Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 18/2/2010 20:53'(GMT+7)

Văn hóa góp phần tạo nên sức mạnh và giá trị dân tộc

Giáo sư Sử học Đinh Xuân Lâm. Ảnh: Chinhphu.vn

Giáo sư Sử học Đinh Xuân Lâm. Ảnh: Chinhphu.vn

Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 đã qua đi, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Đất nước ta vững vàng vượt qua những thử thách để đón bắt những thời cơ của thời kỳ hội nhập. Có được thành tựu ấy là nhờ chúng ta biết phát huy sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, phát huy các giá trị tốt đẹp của dân tộc, tự tin sánh bước cùng bạn bè thế giới.

Nhân dịp Xuân mới Canh Dần, Nhà giáo Nhân dân - Giáo sư Sử học Đinh Xuân Lâm đã dành cho phóng viên cuộc trò chuyện về việc phát huy các giá trị văn hoá Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Thưa Giáo sư, những năm gần đây, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Theo Giáo sư, tầm vóc của văn hoá Việt Nam góp phần vào việc tăng cường vị thế Việt Nam như thế nào?

GS Đinh Xuân Lâm: Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng. Điều đó nhân dân thế giới đã thấy rõ vì dân tộc ta đã giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy rằng lịch sử Việt Nam là một lịch sử đấu tranh kiên cường lâu dài để dựng nước và giữ nước. Để có được sức mạnh như vậy có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất là dựa trên nền tảng văn hoá dân tộc. Và phải dựa trên nền tảng văn hoá thì mới tạo nên sức mạnh và giá trị của dân tộc.

Nhân dân thế giới đã chứng kiến sự lớn mạnh của dân tộc Việt Nam và thấy được tinh thần hoà hiếu, yêu chuộng hoà bình của nhân dân Việt Nam. Vì vậy trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân tiến bộ trên thế giới.

Cũng trong quá trình ấy, bạn bè thế giới đã thấy được sức mạnh của văn hoá Việt Nam và họ muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Cho nên ở nhiều nước ngành Việt Nam học (ngành khoa học nghiên cứu về Việt Nam) đã ra đời rất phát triển.

Ngành Việt Nam học phát triển trước tiên là do nhu cầu tìm hiểu Việt Nam, tìm hiểu nhân dân Việt Nam của các nước. Trong thời kỳ đổi mới đất nước, ở trong nước cũng phát triển mạnh ngành Việt Nam học, để tự hiểu về dân tộc mình hơn. Cho nên, theo tôi sự quan tâm của nhân dân thế giới với Việt Nam càng ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc có rất nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản nhất là họ thấy được văn hoá Việt Nam là nền văn hóa sâu rộng, tốt đẹp, mà nền tảng của nó là tinh thần yêu chuộng hoà bình.

Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của kinh tế có thể thấy rất rõ ràng, nhưng nhận diện sự phát triển của văn hoá trong hội nhập quốc tế là điều không đơn giản. Theo Giáo sư, hiện nay, những vấn đề thuộc về bản chất của văn hoá được thể hiện như thế nào?

GS Đinh Xuân Lâm: Như tôi đã nói ở trên, bản chất của văn hoá Việt Nam là văn hoá trên tinh thần nhân đạo, tinh thần hoà hiếu, chống chiến tranh, yêu chuộng hoà bình. Trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, chúng ta chỉ bắt buộc phải cầm vũ khí khi bị kẻ thù tấn công. Cho nên lòng yêu chuộng hoà bình, nét hoà hiếu của dân tộc Việt Nam là một nét rất nổi trội. Trong điều kiện lịch sử thế giới hiện nay, điểm này rất được thế giới tôn trọng.

Sức sống của nhân dân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập được thể hiện ở nhiều mặt, trong đó có sự tiếp thu rất nhạy bén những yếu tố tích cực của văn minh thế giới và kết hợp với những yếu tố cơ bản, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Không phải là chúng ta tiếp nhận một cách đơn giản, một chiều, mà chúng ta có sự kết hợp, sự lựa chọn thông minh, sáng suốt các giá trị từ bên ngoài, kết hợp với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tạo nên một sức mạnh lớn lao, một tầm vóc cao hơn.

Thưa Giáo sư, theo dòng chảy của lịch sử, đội ngũ những người nghiên cứu về văn hoá- lịch sử hiện nay ở nước ta cần đổi mới như thế nào trong cách quảng bá về văn hoá, lịch sử dân tộc?

GS Đinh Xuân Lâm: Tôi cho rằng là một khi chúng ta đã nhận chân được những giá trị đích thực của dân tộc ta và chúng ta phải dựa vào những giá trị đó để phát huy giá trị đó thì tất nhiên chúng ta phải tìm những phương pháp để quảng bá, phát huy nó. Tôi thấy có rất nhiều phương pháp, chẳng hạn ngoài việc giáo dục trong nhà trường còn có nhiều hình thức khác. Cũng như Bác Hồ nói: "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Như vậy, trước tiên mình phải biết, phải hiểu lịch sử dân tộc, thấy được tinh thần anh dũng, kiên cường của cha ông thì chúng ta mới xây dựng được một tư tưởng yêu nước vững bền. Đây là một tư tưởng yêu nước có cơ sở. Nó bắt nguồn từ những nền tảng văn hoá sâu xa của dân tộc và trên tinh thần yêu nước để đương đầu với những thử thách, những khó khăn của thời đại mới và có đủ sức mạnh để vượt qua những khó khăn, thử thách đó, đưa đất nước ta càng ngày càng phát triển.

Giáo sư vừa phân tích rằng truyền thống tự hào tự tôn dân tộc sẽ giúp chúng ta có thể khẳng định được hơn tầm vóc của đất nước. Hiện nay có nhiều người lo ngại rằng giới trẻ không quan tâm nhiều tới những vấn đề của lịch sử, chưa thể hiện rõ lòng tự hào tự tôn dân tộc của họ. Nhận định của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?

GS Đinh Xuân Lâm: Tôi là người trong ngành Giáo dục. Tôi cũng thấy người ta nêu rất nhiều lo lắng như vậy. Tất nhiên tôi không bi quan. Tôi cho rằng đó là những khó khăn trước mắt, nhất thời, nếu chúng ta có biện pháp đúng, chúng ta có chính sách, đường lối đúng thì tôi cho rằng giới trẻ của mình đủ thông minh, đủ tinh thần yêu nước tiếp thu được truyền thống của cha ông. Và họ sẽ tiếp thu cái mới, sẽ đi theo con đường đúng đắn, phát huy năng lực của họ để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Thưa Giáo sư, chúng ta đã đi qua chặng đường gần 1 thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Giáo sư nhận định về sự phát triển của đất nước chúng ta trong tương lai  như thế nào?

GS Đinh Xuân Lâm: Là một người nghiên cứu lịch sử, tôi cho rằng khó khăn thì còn nhiều, nhưng mà rõ ràng là chúng ta có nhiều điều kiện vượt qua những khó khăn, thử thách đó để đưa đất nước chúng ta đi lên. Trong các điều kiện cốt yếu để mà giúp nhân dân ta vượt qua khó khăn, có sự lãnh đạo sát sao của Đảng, có sự điều hành linh hoạt của Chính phủ và tinh thần yêu nước sáng suốt của nhân dân ta. Người Việt Nam ta sẵn sàng tiếp nhận tiến bộ và vận dụng sự tiến bộ đó vào sự nghiệp phát triển đất nước. Nghiên cứu lịch sử Việt Nam mà không thấy được chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thì khó có thể phân tích được thấu đáo các sự kiện. Chúng ta phải thấy được nhân dân ta có truyền thống yêu nước nồng nàn, truyền thống đó rất sâu sắc, vững bền.  Tôi rất tin tưởng vào sự phát triển ngày càng vững vàng của dân tộc ta.

Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện bổ ích này. Kính chúc Giáo sư trong Xuân mới mạnh khỏe và có nhiều niềm vui.

 Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Sử học Đinh Xuân Lâm- một cây đại thụ trong nền sử học nước nhà-  sinh ngày 4/2/1925, tại xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, là một trong những người góp công đầu xây dựng Bộ môn Lịch sử cận – hiện đại Việt Nam. Ông hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Ông được phong học hàm Giáo sư năm 1984, ngành Sử học. Cùng với Giáo sư Nguyễn Lân, ông là 1 trong 2 người trong ngành Sử học đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Huân chương Lao động hạng Nhất.

Bộ sách "Đại cương Lịch sử Việt Nam" do ông tham gia chủ biên đã trở thành giáo trình chuẩn cho Khoa Sử các trường đại học và cao đẳng.

Giáo sư Đinh Xuân Lâm đã hướng dẫn thành công hơn 30 luận án tiến sĩ trong và ngoài nước, là tác giả của hàng trăm bài báo, hàng chục đầu sách...


(Theo Chinhphu.vn)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất