Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 21/2/2010 10:15'(GMT+7)

Xã hội hóa lễ hội - hiệu quả và mặt trái

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Khơi thức sức dân phục vụ nhân dân

Lễ hội hội tụ và là hình ảnh thu nhỏ đời sống lao động, sinh hoạt, tín ngưỡng của một cộng đồng dân cư, từ lâu, đã trở thành sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống người dân Việt Nam. Lễ hội ở nước ta đa dạng và phong phú. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, chưa kể các lễ hội hiện đại đang ngày một phát triển, Việt Nam có trên 7.000 lễ hội cổ truyền lớn, nhỏ, trải rộng khắp đất nước trong bốn mùa, tập trung nhiều nhất vào mùa Xuân.

Ngoài những yếu tố thu hút thuộc về tâm linh, tín ngưỡng..., thì việc nhân dân được tự định ra, tổ chức, cũng như tham gia, vừa với tư cách là người phô diễn, vừa là người thưởng thức... chính là nguyên nhân tạo nên tính hấp dẫn của lễ hội. Tuy nhiên, tính cộng đồng trong tổ chức lễ hội hiện nay có lúc, có nơi bị xem nhẹ, dẫn đến làm giảm sức lôi cuốn của hình thức sinh hoạt văn hóa này.

Lễ hội ra đời, được nuôi dưỡng trong môi trường cộng đồng, do đó như một lẽ tự nhiên, đã phù hợp cho việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Xã hội hóa các hoạt động lễ hội thực chất là đa dạng hóa chủ thể tham gia tổ chức, điều hành, bao gồm các lực lượng xã hội, tập thể, cá nhân, theo sự hướng dẫn, quản lý chung của cơ quan chức năng.

Xã hội hóa lễ hội mang lại nhiều lợi ích, nhất là trong việc huy động được các nguồn lực xã hội, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước. Ngoài việc tạo được nguồn kinh phí, thì đây còn là cách thức hữu hiệu phát huy cao độ trí tuệ, sức sáng tạo và sự tham gia một cách tự nguyện của đông đảo nhân dân, nhất là khai thác được những kinh nghiệm, kiến thức về cử hành, nghi lễ còn tiềm ẩn trong dân gian, qua đó góp phần phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống, các tập tục cổ truyền tốt đẹp. Lễ hội là nơi giao lưu tình cảm, văn hóa, thể thao, các hoạt động khác, thông qua đó người dân hướng tới những sinh hoạt lành mạnh, phấn khởi, tích cực hăng hái thi đua lao động sản xuất, thắt chặt thêm tính cố kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm. Những doanh nghiệp đóng góp kinh phí cho lễ hội vừa là nghĩa cử tốt đẹp vì cộng đồng song cũng là dịp quảng bá hình ảnh hiệu quả, thiết thực. Tuy nhiên, dù với lợi ích nào, thì quan trọng nhất, mục tiêu xã hội hóa hướng tới vẫn là phục vụ nhân dân tốt hơn và tạo cơ hội tham gia lễ hội tới mọi đối tượng.

Thực tiễn cho thấy, xã hội hóa lễ hội là việc được thực hiện hiệu quả và rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tỉnh U-đon-tha-ni phía Bắc Thái Lan tổ chức lễ hội di sản văn hóa, nhiều chương trình nghệ thuật do chính người dân và kiều bào tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tưng bừng tham gia các nội dung để được quảng bá thương hiệu. Lễ hội dân ca thế giới tổ chức thường niên tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc, cũng là sự kiện được xã hội hóa, thu hút hàng triệu du khách thưởng thức những nét đẹp nghệ thuật ca kịch của đất nước có bề dày trầm tích văn hóa đồ sộ, lâu đời này.

Tại nhiều địa phương trên cả nước, xã hội hóa lễ hội cũng đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tạo sức hút, đồng hành của cả nước, với sự tham gia hỗ trợ của đông đảo các doanh nghiệp, "Mạnh Thường Quân", giới nghệ sĩ, chuyên gia. Mở màn cho đại lễ, lễ hội hoa Hà Nội tổ chức đầu năm 2010 mới đây đã xã hội hóa hầu như toàn bộ kinh phí tổ chức trên 17 tỉ đồng, các nghệ nhân trực tiếp làm những công trình nghệ thuật tại chỗ, thổi hồn vào hoa lá, tái hiện và mang đến cảm giác hoài niệm về một Hà Nội cổ kính, hào hoa, thanh lịch, có sức cuốn hút rất lớn đối với du khách.

Những ngày văn hóa - du lịch Mê Kông - Nhật Bản vừa tổ chức tại Cần Thơ, xã hội hóa đã nâng lên tầm quốc tế. Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long giao lưu, tiếp biến văn hóa cùng những tinh hoa văn hóa của các nước bạnnhư: Nhật Bản, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Mi-an-ma...

Quảng Ninh cũng là tỉnh thực hiện hiệu quả xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa. Quan điểm của tỉnh là kể từ lễ hội du lịch năm 2010, phải giảm thiểu kinh phí từ nguồn ngân sách, tiến tới không sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức lễ hội. Quảng Ninh cũng không nhận tiền tài trợ để tổ chức lễ hội, mà các đơn vị tài trợ trực tiếp tham gia vào nội dung lễ hội.

Tại di tích và lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, tỉnh Hải Dương, nhiều công trình kiến trúc văn hóa cổ được trùng tu, tôn tạo hàng chục tỉ đồng từ nguồn đóng góp của khách thập phương như: sân đá, tường bao đền Kiếp Bạc, tả hữu hành lang chùa Côn Sơn, câu đối, đại tự tại các di tích... Đặc biệt, người dân dày công tự nghiên cứu, sưu tầm các nội dung của lễ hội thất lạc, phục dựng lại. Trong lễ hội, hàng nghìn người tham gia rước bộ, rước nước...; những con thuyền trang hoàng cờ hoa rực rỡ từ các địa phương lân cận kéo về Kiếp Bạc, bừng bừng khí thế, tái hiện đoàn thủy quân năm xưa hiên ngang trên sông nước Lục Đầu. Buổi tối, hàng chục đoàn diễn xướng dưới ánh đèn lung linh, huyền ảo. Lễ hội Côn Sơn - Kiếp bạc thực sự là lễ hội của toàn dân.

Có thể nói, dù là lễ hội cổ truyền hay hiện đại, xã hội hóa thực sự đã mang lại một sức sống mới cho các lễ hội. Tuy nhiên, do hiểu chưa thấu đáo hoặc vận dụng máy móc, không ít nơi, việc xã hội hóa lễ hội lại có tác dụng đi ngược lại.

Những biến dạng lợi bất cập hại

Bản thân từ "xã hội hóa" hiện nay bị sử dụng khá tràn lan, với ngữ nghĩa chưa chuẩn mực. Xã hội hóa đúng nghĩa (socialisation) là quá trình con người liên tục tiếp thu văn hóa vào nhân cách của mình để sống trong xã hội như là một thành viên, nói cách khác, đó là quá trình phát triển nhân cách, hòa nhập, thích nghi với xã hội của mỗi cá nhân. Trong khi đó, "xã hội hóa" theo nghĩa chúng ta đang sử dụng phổ biến, tức là huy động sự đóng góp của xã hội, lại là mobilizing. Như vậy, xã hội hóa đang được sử dụng thông dụng có phần đã được Việt hóa.

Không bàn đến ngữ nghĩa của ngôn từ, thì việc xã hội hóa lễ hội trong thực tiễn hiện nay cũng còn tồn tại nhiều hiện tượng biến thái gây phản hiệu quả. Các doanh nghiệp đóng góp kinh phí tham gia lễ hội, phải tính đến hiệu quả kinh tế, có thể là lợi nhuận tức thì từ các dịch vụ hưởng lợi trực tiếp ở lễ hội hoặc lợi nhuận vô hình từ việc được quảng bá, khuếch trương hình ảnh. Đây là điều tất yếu trong kinh tế thị trường. Tuy nhiên, một số trường hợp, do đóng góp lớn, doanh nghiệp chi phối và can thiệp sâu, dẫn đến việc lạm dụng quảng bá quá mức, nặng về thương mại, cắt xén bớt phần lễ hoặc phần hội, vốn là yếu tố chính, không ít trở thành quảng cáo trá hình núp bóng lễ hội. Sự lệch lạc chính là, tổ chức lễ hội với cái nhìn văn hóa ở góc độ kinh doanh, không chú ý đến việc văn hóa là một giá trị.

Xã hội hóa huy động sức dân từ những nguồn lực sẵn có, tận dụng nó để quay lại phục vụ nhân dân tốt hơn. Nguồn lực ấy không cứ phải là kinh phí, mà có thể là công sức, trí tuệ, sự tham gia tích cực... một cách tự nguyện của nhân dân. Tuy nhiên, cũng có trường hợp việc xã hội hóa biến thành "giao chỉ tiêu" về kinh phí đóng góp, trở thành áp lực với người dân, cộng đồng tham gia.

Nhiều lễ hội, việc tham gia của người dân vào các khâu, tiến trình lễ hội hạn chế, trong khi đó diễn viên chuyên nghiệp, cùng với các công cụ, thiết bị, không gian, cung cách biểu diễn không phù hợp lại quá nhiều. Điều này tạo khoảng cách xa lạ với cộng đồng, dễ gây phản cảm, nhất là với các lễ hội truyền thống. Tất nhiên, lễ hội cũng phải hướng tới quy mô, chất lượng, bao hàm tính chuyên nghiệp trong đó, nhưng tập trung nhiều ở cách thức, quy trình tổ chức. Trong lễ hội truyền thống, bản thân phần lễ, hội, những diễn xướng dân gian vốn đã kết tinh trong đó hàm lượng văn hóa, nghệ thuật rất cao.

Gắn với các lễ hội không ít thì nhiều bao giờ cũng có các trò chơi truyền thống. Tuy nhiên, việc xã hội hóa cùng với mở rộng không gian lễ hội, số lượng, thành phần tham gia, nếu quản lý không tốt sẽ là môi trường cho các hình thức cờ bạc, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội khác tồn tại. Các trò chơi dân gian như: chọi gà, cờ tướng, thò lò, tôm cua cá... ở nhiều lễ hội bị lợi dụng biến tướng thành cờ bạc, đi liền với đó là tình trạng mất an ninh trật tự. Mê tín dị đoan trong các lễ hội cũng là hiện tượng đáng báo động như việc rút thẻ (có thu tiền) ở các ban thờ, lên đồng... Những biến dạng trên, lợi bất cập hại, đã làm giảm ý nghĩa của các lễ hội, vốn là hoạt động văn hóa hướng cộng đồng tới những sinh hoạt lành mạnh.

Xây dựng thương hiệu cho lễ hội

Lễ hội cũng phải có thương hiệu, thương hiệu được tạo dựng từ quy mô, ý nghĩa, cách thức tổ chức..., rất quan trọng nữa là việc tự quảng bá hình ảnh của mình. Lễ hội có danh tiếng, sức lan tỏa, ảnh hưởng sẽ thu hút các nhà đầu tư tự nguyện đóng góp kinh phí để có thể được giới thiệu hình ảnh. Nguồn tài chính này sẽ được đầu tư trở lại, giúp lễ hội phát triển hơn. Đó là mối quan hệ bổ trợ khăng khít.

Tổ chức lễ hội là một vấn đề về khoa học quản lý văn hóa, cần phải được nghiên cứu công phu và tiến hành từng bước thận trọng mới có thể tổ chức thành công, làm sống lại các giá trị truyền thống của văn hóa lễ hội. Do đó, xã hội hóa phải bảo đảm những nội dung cốt lõi cấu thành nên lễ hội, trong đó phần hồn của lễ hội là các nghi lễ, thể phách là phần hội có tính chất bề nổi. Các hoạt động khác như dịch vụ, quảng bá thương mại... xoay quanh những yếu tố chính trên. Việc huy động các nguồn lực từ nhân dân cần thực hiện trên tinh thần tự nguyện, tự giác, khoan thư sức dân. Nhân dân tham gia không chỉ bằng đóng góp tiền của, công sức, trực tiếp biểu diễn, mà có thể chỉ là sự chủ động trong vai trò khán giả thưởng thức, hưởng ứng. Lễ hội phải tạo cơ hội cho tất cả người dân thuộc mọi tầng lớp được tham gia.

Việc mở rộng không gian, đối tượng tham gia, tính chủ động trong lễ hội đòi hỏi gắn với sự điều hành, quản lý chung có tính chất điều tiết của các cơ quan chức năng. Qua đó, tạo môi trường lễ hội lành mạnh, lôi cuốn từ các hội thi, trò chơi đua tài, đua sức giàu bản sắc dân tộc.

Xã hội hóa là hướng đi tất yếu trong việc tổ chức lễ hội, qua đó giảm chi phí tổ chức, lôi cuốn tính chủ động nhập cuộc của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Điều này càng có ý nghĩa khi bước sang năm 2010, đất nước ta chào đón những lễ hội lớn, trọng đại trên khắp mọi miền Tổ quốc./.

Theo Lê Tuấn
(TCCS điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất