Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 20/2/2010 17:16'(GMT+7)

Những chuyển động tích cực trong đời sống văn hoá - văn nghệ

Cho dù Nhà nước đầu tư cho văn hoá vẫn còn ở mức khiêm tốn, thậm chí còn thấp, song với chủ trương xã hội hoá văn hoá, đời sống văn hoá, văn nghệ từng bước được cải thiện. Về công tác chỉ đạo, quản lý các hoạt động văn hoá, văn nghệ của Trung ương, các ban, ngành, đoàn thể, các cấp uỷ, chính quyền địa phương, cũng có những cải tiến, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Ngày 22-7-2009, Bộ Chính trị (khóa X) đã ra Kết luận số 51-KL/TW “về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW, ngày 12-01-1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội". Năm qua, hoạt động lễ hội diễn ra liên tục và sôi động trên các vùng miền của đất nước. Nhiều lễ hội dân gian truyền thống thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Ở một số làng, bản địa phương khôi phục lại lễ hội dân gian. Việc bảo tồn những lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số được chú trọng (phục dựng 11 lễ hội truyền thống tiêu biểu), được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa 2009. Gắn kết hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Chương trình kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, từ đầu năm 2009 đã được tổ chức thực hiện có quy mô cấp quốc gia và quốc tế... Ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội không chỉ của người dân Hà Nội mà còn là ngày hội của cả nước tôn vinh các giá trị truyền thống của dân tộc ta qua cả ngàn năm dựng nước. Hầu như địa phương nào cũng đều có các hoạt động phong phú, đa dạng như tôn tạo các di tích (Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Thanh Hoá...).

Hoạt động điện ảnh, sân khấu, ca múa nhạc có nhiều chương trình, tác phẩm hay được dư luận chú ý. Xu hướng xã hội hóa mạnh mẽ các hoạt động nghệ thuật có tác động góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm.

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá phát huy tác dụng ở cơ sở, cuộc vận động gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đền ơn đáp nghĩa, làm việc thiện, xây dựng nhà văn hoá thôn, bản.

Năm 2009, cũng là năm văn hoá Việt Nam, các hoạt động hợp tác, giao lưu, ngoại giao văn hóa được triển khai tích cực. Nhiều đoàn nghệ thuật đã ra nước ngoài biểu diễn, tuyên truyền, quảng bá và bầu chọn kỳ quan thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long), vận động UNESCO công nhận di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên của Việt Nam là di sản văn hoá nhân loại (Quan họ, Ca trù, Vịnh Lăng Cô, Phong Nha - Kẻ Bàng...). Đáng chú ý một số sự kiện: Lễ hội hoa anh đào tại Hà Nội; Festival diều quốc tế Vũng Tàu 2009; Festival pháo hoa quốc tế ở Đà Nẵng; Liên hoan cồng chiêng quốc tế ở Gia Lai.

Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW (khoá X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, các cấp uỷ đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều chương trình hành động cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình tại địa phương. Xây dựng nông thôn ổn định, hoà thuận, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhiều hoạt động văn nghệ được triển khai, trong đó có việc đánh giá chất lượng, môi trường sống ở nông thôn, vùng dân cư xây dựng các khu công nghiệp; tổ chức cho văn nghệ sĩ sáng tác viết về người nông dân mới cùng với việc phát hiện những vấn đề cần quan tâm trong nông thôn hiện nay...

Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về văn học nghệ thuật trong tình hình mới đang được thể chế hoá bằng những chính sách cụ thể. Với những quan điểm đúng đắn, sâu sắc, thực tiễn của Đảng ta, vai trò vị trí của văn học, nghệ thuật trong đời sống văn hoá xã hội được coi trọng, tạo ra một bầu không khí phấn khởi trong anh em trí thức, văn nghệ sĩ. Nhà nước tiếp tục đầu tư cho văn nghệ, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh công cuộc đổi mới của đất nước. Một số nhà văn tiếp tục khai thác đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh cuộc đấu tranh khẳng định con đường đổi mới của đất nước, dân tộc là đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của nhân loại.

Thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW của Ban Bí thư về Đại hội các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, trong năm 2009 đã diễn ra Đại hội Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Đây là một sinh hoạt chính trị và nghề nghiệp quan trọng của đội ngũ văn nghệ sĩ với tinh thần đoàn kết, dân chủ, xây dựng và sáng tạo.

Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương triển khai nhiều hoạt động. Tổ chức của Hội đồng được củng cố, bổ sung lực lượng. Hội thảo “Tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật Việt Nam” đã thu hút dư luận, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình, báo chí. Tính dân tộc và tính hiện đại trên cơ sở truyền thống được bổ sung bằng thực tiễn của văn nghệ thời kỳ mới. 3 lớp tập huấn cho gần 200 cán bộ quản lý, phóng viên, văn nghệ sĩ được hoan nghênh. Quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật được làm rõ, bồi dưỡng nhận thức, tri thức cho những người làm công tác văn hoá, văn nghệ. Cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng được các cấp, các ngành, các tỉnh và thành phố triển khai tích cực nhất là ở những địa bàn trọng điểm.

Lý luận, phê bình trên báo chí, trên các diễn đàn đã đi sâu vào chất lượng nội dung, phản ánh cái mới và cả những hạn chế. Song cũng cần phải thấy, công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, văn nghệ ở một số lĩnh vực chưa có hiệu lực, lúng túng, buông lỏng. Cán bộ quản lý chưa chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp lãnh đạo trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động văn hoá, văn nghệ, đáp ứng yêu cầu chính trị, tuyên truyền trong nhân dân.

Sự chênh lệch lớn về hưởng thụ văn hóa của người dân giữa thành thị, nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi vẫn là vấn đề đáng quan tâm.

Sự bùng phát số lượng lễ hội, nhất là lễ hội mới, ngoài những mặt tích cực còn một số biểu hiện gây bức xúc dư luận. Một số lễ hội văn hóa - du lịch được Nhà nước đầu tư lớn, nhưng hiệu quả văn hóa đến công chúng còn hạn chế: Hoạt động biểu diễn chưa có sự đầu tư kỹ về nội dung, chất lượng nghệ thuật; tính thương mại hoá, đấu thầu dịch vụ lễ hội xuất hiện ở một số nơi; hiện tượng cờ bạc, ô nhiễm môi trường; sản phẩm văn hoá ngoài luồng như băng đĩa lậu, sách lậu, tướng số, các hiện tượng mê tín dị đoan, thiếu văn minh... chưa được khắc phục.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể vẫn chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức. Việc xâm hại các di tích, nguy cơ thất truyền nhiều di sản có chiều hướng gia tăng.

Công tác tài trợ, đầu tư sáng tác đã có những bước cải tiến rõ rệt, nhưng ở một số nơi vẫn còn hiện tượng bình quân, cào bằng nên không có tác dụng thúc đẩy sáng tác, tạo nên tâm lý của một số anh em văn nghệ sĩ chưa thực sự coi trọng sự đầu tư của tổ chức hội. Trong công tác chỉ đạo, quản lý, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý văn nghệ chưa thực sự am hiểu, có đủ uy tín với những người hoạt động văn nghệ. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý các lĩnh vực văn học, nghệ thuật của các cấp uỷ Đảng còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Sự tác động của đời sống kinh tế, lối sống thực dụng của xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm trạng, tình cảm của một bộ phận văn nghệ sĩ, tạo nên sự bi quan, buông lỏng trách nhiệm của mình đối với công việc sáng tạo.

Năm 2010, đất nước diễn ra Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và những ngày lễ trọng đại. Công tác văn hoá, văn nghệ càng nặng nề. Để thúc đẩy các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các cấp các ngành quan tâm một số vấn đề sau:

Một là: Đẩy mạnh Cuộc vận động sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật và báo chí “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn các hoạt động văn hoá và văn nghệ với các ngày lễ lớn năm 2010, Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và kỷ niệm 80 năm ngày Thành lập Đảng và ngày truyền thống ngành Tuyên giáo.

Hai là: Triển khai các đề án thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về văn học, nghệ thuật; xây dựng đời sống văn hoá xã hội để biến các Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác văn hoá, văn nghệ thành hiện thực.

Ba là: Chỉ đạo Đại hội các Hội: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp văn học, nghệ thuật Việt Nam thực hiện theo yêu cầu của Ban Bí thư đề ra.

Bốn là: Đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, tạo ra động lực tinh thần trong nhân dân, góp phần đưa phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá cơ sở phát triển./.

Nhà Văn Đỗ Kim Cuông

Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Văn nghệ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất