Năm 2006, sau khi tốt nghiệp đại học, Lê Văn Vi về nhận công tác tại vườn quốc gia Hoàng Liên, Sa Pa, với nhiệm vụ chuyển giao công nghệ vi sinh học bằng phương pháp nuôi cấy mô các loài hoa lan. Trong quá trình làm việc, anh nhận thấy khí hậu Sa Pa quê mình cũng có thể phát triển trồng lan thành nghề kiếm sống như Đà Lạt. Tham vọng của chàng kĩ sư trẻ là sẽ tạo ra nguồn giống lan giá rẻ, cung cấp cho người trồng hoa, bán cho khách du lịch để vừa giảm áp lực khai thác lan rừng, vừa biến Sa Pa trở thành một vùng hoa nổi tiếng phía Bắc, hạn chế các giống hoa nhập ngoại và tạo việc làm cho lao động địa phương. Để có thời gian theo đuổi thực hiện ước mơ của mình, Lê Văn Vi đã lặng lẽ, âm thầm nghiên cứu, nhân rộng giống lan. Sau hơn 1 năm, kỹ sư Lê Văn Vi đã gieo ươm thành công 3 vạn chậu lan giống bằng phương pháp cấy mô. Thành công từ vườn lan, năm 2007, anh được mời dự Hội thảo khoa học về Công nghệ sinh học ở Đà Lạt. Năm 2008, chàng kĩ sư trẻ lại được Trung ương Đoàn TNCS HCM trao Giải thưởng Lương Định Của dành cho Nhà nông trẻ xuất sắc.
Thành công nào cũng có giá phải trả. Những bạn bè của Vi thường nhắc lại với vẻ khâm phục nghị lực của người kỹ sư trẻ khi anh phải chứng kiến 3 vạn chậu lan đang vào thời điểm trổ hoa, chuẩn bị cho thu hoạch, bỗng chốc trở thành một khu vườn chết do nhiệt độ Sa Pa năm đó (2008) xuống quá thấp và rét kéo dài, khiến anh mất trắng gần 600 triệu đồng.
Không nản lòng, thất bại là mẹ thành công. Vi nuôi tiếp ước mơ phát triển lan Sa Pa. Quả thật, chỉ hai năm sau, vườn lan của Lê Văn Vi đã lọt vào tốp vườn lan lớn và đẹp nhất Sa Pa. Từ Tết 2010, mỗi năm anh thu được trên 700 triệu đồng từ kinh doanh hoa. Thành công, nhưng Vi không thỏa mãn, anh luôn tìm tòi áp dụng khoa học công nghệ để có hoa đảm bảo chất lượng, bởi anh nghĩ: Người chơi hoa bây giờ sành lắm, mình không đầu tư công nghệ nâng cao thì chất lượng hoa sẽ bị thua kém, đồng nghĩa với không giành được khách. Vì vậy, anh luôn mày mò đổi mới kỹ thuật nhân giống và chăm sóc; đổi mới cách giao dịch để chiếm lĩnh thị phần, giành nhiều khách hàng trên thị trường hoa cao cấp, dần tiến tới xây dựng thương hiệu cho hoa Sa Pa.
Theo anh Vũ Văn Hòa, Bí thư Huyện Đoàn Sa Pa, vườn hoa của kĩ sư trẻ Lê Văn Vi ngoài giá trị kinh doanh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương và là nơi ghé thăm, học hỏi kĩ thuật trồng, chăm sóc hoa của người dân Sa Pa. Chàng kĩ sư nông nghiệp trẻ luôn tận tình phổ biến kĩ thuật, giúp nhân dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, bản vùng cao Sa Pa phát triển nghề trồng hoa để nâng cao thu nhập./.
Văn Toán (TTXVN)