Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 2/3/2010 20:33'(GMT+7)

Tiếp nối nguồn mạch văn hóa cha ông

Nhiều thanh niên nam nữ đã tự tin góp mặt trong những dịp hội hè của cộng đồng như một sự tiếp nối tiềm tàng và đáng trân trọng.

Nhiều thanh niên nam nữ đã tự tin góp mặt trong những dịp hội hè của cộng đồng như một sự tiếp nối tiềm tàng và đáng trân trọng.

Lay động cội nguồn

Những anh chị làm công tác văn hóa lâu năm ở huyện Cư M'Gar (Ðăk Lăk) kể: Người dân ở buôn Rai (xã Ea Tal) chẳng bao giờ quên "chuyện nhà" ông E Mướt xảy ra hồi cuối tháng 7 vừa rồi. Chuyện rằng: Già E Mướt tuổi đã hơn tám mươi mùa rẫy. Ông nằm liệt giường cả tháng trời, cơm cháo gì nuốt cũng không trôi, thế mà vẫn không chịu nhắm mắt để về với "thế giới ông bà". Ðã ba ngày trôi qua vẫn thế, anh Y Tiếp, con trai ông bắc thang trèo lên dầm nhà xem thử thì mới phát hiện một bộ chiêng cổ (7 cái) được bọc trong những chiếc bao tải cất cẩn thận. Y Tiếp đem xuống và mở ra từng chiếc chiêng đã lên mầu đen trũi. Ðôi mắt người sắp chết nhìn theo như ngấn lệ. Biết đây là điều mong mỏi cuối cùng của ông già trước khi từ giã cõi đời này, mọi người không ai nói với ai lời nào, họ chỉnh tề ngồi vào vị trí của dàn chiêng và bắt đầu diễn tấu. Những âm thanh thiêng liêng ngân lên lúc trầm, lúc bổng trong không gian tưởng chừng như đông đặc lại và vô cùng huyền hoặc. Lúc đó, đôi mắt già Y Mướt mới từ từ khép lại và "yên ngủ" như thể không còn điều gì vướng bận nữa...

Chị H'Hoa (cán bộ Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Cư M'Gar, Ðăk Lăk) bảo, sau câu chuyện cảm động này, mọi người tìm hiểu ra mới biết cách đây cả chục năm, khi cồng chiêng bị người ta bán đi do đời sống kinh tế khó khăn, lễ hội thưa vắng dần nên không có môi trường để diễn xướng, vì thế cụ E Mướt âm thầm cất giữ bộ chiêng quý truyền đời của mình mà không ai hay biết. Ðến khi bí mật trên được phát hiện mọi người mới hiểu ra một điều: di sản của cha ông cũng có lúc thăng trầm, dâu bể... song, không vì một lý do thường nhật nào đó mà dễ dàng mất đi. Nó được những người như già E Mướt bảo tồn và gìn giữ cho đến hơi thở cuối cùng, dù bất kỳ dưới hình thức nào. Câu chuyện đầy xúc động của gia đình già E Mướt được những người làm công tác văn hóa ở đây lấy làm gương cho lớp trẻ trong việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức bảo tồn và gìn giữ vốn văn hóa cha ông. Và thật không ngờ nó có sức lay động đến thế, hầu hết thanh niên nam nữ ở các buôn làng đều hiểu ra ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong câu chuyện, nên tự nguyện tham gia nhiều lớp dạy đánh chiêng được tổ chức thường xuyên trên địa bàn. Ðến nay, Cư M'Gar là một trong những huyện dẫn đầu về phong trào bảo tồn, gìn giữ và phát huy vốn văn hóa truyền thống của tỉnh. Hầu hết các buôn, làng đều thành lập được những đội chiêng trẻ để cùng với thế hệ cha anh họ, tự tin góp mặt trong những dịp hội hè của cộng đồng dân tộc tổ chức như một sự tiếp nối tiềm tàng và đáng trân trọng.

Ðánh thức ký ức

H'Hoa tâm sự, đời sống kinh tế của bà con đã khá hơn trước rất nhiều. Vì thế qua nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng, số thành viên trong từng cộng đồng cũng tham gia ngày càng nhiều, càng thân thiết với nhau hơn. Bên cạnh cồng chiêng cùng nhiều nhạc cụ khác được mọi người chăm chút, hồi sinh... thì những làn điệu dân ca, dân vũ - vốn đã trở thành ký ức của người già cũng đang được thế hệ trẻ có tâm huyết sưu tầm, biên soạn và phổ biến trở lại.

Chẳng hạn như điệu múa cổ T'Lang Grư (chim Grư bay lên), Khớt H'gơr (hát múa trong nghi lễ bọc trống)... đã được H'Hoa và các chị H'Duôn, H'Nhé, H'Yang ở xã Ea Tul lĩnh hội từ những người già, hoặc lục tìm trong ký ức thời thơ bé để truyền dạy lại cho nhiều thiếu nữ ở các buôn làng. Chính những thiếu nữ này là "hạt nhân" ươm mầm và nhân rộng ra cho bạn bè cùng trang lứa. Cô bé H'Lina không giấu được niềm vui khi được các cô, bà mình truyền dạy cho những điệu múa tưởng chừng đã thất truyền trên. Cô bé thành thật nói: "Vòng xoang bình thường trong các dịp lễ hội thì ai cũng biết và múa được. Nhưng điệu múa cổ như T'Lang Grư, hay Khớt H'gơr... thì gần đây em mới biết nhờ theo học những lớp dân ca, dân vũ do chị H'Hoa dạy cho".

Trong hành trình khơi dậy ý thức cội nguồn dân tộc trong lòng của mỗi người là nguồn lực nội sinh dồi dào giúp cho cộng đồng, xã hội phát triển sự nhìn nhận và tiếp sức của thế hệ trẻ là bước nhảy có ý nghĩa sống còn. Họ không chỉ học được từ những bài học của cha ông mình, mà họ còn tích lũy, kế thừa bằng cả niềm đam mê và vốn hiểu biết sâu sắc, cặn kẽ về dòng chảy liền mạch của đời sống văn hóa mỗi cộng đồng từ ngàn xưa đến hôm nay./.

(Theo: Nguyễn Đình/ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất