- Thưa Bộ trưởng, năm 2009, một năm chứa đựng nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng chúng ta vừa đi qua với biết bao nỗ lực và đạt được những kết quả hiếm có. Với sự năng động của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong giới thiệu, quảng bá đến bạn bè quốc tế hình ảnh và thương hiệu Việt Nam trong thế vượt khó đi lên, biết dùng bản sắc văn hóa để giữ ổn định và phát triển. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những kinh nghiệm thành công và những giải pháp của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong việc góp phần vào những thành tựu chung của đất nước?
+ Năm 2009, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện kế hoạch công tác và các chỉ tiêu phát triển Ngành trong điều kiện khó khăn; suy thoái kinh tế thế giới kéo dài; sản xuất kinh doanh, đầu tư tiếp tục bị thu hẹp; chính sách tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu tiếp tục được duy trì ở các nước; sức mua của người dân các nước trong khu vực và thế giới đều suy giảm. Trong nước, do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là cơn bão số 9 và số 11 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, hệ thống thiết chế văn hóa của ngành tại một số địa phương xảy ra bão lũ bị ảnh hưởng nặng nề v.v… Trong bối cảnh đó, với phương châm hành động "Công trình, tác phẩm, sản phẩm, thành tích hướng đến 1000 năm Thăng Long - Hà Nội", ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch cả nước đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Về những kinh nghiệm thành công và những giải pháp của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, có thể khái quát ở một số vấn đề sau:
Quảng bá, giới thiệu hình ảnh một đất nước Việt Nam tươi đẹp, với những con người thân thiện, cởi mở, với một truyền thống văn hóa - lịch sử luôn được coi trọng trong các hoạt động của ngành. Nhiều hoạt động văn hóa đối ngoại được tổ chức nhằm hưởng ứng "Năm Ngoại giao văn hóa" như: Tuần Việt Nam tại Nam Phi, Lào, Venezuela, Brazil, Vương Quốc Anh, Tuần Hàn Quốc tại Việt Nam, Trung Quốc, Italia, Tây Ban Nha, Slovakia, Thụy Điển, tham gia "Meet Việt Nam" tại San Francisco (Mỹ); dàn nhạc Dân tộc Việt Nam biểu diễn tại Lào v.v...
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh văn hóa truyền thống và xây dựng các lễ hội mới cũng được tổ chức sôi nổi trên mọi miền đất nước chính là hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Ngành đã xác định vấn đề cốt lõi trong xây dựng và phát triển một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay là xây dựng nhân cách văn hóa Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Từ nghiên cứu đến quản lý nhà nước, đều quán triệt như vậy. Công tác xây dựng gia đình văn hóa, làng, ấp văn hóa v.v… chính là sự thực hiện trong thực tiễn tư tưởng này. Thực hiện "Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020" với những trọng tâm, trọng điểm và lộ trình thực hiện rõ ràng.
- Thưa Bộ trưởng, mùa xuân Canh Dần sẽ mở đầu một năm mới đặc biệt ý nghĩa, bởi vì năm 2010 này cả nước sẽ long trọng kỷ niệm 1000 năm triều Lý định đô Thăng Long và kinh đô ấy đã trường tồn, đã trở thành "Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm", đã phát triển thành Thủ đô Hà Nội yêu dấu hôm nay. Với ý nghĩa ấy, xin Bộ trưởng cho biết Nhà nước và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo như thế nào để cho ngày Đại lễ thiêng liêng sẽ không chỉ thu hút sự quan tâm của con Lạc cháu Hồng ở trong nước và định cư ở khắp 5 châu, mà còn ghi đậm dấu ấn và sự mến mộ trong lòng bạn bè quốc tế.
+ Kinh đô Thăng Long xưa - Thủ đô Hà Nội ngày nay là mảnh đất địa linh nhân kiệt, với bề dày hàng nghìn năm lịch sử, là nơi tinh hoa của dân tộc hội tụ, lan toả trên mọi miền đất nước, phát triển thành biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam. Chính vì vậy, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một sự kiện trọng đại trong lịch sử của dân tộc.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với TP Hà Nội xây dựng kế hoạch tổng thể kỷ niệm 1000 năm Thăng Long của cả nước (trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 10/6/2009). Bộ đã tập trung chỉ đạo, phân công các Tổng cục, Cục, Vụ và đơn vị phối hợp với các bộ, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết, chương trình phối hợp, dự toán kinh phí để triển khai nhiệm vụ được giao.
Lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã làm việc với các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Bình Dương đề nghị hoàn thiện kế hoạch, chương trình, kịch bản để tổ chức các hoạt động đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá trên các kênh truyền thông trong và ngoài nước...
- Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có nhiều đóng góp trong quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam và Thủ đô Hà Nội xinh đẹp, mến khách, đồng thời góp phần ngày càng hiệu quả phát triển kinh tế đất nước qua ngành "công nghiệp không khói". Trước những thời cơ và thách thức, cạnh tranh mới trong khu vực, chúng ta làm thế nào, chọn giá trị nào của bản sắc văn hóa Việt Nam để hội nhập toàn cầu?
+ Bản sắc văn hóa dân tộc là nền tảng để làm nên nét riêng của cộng đồng dân tộc này so với cộng đồng dân tộc khác. Nó có tính ổn định vì phải trải qua quá trình đúc kết, tích lũy và sàng lọc lâu dài. Trong khi đó, toàn cầu hóa đang một mặt sản sinh ra các giá trị hiện đại, tạo điều kiện cho sự phát triển của mỗi nền văn hóa; mặt khác nó tạo ra những thách thức lớn đối với bản sắc văn hoá dân tộc trong sự đấu tranh vì sự phát triển và tiến bộ.
Trong quá trình phát triển, văn hóa Việt Nam phải hội nhập để tiếp thu tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác, làm giàu cho văn hóa dân tộc mình. Không một nền văn hóa nào có thể phát triển nếu không có sự giao lưu. Bởi vì sự sáng tạo của một cộng đồng là giới hạn nhưng sự sáng tạo của các cộng đồng trên thế giới là vô hạn. Chúng ta không thể "đóng cửa" để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Niềm tin vào con người, vào sức mạnh Việt Nam và sự lãnh đạo có định hướng của Đảng và Nhà nước sẽ là điều cốt lõi nhất để giữ cho văn hóa Việt Nam "hòa nhập chứ không hòa tan".
- Năm 2010, Hà Nội là địa phương đăng cai "Năm du lịch quốc gia 2010", ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam sẽ làm gì để cùng Thủ đô mời gọi, thu hút du khách trong nước cũng như quốc tế đến với Hà Nội - thành phố vì hòa bình và cũng là Thủ đô có nghìn năm văn hiến?
+ Năm 2010, Việt Nam tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và cũng là "Năm Du lịch quốc gia 2010" tổ chức tại Hà Nội, vì thế việc giới thiệu tiềm năng cũng như quảng bá du lịch Việt Nam đã có kế hoạch và được thực hiện từ năm 2009. Một số hoạt động của "Năm Du lịch quốc gia 2010" sẽ được lồng ghép với các chương trình Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội như: Lễ hội Phố hoa; Triển lãm "Nghề gốm Bát Tràng - cổ truyền và hiện đại"; Liên hoan thả diều 3 miền; Tuần lễ hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội; Triển lãm VietHotel; Tổ chức tour du lịch quốc tế leo núi cắm cờ "Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi" trên đỉnh Fanxipăng (Lào Cai)...
Bên cạnh đó, ngành Du lịch đề nghị TP Hà Nội phối hợp với 10 địa phương trên cả nước gồm: Lâm Đồng, Phú Thọ, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bình Định và TP HCM tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Năm Du lịch quốc gia” 2010 và Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội như: Festival hoa Đà Lạt 2010; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; Festival văn hóa - du lịch Bắc Ninh; Lễ hội Đức Thánh Trần; Lễ hội Cố đô Hoa Lư; Lễ hội Lam Kinh; Lễ hội Làng Sen; Festival Huế 2010; Lễ hội "Tự hào Thăng Long - Hà Nội 1000 năm".
Bộ cũng đã phối hợp với thành phố Hà Nội tăng cường công tác chỉ đạo, tập trung bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng, các điểm du lịch trên địa bàn thành phố; xử lý dứt điểm các hành vi xâm lấn, bán hàng rong, xả rác làm mất vệ sinh môi trường tại các di tích, danh thắng, điểm du lịch; tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức của toàn thể cộng đồng, phát huy vai trò giám sát của nhân dân, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời lên án các hành vi vi phạm; tuyên truyền mạnh mẽ việc đề nghị UNESCO công nhận Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới; đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh"; triển khai chương trình mục tiêu "Xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa..." v.v...
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
(Theo: Trần Thu Hằng/VNCA Tết Canh Dần 2010)