng tiêu thụ chỉ bằng khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội, những năm trước, giá bánh cao người dân vẫn có thể “nhắm mắt” mua, nhưng năm nay thì khác; trong thời điểm kinh tế khó khăn, người dân đã trở nên thực tế hơn, nhiều người không tin vào những lời quảng cáo “mùi mẫn” nữa mà họ đã tìm hiểu nhiều thông tin hơn về việc sản xuất bánh Trung Thu. Nhiều người cho rằng, giá bánh Trung Thu hiện nay không thực chất với giá thành sản xuất ra nó; giá thành bị đội lên tới mức bất hợp lý do nhiều thứ chi phí khác, chủ yếu là khâu quảng cáo và mức chiết khấu quá cao nên bánh Trung Thu không còn hấp dẫn người mua như trước.

Chiều qua, nhóm phóng viên TT&VH đã tiến hành cuộc khảo sát thị trường bánh Trung Thu Hà Nội, tại các điểm bán lẻ trên đường Bà Triệu, Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch, Giảng Võ, phố Huế, Hàng Buồm, Vincom, BigC , Hapro Mart và nhiều khu phố lớn vẫn còn tới gần 50% số lượng bánh. Một số cửa hàng tuy không thông báo chính thức, nhưng đã đưa ra những khuyến mãi ngầm cho khách hàng. Khi khách mua bánh, nhân viên bán hàng vẫn bán theo giá niêm yết, nhưng khi khách hàng kêu giá thành cao, nhiều cửa hàng sẵn sàng giảm giá từ 10 đến 25% giá bánh tùy số lượng mua. Vì vậy, khách hàng nào nếu biết “mặc cả” sẽ mua được bánh giá rẻ hơn.

Chị Trần Phương Hoa, chủ cửa hàng tại 110 Trần Duy Hưng cho biết: “Việc giảm giá cho khách hàng không phải do giá bánh giảm mà do cửa hàng tự cắt giảm lãi suất từ phần chiết khấu của các hãng. Đa phần các nhà sản xuất có chiết khẩu từ 20 đến 45% cho các đại lý”. Sau một hồi trò chuyện và mua liền mấy hộp bánh, chủ cửa hàng tâm sự cởi mở hơn với chúng tôi: “Nói thật, bán bánh Trung Thu tuy có mức rủi ro cao hơn so với các mặt hàng khác, nhưng mức lãi là siêu lợi nhuận. Hiếm có mặt hàng nào mà chiết khấu cao như vậy. Thế mới biết, dân mình đang mua bánh với giá cắt cổ nhưng vẫn phải mua, cả năm mới có ngày Rằm tháng Tám, phải có chút hương vị bánh dẻo bánh nướng cúng ông bà tổ tiên, rồi cho trẻ con phá cỗ trông trăng chứ”. 


Theo tính toán của Cty Cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội, chi phí nguyên liệu cho một chiếc bánh Trung Thu 220g là loại to nhất vào khoảng dưới 10.000 đồng/chiếc.  Ví dụ một chiếc bánh dẻo gồm 0,6g nhân là gần 2.300 đồng; cùi bánh dẻo 140g là 2.400 đồng; bao bì và gói chống ẩm 1.200 đồng; tiền nhân công 1.000 đồng; thùng đóng gói và công vận chuyển và thùng đóng gói 860 đồng. Đó đều là những loại nguyên liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng. Như vậy, giá bánh trên thị trường hiện nay cao gấp 2 đến 3 lần chi phí thực tế. Các nhà sản xuất biết rõ như vậy, nhưng không ai muốn hạ giá vì để tăng chiết khấu, thu hút các đại lý tiêu thụ và do e ngại tâm lý giảm giá người dân cho là bánh chất lượng kém.

Có thể nói với mức giá như hiện nay, bánh Trung Thu vẫn là thứ xa xỉ đối với nhiều gia đình. Nhưng người dân vẫn mua bánh Trung Thu cốt để lấy hương vị cho ngày đón trăng Rằm. Và thực tế, nắm bắt được tâm lý này, theo kinh nghiệm của nhiều chủ cửa hàng, cho dù tới ngày Rằm thì bánh vẫn bán được, thường đến chiều ngày 15 âm lịch, nếu bánh còn tồn nhiều thì mới bắt đầu giảm thêm giá để “cứu vốn”. Do vậy, các cửa hàng dù tồn nhiều bánh nhưng vẫn bán với giá “cắt cổ” để kiếm lời đến phút chót.

Có thể thấy, từ những thông tin báo chí phản ánh về tình trạng mỡ bẩn mỡ thối, người dân hầu như ngoảnh mặt hẳn với các loại bánh bình dân, sản xuất thủ công. Theo các chủ cửa hàng, rất hiếm người hỏi mua các loại bánh thủ công. Nhờ vậy, các loại bánh cao cấp như Hữu Nghị, Bibica, Kinh Đô… lại càng được dịp lên ngôi. Nhưng thiết nghĩ, dù bánh cao cấp hay bình dân thì nguyên liệu cấu tạo ra một chiếc bánh cùng là các loại thực phẩm, hơn nữa các nhà sản xuất lớn thì chi phí sẽ giảm, tuy vậy giá thành các loại bánh lại có sự chênh lệch quá lớn. Như vậy, các nhà sản xuất đang tính giá thương hiệu và tính chiết khấu quá cao. Thử hỏi, trách nhiệm xã hội của các nhà kinh doanh này là ở đâu?


Đồ chơi Trung Quốc ngập thị trường

Trái với bánh, đồ chơi Trung Thu năm nay lại rất hút khách. Dạo một vòng qua các phố bán đồ chơi Trung Thu chính của Hà Nội là Hàng Mã, hàng Ngang, Hàng Đào, Lương Văn Can… mới thấy rõ nhu cầu đồ chơi Trung Thu của người dân tới mức nào. Không chỉ các bậc cha mẹ mua đồ chơi cho trẻ em, mà nhiều thanh niên cũng đi mua sắm đồ chơi cho đêm Rằm trông trăng. Ngoài một số đồ chơi thủ công như đèn lồng, đèn kéo quân dán giấy màu, tượng tò he… thì các loại đồ chơi Việt Nam hầu như vắng bóng tại các phố này; chiếm tuyệt đại đa số là đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc.

Mặt hàng thu hút các bạn thanh niên trẻ nhất là mặt nạ kiểu lễ hội hóa trang phương Tây bằng nhựa gắn lông gà, giá từ 25 nghìn đến 70 nghìn đồng; và giá bán loại mặt là này tăng từng giờ. Chúng tôi vừa mua một chiếc giá 25 nghìn, khoảng 1 tiếng sau quay lại chủ cửa hàng đã phát giá 40 nghìn đồng.

Các loại đèn lồng bằng nhựa, có gắn đèn điện và có âm thanh cũng lấn át các loại đèn lồng truyền thống; các loại đèn này có giá từ 25 đến 80 nghìn đồng. Trong khi đèn lồng thủ công của trong nước chỉ có giá từ 5 đến 25 nghìn đồng, nhưng ít người mua. Áp đảo nhất và đáng quan ngại là các loại đồ chơi vũ khí được bày bán tràn lan; nhiều nhất là các loại kiếm nhựa. Nguy hiểm hơn là kiếm làm bằng nhựa cứng như thủy tinh, có đèn pin ở trong có thể phát sáng và có khả năng gây sát thương đối với trẻ con. Bên cạnh đó là các loại súng nhựa được bày bán tràn lan với giá rất đa dạng… Không biết các nhà quản lý có biết hiện trạng này?

Anh Nguyễn Trọng Hanh, chủ cửa hàng bán đồ chơi trên phố Hàng Mã cho biết, Từ 1 tuần nay, phố Hàng Mã lúc não cũng chật cứng người ngắm phố và mua đồ chơi Trung Thu và, cửa hàng nhà anh chủ yếu nhập hàng Trung Quốc từ Lạng Sơn về, năm nay lượng hàng bán ra tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Theo M. Cường – T. Vi – H. Lan  
(TT&VH)


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất