Chủ Nhật, 13/10/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 5/8/2011 19:42'(GMT+7)

Nước cờ mạo hiểm

Tổng thống Pa-ki-xtan A. A. Da-đa-ri (bên trái) và Tổng thống I-ran M. A-ma-đi-nê-giát (bên phải) trong cuộc gặp ngày 16-7-2011 tại Tê-hê-ran. (Ảnh: Roi-tơ).

Tổng thống Pa-ki-xtan A. A. Da-đa-ri (bên trái) và Tổng thống I-ran M. A-ma-đi-nê-giát (bên phải) trong cuộc gặp ngày 16-7-2011 tại Tê-hê-ran. (Ảnh: Roi-tơ).

Việc cắt giảm viện trợ là một trong những biện pháp nhằm đáp lại một quyết định của I-xla-ma-bát trục xuất các huấn luyện viên quân sự Mỹ và định ra các hạn chế về thị thực đối với nhân viên Mỹ. Ngoại trưởng H. Clin-tơn cảnh báo, đây không phải là một sự thay đổi chính sách đối với Pa-ki-xtan, nhưng mối quan hệ đối tác Mỹ - Pa-ki-xtan sẽ tùy thuộc vào sự hợp tác từ chính quyền I-xla-ma-bát.

Các nhà quan sát cho rằng, quyết định ngừng viện trợ của Mỹ cho Pa-ki-xtan vào thời điểm này xem ra nhằm nhiều mục đích khác nhau. Mùa bầu cử 2012 đang tới gần, chính quyền Ô-ba-ma cần phải đáp ứng mong muốn của một số cử tri Mỹ, những người yêu cầu Mỹ phải cứng rắn hơn với đồng minh Pa-ki-xtan, đất nước đã có dư luận lên án rằng thời gian qua chính tình báo và quân đội Pa-ki-xtan đã bao che, dung dưỡng cho Bin La-đen. Về lâu dài, nó là một trong những bước đi nhằm xác định lại ưu tiên của Mỹ, triệt thoái các đơn vị tác chiến, duy trì một sự hiện diện quân sự vừa đủ trong hai khu vực Trung Ðông và Trung Á, ưu tiên chuyển hướng chiến lược sang Đông Á.

Để thực hiện được tham vọng này thì tình hình tại Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan và I-rắc phải ổn định. Thế nên việc Mỹ ngưng viện trợ cho quân đội Pa-ki-xtan là nhằm gây áp lực buộc chính quyền I-xla-ma-bát phải đẩy mạnh và hợp tác nhiều hơn với Mỹ trong các chiến dịch chống lại các phần tử chủ chiến Al-Qaeda và Ta-li-ban tại biên giới Áp-ga-ni-xtan - Pa-ki-xtan và chấm dứt mọi hoạt động dung dưỡng những phần tử gây mất ổn định tại Áp-ga-ni-xtan. Mỹ cũng tin rằng, việc cắt viện trợ sẽ bòn rút sức mạnh của quân đội Pa-ki-xtan, giúp chính phủ nước này trở nên “dân sự” hơn.

Nhưng dường như Mỹ đang đi một nước cờ quá mạo hiểm trong xử lý mối quan hệ với Pa-ki-xtan. Đây có thể coi là một "lá bài nhiều rủi ro", khó có khả năng Pa-ki-xtan sẽ hợp tác với Mỹ nhiều hơn. Việc ngưng viện trợ của Mỹ thậm chí còn gây khó khăn hơn cho Pa-ki-xtan khi triển khai chống lại các phần tử chủ chiến dọc theo biên giới. Thiếu tiền cũng sẽ tạo áp lực lớn và thực sự gây khó khăn cho quân đội Pa-ki-xtan, họ không thể bổ sung vũ khí, quân nhu… cho các chiến dịch. Về lâu về dài, việc cắt giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh, sự ổn định chính trị của Pa-ki-xtan. Và như vậy, thay vì muốn Pa-ki-xtan mạnh tay hơn với khủng bố thì với hành động ngưng viện trợ, không chừng lại càng làm cho Ta-li-ban và Al-Qaeda phát triển mạnh thêm.

Đặc biệt, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần, Tổng thống Pa-ki-xtan A-xíp A-li Da-đa-ri (Asif Ali Zardari) đã hai lần đến thăm Tê-hê-ran. Về mặt an ninh, Tổng thống Da-đa-ri đã đề xuất tạo ra một chế độ quản lý biên giới tích hợp và cơ chế ba bên liên quan đến Pa-ki-xtan, I-ran và Áp-ga-ni-xtan nhằm chống lại hoạt động buôn lậu ma túy. Về mặt kinh tế, ông Da-đa-ri đề nghị ký kết một thỏa thuận thương mại tự do giữa Pa-ki-xtan và I-ran, một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ cho phép họ sử dụng tiền tệ quốc gia cho các giao dịch thương mại song phương. Hai bên cũng quan tâm thúc đẩy đường ống dẫn khí I-ran-Pa-ki-xtan, dự kiến đầu năm 2012 sẽ khởi công dự án này.

Đối với I-ran, Pa-ki-xtan hiện trở thành một “giải thưởng” vì Pa-ki-xtan là một quốc gia Hồi giáo Xăn-ni (Sunni) lớn, một đồng minh truyền thống của A-rập Xê-út. Hợp tác an ninh chặt chẽ hơn với Pa-ki-xtan sẽ rất hữu ích để I-ran tăng cường ảnh hưởng ở Nam Á. Ngược lại, đối với Pa-ki-xtan, dưới áp lực gia tăng từ Mỹ, I-ran đã trở thành một "đồng minh tự nhiên" của Pa-ki-xtan. Trong điều kiện cụ thể, Pa-ki-xtan có thể chia sẻ thông tin tình báo với I-ran, Pa-ki-xtan có thể theo dõi và trấn áp các hoạt động bí mật của Mỹ trên đất Pa-ki-xtan. Và như vậy, với sự ấm dần lên trong mối quan hệ I-ran - Pa-ki-xtan, người Mỹ lại tiếp tục có lý do để bất an./.

(Theo: An Bình/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất