Bên những hay đẹp trước thềm một năm mới Canh Dần giàu ý nghĩa, có cả lời xì xào "bát nháo chợ Viềng". Tiếng là chợ phiên, mở mỗi năm một lần nên hình thức chẳng khác gì một lễ hội lớn. Năm nay, người bảo số khách đổ về Nam Định thăm khám chợ Viềng lên tới hàng chục vạn, người ước chừng chỉ hơn 4 vạn trong đêm thứ bảy là cùng. Dù gì thì cũng là quá đông, nên cái sự bát nháo chen lấn là điều dường như không thể tránh được. Nhưng điều bị dư luận phàn nàn nhất, như người ta thường nói, là sự thương mại hóa lễ hội chợ Viềng đã không được kiểm soát triệt để, đồ cổ, đồ cũ thật - giả lẫn lộn, giá dịch vụ bị đẩy cao đến chóng mặt...
Rồi thì chuyện ngư dân cá cược nhân lễ hội đua thuyền mừng năm mới ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Cá cược "vui xuân" gì mà báo chí rao trên mạng số được - mất lên tới tiền tỷ, người khóc, kẻ cười giữa lòng xuân mới. Rồi còn là "chen chúc, "tắc nghẽn", "nhiều kiểu trục lợi", "dịch vụ biến tướng", "giá cả tăng cao", "móc túi tung hoành" - những cụm từ được dùng để chỉ "mặt trái" lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng, được "định vị" ở Hội đền Trần (Nam Định), Hội chùa Hương, Lễ hội đền Huyền Trân (Thừa Thiên Huế)...
Lễ hội ở nước ta có thật là nhiều. Lễ hội truyền thống, có từ xưa, truyền đời đến nay vẫn còn được trọng vọng. Lại có lễ hội du nhập từ nước ngoài, lễ hội mới hình thành. Lễ hội nhỏ, lễ hội to, hội làng bên lễ hội cấp quốc gia. Loại cả nước biết đến thì có Lễ hội đền Hùng, Lễ hội chùa Hương, Hội Lim, Hội xuân Yên Tử... Đến như Festival Huế, tuổi mới tròn 1 thập kỷ mà đã "ổn định" danh tiếng. Lễ hội nhiều là thế, ắt nảy sinh vấn đề cho phía quản lý văn hóa. "Mặt trái" của lễ hội không chỉ bộc lộ ở mỗi chợ Viềng năm có một phiên. Nhiều người đã nói, nhiều năm đã nói, nhiều lễ hội bị nói chứ chả riêng nơi A nơi B... Đã thành "chuyện thường" rồi, nay nói thêm "chuyện nhỏ", là cớ làm sao?
Ấy là vì năm nay là năm đặc biệt. Xuân Canh Dần cũng là một mùa Xuân đặc biệt, mở ra bao sự kiện lớn lao của đất nước và Thủ đô, biết bao chương trình đã được chuẩn bị dành tặng TL-HN nghìn tuổi. Hàng trăm, hàng nghìn phần việc lớn bé sẽ được tổ chức trong năm 2010 với phương châm thực hiện "Cả nước cùng Hà Nội, Hà Nội cùng cả nước; Trung ương với Hà Nội; bạn bè quốc tế với Hà Nội". Ngoài Hà Nội với hàng chục sự kiện, chương trình quan trọng được tổ chức trong 10 ngày đầu tháng 10-2010, các hoạt động trọng tâm còn được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành khác như Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Nam Định, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế... Chỉ tính hoạt động mà các tỉnh, thành phố bạn tổ chức trên tinh thần hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm TL-HN và cũng chỉ kể tên những lễ hội mới xuất hiện đã có bao thứ thú vị. Nào Festival Biển Vũng Tàu, nào Lễ hội "Nhịp cầu xuyên Á" (tại Quảng Trị), Festival Huế 2010, Lễ hội Pháo hoa (tại TP Đà Nẵng), Carnaval Biển Quảng Ninh, Festival Hoa Đà Lạt...
Chừng ấy điều hay, chỉ sao nhãng quản lý một chút là ý nghĩa kỷ niệm không trọn vẹn được. Chẳng nói đâu xa, như Lễ hội Pháo hoa tại Đà Nẵng, Festival Huế, Festival Hoa Đà Lạt đã được tổ chức nhiều lần, lần nào cũng xảy chuyện "cháy" chỗ ở, giá phòng nghỉ tăng vùn vụt. "Bệnh" ăn theo lễ hội, kỳ cuộc văn hóa lớn như thể đã thành mạn tính. Ngay sát Tết Canh Dần, đúng Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hoàng Tuấn Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-BVHTTDL về việc tăng cường công tác chỉ đạo quản lý hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại di tích. Sở VH-TT&DL nào cũng nhận được văn bản này, ấy vậy mà vẫn để xảy điều tiếng... như đã "ví dụ" ở trên.
Nên mới nói phải nhắc lại "chuyện nhỏ", "bình thường", để từ những "rậm rịch" kể trên mà nhà quản lý nghĩ cách siết lại kỷ cương hội lễ, nghĩ cách kiểm tra, giám sát công tác tổ chức, không phải "rục rịch... nghĩ" mà nên chạy đua với thời gian, bởi chẳng còn mấy thời gian.
Mà thời gian thì tựa "bóng câu qua cửa", những Lễ hội Pháo hoa, Carnaval Biển Quảng Ninh đã ở ngay trước mắt rồi còn gì nữa.
Quế Trinh
(Hà Nội Mới online)