Thứ Hai, 25/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Hai, 6/8/2012 11:23'(GMT+7)

Nói và làm được dân mới tin

Đường lên xã Ia Dom, huyện Đức Cơ

Đường lên xã Ia Dom, huyện Đức Cơ


Có sự chuyển biến thật sự tích cực ấy, khi hỏi chuyện, mọi người đều khẳng định, do có công sức của nhiều cán bộ nhiệt tình, trong đó có anh Nguyễn Hữu Thân.

…Cách đây hơn 5 năm về trước, Nguyễn Hữu Thân khi ấy là Chánh văn phòng Huyện ủy Đức Cơ được điều động về xã Ia Dom công tác, giữ chức Bí thư Đảng ủy xã. Vốn dĩ Ia Dom là một xã biên giới lúc đó còn nghèo vào bậc nhất của huyện Đức Cơ, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, thiếu đói thường xuyên, tình hình an ninh chính trị-trật tự xã hội diễn biến phức tạp, có lúc đã trở thành điểm nóng. Cán bộ xã đã có những sai phạm về tài chính, quản lý đất đai, nhiều người bị xử lý kỷ luật. Do vậy, năm 2006, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, Đảng bộ xã Ia Dom bị xếp loại yếu kém…

 Trong bối cảnh ấy, Nguyễn Hữu Thân đã phải trằn trọc nhiều đêm với vai trò và trách nhiệm là Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom.

“Tư tưởng không thông thì vác cái bình đông cũng không nổi”-câu nói đơn giản nhưng rất thực tiễn ấy trong thời kỳ chiến tranh lại được Nguyễn Hữu Thân vận dụng vào hoàn cảnh của Ia Dom. Việc làm trước nhất, Bí thư Đảng bộ Ia Dom-Nguyễn Hữu Thân lựa chọn, đấy là đề xuất với Ban Chấp hành Đảng bộ xã tổ chức quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung, ý nghĩa của cuộc vận động trong toàn Đảng bộ về Chỉ thị số 06-CTTW ngày 7-11-2006 của Bộ Chính trị về triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Hàng năm, Đảng bộ Ia Dom luôn duy trì đều đặn các lớp học tập theo các chuyên đề cho nhiều đối tượng. Chẳng hạn, năm 2007 tổ chức 3 lớp dành cho đảng viên, giáo viên, dân quân với tổng số 186 người tham dự. Năm 2008 tổ chức 2 lớp học với chuyên đề “thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” và “sửa đổi lề lối làm việc” cho 105 đảng viên và giáo viên. Sau đó còn tổ chức nhiều lớp chỉnh đốn khác cho cán bộ, đảng viên. Ngoài ra Bí thư Nguyễn Hữu Thân còn phân công cho các Đảng ủy viên, các đoàn thể, cán bộ tuyên giáo xã tổ chức 85 đợt quán triệt cho 3.600 lượt cán bộ thôn, làng và nhân dân thông qua các buổi họp thôn, làng về tấm gương đạo đức của Bác Hồ.

Hầu hết các cán bộ, đảng viên đều viết bài thu hoạch và viết bản đăng ký “học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Thông qua cuộc vận động này đã thực sự tạo được sự chuyển biến tích cực trong toàn Đảng bộ Ia Dom, khơi dậy tinh thần làm việc sáng tạo, trách nhiệm và chuyển biến nhận thức, lối sống ở mỗi cán bộ, đảng viên được nhân dân tin tưởng, tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng đảng, chính quyền.

Cũng vì thế mà số lượng, chất lượng chi bộ đảng, đảng viên có chuyển biến qua các năm. Đến nay toàn xã Ia Dom đã có 12 chi bộ đảng, tăng 200%, với 113 đảng viên, tăng 198% so với năm 2002… Và Ia Dom cũng từ một đảng bộ yếu kém vươn lên trở thành Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Thay đổi được nhận thức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân là rất quan trọng nhưng chưa đủ-Bí thư Đảng ủy Ia Dom Nguyễn Hữu Thân đã nghĩ như vậy và tìm cách nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Ia Dom là xã biên giới có nhiều khó khăn nhưng cũng có những thuận lợi nhất định. Toàn xã có 1.321 hộ, 6.227 khẩu (đồng bào dân tộc thiểu số là 506 hộ, 2.762 khẩu) được quy hoạch thành 8 thôn, làng, có tổng diện tích đất là 14.562,8 ha nhưng trong đó có tới 9.558,4 ha đất lâm nghiệp, 3.707,9 ha đất nông nghiệp.

Nơi đây phù hợp cho việc trồng, phát triển cây công nghiệp dài ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là cao su, cà phê, tiêu. Cây mì và lúa rẫy chỉ là cây lương thực có vai trò lấy ngắn nuôi dài. Cây cao su (349 ha), cà phê (323 ha), hồ tiêu (79 ha) đang chiếm ưu thế trong cơ cấu cây trồng của địa phương. Tuy cây điều hiện nay cũng có diện tích khá lớn (406 ha) nhưng hiệu quả kinh tế mang lại qua các năm không cao vì thế, khả năng trong các năm tới sẽ dần được thay thế bởi các loại cây khác như: Cao su, cà phê, tiêu. Rất nhiều gia đình từ nghèo đói nay đã vươn lên làm giàu, có của ăn của để ngay trên mảnh đất của mình như, gia đình Rơ Chăm Dik, làng Mook Đen đã gửi tiết kiệm tại ngân hàng 500 triệu đồng và nuôi con ăn học, trưởng thành.

Nhiều gia đình trồng tới 3-4 ha cao su, cà phê, nếu nhẩm tính một vài năm nữa khi được thu hoạch, mỗi năm họ sẽ thu về 400-500 triệu đồng. Mức thu nhập này, trước đây người dân Ia Dom có nằm mơ cũng không thấy.

Ia Dom trước đây không có chợ trung tâm mà chỉ là những quầy hàng tự phát. Đến nay, chợ Ia Dom đã được chọn với vị trí trung tâm, xây dựng trên diện tích 3.000 m2, với 50 gian hàng tổng kinh phí là 750 triệu đồng từ nguồn tiền do xã viên hợp tác xã đóng góp mà không cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước. Về làm đường giao thông nông thôn, với phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Ia Dom đã xây dựng được 1,6 km đường liên thôn trải nhựa với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng, trong đó phần nhân dân đóng góp là 30%.

Trở lại câu chuyện với Nguyễn Hữu Thân, tôi hỏi anh kinh nghiệm rút ra ở đây là gì mà chỉ trong 5 năm (2007-2012) đã làm chuyển biến tình hình một cách căn bản, đưa một xã từ nghèo đói, trật tự xã hội mất ổn định để trở thành như Ia Dom hôm nay? Anh trả lời một cách mộc mạc, giản dị: Việc gì muốn làm là phải tìm cách làm bằng được; từ từ làm từng việc một nhưng làm đến nơi đến chốn, dân mới tin. Thuận lợi có được, đấy là tích lũy vốn sống trong thời kỳ làm công tác đoàn, gần dân và hiểu dân, biết nói tiếng đồng bào dân tộc bản địa nên dễ nhận được sự chia sẻ, đồng cảm từ họ.

Câu nói đơn giản vậy thôi nhưng đã chất chứa nhiều điều về phẩm chất của một người cán bộ như Nguyễn Hữu Thân. Thực ra, anh cũng hiểu rất rõ và vận dụng cụ thể câu nói rất gần gũi của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Theo Báo Gia Lai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất