Chủ Nhật, 13/10/2024
Thế giới
Thứ Năm, 4/8/2011 11:3'(GMT+7)

Chỉ là "liều thuốc giảm đau"

Tổng thống Ô-ba-ma.

Tổng thống Ô-ba-ma.

Không nói ra ai cũng có thể hiểu được, nếu không có thỏa thuận này, nước Mỹ sẽ đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Hậu quả của siêu cường số một thế giới vỡ nợ (dù chỉ mang tính kỹ thuật) sẽ là khôn lường. Toàn bộ hệ thống tài chính của Mỹ vốn chưa phục hồi sau khủng hoảng có thể bị tổn thương nặng. Hệ lụy của nó sẽ lan sang cả lĩnh vực chính trị và đối ngoại, làm suy giảm uy tín, vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế.

Từ thập kỷ 30 của thế kỷ trước đến nay, mức độ giới hạn vay nợ công của nhà nước đã được nâng 89 lần ở nước Mỹ, nhưng cũng chỉ có một vài lần hai phe không đạt được thỏa hiệp trước thời hạn. Vấn đề đặt ra đối với cả Chính phủ lẫn Quốc hội Mỹ không phải là nâng hay không nâng mức độ giới hạn nợ công, mà chỉ là nâng bao nhiêu và điều kiện đi kèm là gì. Và lần này cũng không ngoại lệ.

Một trong những điểm mấu chốt để hai đảng đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công là dù cắt giảm chi tiêu của chính phủ, song sẽ không tăng thuế đối với người giàu hay các doanh nghiệp giàu có. Trước đó, để giảm nợ công, Tổng thống Ô-ba-ma dự định tăng thuế đối với người có thu nhập cao. Nếu được thực hiện, nó sẽ là một cú giáng chí mạng vào các "Mạnh Thường Quân" giàu có của Đảng Cộng hòa - lực lượng cử tri truyền thống luôn đứng phía sau ủng hộ các chiến dịch tranh cử của các nghị sĩ Cộng hòa, từ đó có thể hưởng phần nào lợi ích từ chính sách mà đảng này đề xuất. Vì lẽ đó, đảng này - đang nắm đa số trong Hạ viện - phản đối đề xuất của Tổng thống Ô-ba-ma.Trong khi đó, đồng ý cắt giảm chi tiêu nhưng ông Ô-ba-ma lại muốn giữ các chương trình xã hội cho người nghèo, người cao tuổi và một chương trình hưu trí công đúng như lời hứa khi tranh cử. Để đạt được thỏa thuận với Đảng Cộng hòa, ông Ô-ba-ma buộc phải gật đầu với việc không tăng thuế đối với tầng lớp có thu nhập cao. Đổi lại, ông giữ nguyên chính sách phúc lợi xã hội với người nghèo.

Lịch sử chính trường Mỹ cho thấy, vấn đề kinh tế luôn là con bài chính trị để hai đảng lớn nhất nước Mỹ, đồng thời là đối thủ truyền thống trong các kỳ bầu cử, mang ra “hạ bệ" lẫn nhau. Nên nhớ rằng, sang năm, nước Mỹ lại tiến hành bầu cử tổng thống. Và như thế, khi nhìn kỹ cuộc "so găng” này, không khó để nhận thấy những điều kiện mà hai bên đưa ra chỉ là cái cớ để mặc cả lẫn nhau, công kích lẫn nhau tạo vốn chính trị, tranh thủ sự ủng hộ của cử tri Mỹ trước thềm bầu cử. Thực tế cho thấy, khi hai đảng bắt tay được với nhau thì cũng là lúc vấn đề nợ công, vốn đang hết sức căng thẳng, bỗng trở nên chẳng còn ý nghĩa gì. Nhiều nhà phân tích đã bình luận rằng "các cuộc tranh cãi chẳng dính dáng gì đến trần nợ công hay thâm hụt ngân sách. Các chính trị gia Mỹ không bận tâm mấy đến ngày 2-8 (thời hạn chót phải đạt được thỏa hiệp) mà thực chất, họ đang nỗ lực hết sức cho ngày… 6-11-2012 - ngày bầu cử Tổng thống và Quốc hội Mỹ".

Thị trường toàn cầu như trút được nỗi lo vì Mỹ đã không vỡ nợ. Nhưng dù không sụp đổ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bộc lộ những điểm yếu chết người. Những con số vừa được công bố cho thấy nền kinh tế Mỹ gần như bị đình trệ trong suốt 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng trong quý I và quý II thấp hơn nhiều so với kỳ vọng và dự báo trước đó. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức xấp xỉ 2 con số, còn doanh số bán lẻ (chiếm tỷ trọng tới 70% của nền kinh tế Mỹ) lại gần như bằng 0. Nợ công chạm mức tối đa 14.294 tỷ USD, tương đương gần 100% GDP. Đó là còn chưa kể tới việc một lộ trình cắt giảm ngân sách nhanh và mạnh hơn có thể gây ra một cú sốc đối với nền kinh tế đang gánh chịu nhiều tác động từ việc tăng giá nhiên liệu, nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng cao trong khi doanh số sụt giảm, thị trường nhà đất ảm đạm đồng thời tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng.

Không những thế, Tạp chí National Journal của Mỹ đánh giá, nền kinh tế Mỹ vẫn có nguy cơ bị nhấn chìm bởi những cơn sóng nợ nần, cho dù có hay không các gói tiết kiệm cắt giảm chi tiêu. Thậm chí các biện pháp tiết kiệm trong thỏa thuận sắp tới còn không đủ bù đắp các khoản nợ mới. Nhà Trắng tính toán rằng, khoản chi ngân sách trong giai đoạn 2012-2016 sẽ lên tới 20.100 tỷ USD, trong khi thu ngân sách chỉ đạt 16.700 tỷ USD. Như vậy, thâm hụt ngân sách trong khoảng thời gian nói trên là 3.400 tỷ USD, trong khi thỏa thuận quy định Chính phủ Mỹ tiết kiệm chi tiêu 2.400 tỷ USD trong khoảng thời gian 10 năm. Điều này có nghĩa là ngay cả khi Oa-sinh-tơn tăng gấp đôi tốc độ tiết kiệm, đến giữa thập niên này, nước Mỹ vẫn mắc nợ thêm 1000 tỷ USD. Như vậy, thỏa thuận nâng trần nợ công mà Hạ viện Mỹ vừa thông qua mới chỉ hớt được phần ngọn, trong khi cái gốc rễ sâu xa thì vẫn chưa được dứt bỏ.

Dẫu sao, thỏa thuận sơ bộ về nâng trần nợ công cũng giúp đẩy lui mối lo nước Mỹ vỡ nợ. Nó là một “liều thuốc giảm đau” tạm thời cho nền kinh tế nước này. Nhưng nhìn một cách rộng hơn, việc hai chính đảng Mỹ lạm dụng việc giải quyết “khủng hoảng nợ công” cho cuộc tranh giành quyền lực chính trị, bất kể những tác động tai hại cho chính nước Mỹ và nền kinh tế thế giới, đã khiến cho vai trò và vị trí của siêu cường số 1 thế giới bị tổn hại ít nhiều.

(Thu Trang/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất