Trong trường học, hệ thống y tế học đường không thể thiếu. Thế nhưng nhân viên y tế học đường lại chưa được quan tâm đúng mức như tầm quan trọng của nó. Nói đến thành tích của mỗi trường học, người ta thường nghĩ đến vai trò của đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy. Nhưng có một lực lượng góp phần không nhỏ vào thành công cuả nhà trường, đó là đội ngũ nhân viên trường học, trong đó có nhân viên y tế học đường.
Ngoài việc chăm sóc sức khoẻ thường xuyên cho học sinh, y tế học đường còn tư vấn khám chữa bệnh định kỳ cho các em. Trong tình hình diễn biến bệnh dịch hết sức phức tạp như hiện nay, việc phòng bệnh thường xuyên trong hệ thống y tế học đường lại càng quan trọng. Cũng từ việc khám bệnh định kỳ hàng năm mà một số bệnh học đường như cong vẹo cột sống, cận thị, chân tay miệng, sốt xuất huyết… được phát hiện sớm và ngăn ngừa kịp thời.
Những cống hiến thầm lặng:
Dù là người không quyết định trực tiếp đến thành tích học tập của nhà trường nhưng cán bộ y tế là thành viên không thể thiếu trong trường học. Ngoài việc lập kế hoạch hoạt động y tế theo từng “mùa” dịch bệnh, theo dõi diễn biến thực tế của các bệnh có thể bùng phát trong trường học, họ còn là người quản lý hồ sơ y tế của tất cả học sinh trong trường, do đó nắm vững từng trường hợp đặc biệt cần lưu ý. Em nào bị bệnh tim, thấp khớp, dị tật khúc xạ... họ đều thuộc hết và có những tư vấn kịp thời cho thầy cô giáo trong các giờ học chuyên biệt như thể dục, các môn năng khiếu... Cán bộ y tế học đường còn là người trực tiếp phụ trách mảng y tế trong nhà trường bao gồm khám chữa bệnh ban đầu cho học sinh; phát hiện và phòng trị những bệnh học đường của học sinh như cận thị, cong vẹo cột sống; tư vấn điều trị một số bệnh lý khác của trẻ em. Khi triển khai chương trình ánh sáng học đường, không thể thiếu được những đóng góp trực tiếp về chuyên môn của cán bộ y tế trường học.
Với tình hình bệnh dịch phức tạp hiện nay, nhân viên y tế trường học còn chịu trách nhiệm chính trong việc phòng các bệnh ở trường học như sởi, sốt xuất huyết, cúm A, bệnh tay chân miệng... Cán bộ y tế học đường còn là người trực tiếp triển khai vấn đề Bảo hiểm y tế học sinh, đồng thời chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong bếp ăn bán trú của trường. Trong tất cả các cuộc thi đấu thể thao, những chuyến đi tham quan dã ngoại của thầy và trò đều không thể thiếu sự chăm sóc của cán bộ y tế học đường.
Nỗi niềm ai tỏ?
Trước đây, khi chưa có nhân viên y tế trường học, một giáo viên phụ trách công tác Chữ thập đỏ của trường kiêm luôn việc của y tế học đường (nhưng cũng chỉ là mua thuốc cho tủ thuốc...). Từ khi chuẩn hoá đội ngũ, mỗi trường đã có nhân viên y tế hưởng lương ngân sách. Mặc dù làm ở trường học, thu nhập thấp hơn nhiều lần làm ở các cơ sở chuyên môn y tế khác, nhưng họ vẫn chấp nhận vì nhiều lý do.
Vì là lực lượng ít, lại không quyết định trực tiếp đến kết quả giảng dạy học tập của trường nên họ có nhiều thiệt thòi. Khi có các cuộc “bầu bán”, giới thiệu hay kết nạp Đảng họ ít được để ý đến. Do tính chất công việc, họ không có người để cùng trao đổi học hỏi kinh nghiệm nên không được phát huy hết chuyên môn đào tạo. Một số nơi còn bị phân công thêm các công việc khác như đánh máy văn bản, đưa công văn, nộp báo cáo...
So với giáo viên, nhân viên y tế trường học phải làm việc nhiều hơn mà thu nhập lại thấp hơn rất nhiều bởi họ không được hưởng 35% đứng lớp. Giáo viên còn có những ngày nghỉ soạn bài trong tuần, nghỉ hè 2 tháng trong khi đó nhân viên y tế không có ngày nghỉ giữa tuần, không được nghỉ hè, chỉ được nghỉ phép năm (10 ngày). Các cán bộ ở cơ sở y tế còn được tôn vinh nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, còn cán bộ y tế trường học thì hầu như không bao giờ được ai biết đến. Mặt khác, cơ sở vật chất phục vụ cho công việc đều thiếu thốn vì hầu hết các trường học (nhất là vùng nông thôn) đều chưa có phòng y tế riêng.
Rất cần sự sẻ chia
Vai trò quan trọng của cán bộ y tế học đường là không thể phủ nhận, cần động viên kịp thời giúp họ yên tâm làm việc. Để đội ngũ nhân viên y tế học đường làm tốt vai trò của mình, cần quan tâm hơn đến đời sống vật chất tinh thần của họ: có chế độ đãi ngộ, phụ cấp xứng đáng. Nên trang bị quần áo chuyên ngành như nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh khác. Có thể tạo điều kiện cho họ trao đổi chuyên môn bằng cách tổ chức các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt chuyên đề. Mặt khác, cũng cần bố trí sắp xếp để có phòng y tế riêng biệt, có đủ trang thiết bị sơ cứu ban đầu, tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho nhân viên y tế.
Thực tế, trong khi Nhà nước chưa có chính sách cụ thể phụ cấp thêm cho “những người thầy thuốc thầm lặng” này, có nhiều trường đã quan tâm hơn đến đội ngũ nhân viên y tế. Nhà trường đã “mềm hoá” bằng việc cho họ nghỉ 1 ngày trong tuần và 1 tháng hè trong năm học. Nhiều cơ sở giáo dục còn khó khăn nhưng đã cố gắng tạo điều kiện về nơi làm việc cho cán bộ y tế bằng cách ngăn đôi những phòng chức năng khác để giúp cán bộ y tế có phòng làm việc riêng biệt. Ở một số trường học trên địa bàn Hà Nội: ban giám hiệu nhà trường đã nghĩ đến Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 hàng năm: chỉ là 1 bó hoa hoặc 1 lời chúc mừng, người cán bộ y tế sẽ cảm thấy yêu công việc, thiết tha gắn bó với trường học hơn.
Từ khi chỉ thị số 23 của thủ tướng chính phủ về việc tăng cường công tác y tế trong các trường học được ban hành đến nay, công tác y tế học đường trong các nhà trường đều có những chuyển biến đáng ghi nhận. Tuy vậy, cán bộ y tế trường học cũng cần tự khẳng định mình bằng việc tự trau dồi chuyên môn, phát huy vai trò tư vấn cho lãnh đạo nhà trường về phòng chống một số bệnh học đường theo kế hoạch của ngành y tế. Trước mỗi dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong trường học, chủ động tham mưu với lãnh đạo để tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề. Cần tự tin tuyên truyền trước số đông học sinh về một số bệnh hay mắc trong trường học: nguyên nhân, hậu quả để lại của bệnh và hướng dẫn các em cách phòng chống… Làm sao để lãnh đạo nhà trường và phụ huynh học sinh thấy được vai trò không thể thiếu của y tế học đường.
Nói đến thành tích đạt được trong trường học, người ta thường nghĩ đến đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy truyền thụ những tri thức đến với học trò, nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của nhân viên y tế học đường. Để những thầy thuốc thầm lặng này phát huy được vai trò của mình trong trường học, ngoài sự phấn đấu nỗ lực của bản thân họ, cũng rất cần sự sẻ chia đồng cảm và chung tay góp sức của toàn xã hội, của các bậc cha mẹ học sinh và của mỗi chúng ta.
Nguyễn Thị Diệp
(Hiệu trưởng THCS Di Trạch – Hoài Đức- Hà Nội)