Chủ Nhật, 24/11/2024
Thông tin tổng hợp
Chủ Nhật, 22/7/2012 21:40'(GMT+7)

Nước mắt rơi sau nửa thế kỷ

  Đó là bác Trần Thị Kim Thanh và bác ChanThep, hai người phụ nữ giờ đều đã gần cái tuổi thất thập.

Coi nhau như chị em ruột thịt khi tuổi thanh xuân, nhưng vì chuyện công tác, một người trở về Lào, một người ở lại Việt Nam, và từ đó họ mất liên lạc.

Bác Kim Thanh xúc động: “Lúc đầu, tôi nhìn chị ấy còn ngờ ngợ, vì lâu quá rồi. 40 năm rồi đấy, nhưng lúc xuống chỗ cầu thang, hỏi nhỏ chị ấy thì nhận ra đúng là chị mình rồi. Lúc đó chỉ còn biết òa lên ôm chầm lấy nhau thôi! Còn gì vui sướng bằng nữa!”

Giọng nghẹn ngào, bác Thanh bảo: “Chị em chúng tôi kết nghĩa từ năm 1959, từ khi mới có khu tập thể này và chị em kết nghĩa Việt-Lào là một. Nếu là hai chị em cùng người Việt thì khác, nhưng là kết nghĩa Việt-Lào thì mới đặc biệt, không có gì bằng đâu!”.

Ngày gặp mặt của hai chị em ChanThep và Kim Thanh bất ngờ cũng như nhiều câu chuyện bất ngờ trong cuộc gặp mặt giữa 14 công dân Lào từng giúp đỡ quân tình nguyện Việt Nam trong kháng chiến với người dân Khu tập thể Ban công tác miền Tây dành cho các chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, số 79-81 Lý Nam Đế, Hà Nội.

Không chỉ có chị em bác Kim Thanh và bác ChanThep, cuộc gặp gỡ ngày hôm đó cũng chứng kiến sự hội ngộ của rất nhiều người Việt Nam và người Lào, những người từng đồng cam cộng khổ trong kháng chiến, để rồi sau gần nửa thế kỷ, họ lại được gặp nhau, tay trong tay với niềm vui không thể diễn đạt bằng lời.

Hình ảnh thầy giáo người Việt, năm nay đã 82 tuổi nắm tay “cô” học trò cũng đã 70 tuổi người Lào, khiến mọi có mặt tại cuộc gặp mặt hôm đó ngập tràn xúc động.

Từng là bác sĩ đầu tiên ở vùng Hạ Lào năm 1961, Giáo sư, bác sĩ Trần Đức Hòe đã chữa trị cho biết bao thương bệnh binh người Việt cũng thương bệnh binh Lào, giúp đỡ nhân dân Lào và đào tạo cho nước bạn nhiều y, bác sĩ. Đã ở tuổi 82, nhưng khi nhắc đến đất nước Lào, giọng nói của Giáo sư Hòe trở nên hào sảng như thủa ông còn công tác ở mảnh đất thân thiết bên kia dãy Trường Sơn. Ông nói ông “xúc động lắm, vui mừng lắm khi biết trong đoàn đại biểu Lào sang Việt Nam dự liên hoan hữu nghị nhân dân Việt-Lào có đồng chí là học trò cũ của ông. Đó là bà ThongBeng.

“Giờ thì thầy đã già và trò cũng đã già, nhưng mà tôi mừng lắm”, Giáo sư Hòe nhắc đi nhắc lại.

Quá bất ngờ nên không có thời gian chuẩn bị quà cho học trò cũ, Giáo sư Hòe chỉ kịp mang theo một cuốn hồi ký và một ít tiền để làm quà cho bà ThongBeng. Ông nắn nót viết dòng chữ “Thân tặng ThongBeng” lên chiếc phong bì, rồi dặn dò với học trò cũ rằng “cái này để ThongBeng muốn mua gì thì mua, có một ít thôi nhưng mà là tình cảm của tôi”, “ThongBeng về Lào cho tôi gửi lời hỏi thăm tới tất cả học trò cũ”.

Bất ngờ khi gặp lại người thầy cũ, Bà ThongBeng xúc động quá, cứ nắm chặt tay thầy giáo cũ và nói tiếng Việt, dù giọng không rõ “em vẫn nhớ lắm, không quên đâu”. Rồi bà kể tên từng chuyên gia tình nguyện Việt Nam cùng đơn vị với Giáo sư Hòe hồi trước. Quay sang mọi người, bà bảo “ông ấy tốt lắm, giúp cho cả người Lào, thương bệnh binh. Người dân Lào quý lắm.”

Ôn lại kỷ niệm cũ với học trò cũ, Giáo sư Hòe tâm sự, ông có duyên với các bạn Lào, với đất nước Lào lắm. “Người dân Lào tốt vô cùng. Anh em bộ đội ta trên đường vào Nam đi qua đất bạn Lào, đói phải đào củ mài mà ăn, các chuyên gia tại vùng Hạ Lào thì có đợt 2,3 tháng không có miếng thịt nào. Cuộc sống rất khổ nhưng người Việt và người Lào đoàn kết với nhau lắm, bắn được con thú rừng hay bắt được con cá cũng về chia cho nhau. Người dân Lào du canh du cư, họ không có nhiều gạo, chỉ có vài dăm ba đấu cũng sẵn sàng chia cho mình một, hai đấu gạo để ăn”- Ông chia sẻ trong niềm xúc động

“Hồi đó, cái thiếu nhất là muối. Không có muối, người dân tộc ở lưng chừng núi Trường Sơn ấy làm nước đắc-crết, nậm-xịa để chấm. Đó là loại nước chấm nấu từ cây cải già trồng trên nương, trong rừng mà chỉ có người dân tộc ở đấy mới có. Những năm vừa rồi, khi sang Viêng-chăn, tôi hỏi một số bạn Lào nậm-xịa, đắc-crết là gì thì nhiều bạn trẻ Lào còn không biết. Đấy, như thế có thể thấy hai dân tộc gắn bó với nhau vô cùng, như câu nói về tình nghĩa Việt-Lào là hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa là đúng lắm đấy các đồng chí ạ”, bác Hòe tâm đắc nói.

Câu chuyện của bác sĩ Hòe với học trò cũ lại gợi lên kỷ niệm mà bác sĩ Hòe bảo “suốt đời này ông không quên được”.

Lần đó ông đã mổ lấy ra được một viên sỏi to trong bàng quang của một cậu bé Lào 11 tuổi đã bị bệnh nhiều năm mà gia đình chỉ biết tin vào chuyện cúng bái. Em bé được cứu sống, người cha đã biếu cả đơn vị một con lợn. Nhưng mừng nhất là từ đó, không người dân địa phương nào tin vào chuyện mê tín dị đoan.

“Chuyện đó, tôi được các anh Ban cán sự Đảng ở Hạ Lào đánh giá rất lớn. Các anh ấy bảo vận động cách mạng không thôi cũng không bằng các đồng chí đã làm việc cụ thể cho dân”, bác Hòe kể, niềm vui và tự hào ngời lên trên khuôn mặt nhăn nheo, như thể, ông vừa làm việc nghĩa tình đó hôm qua.

Kỷ niệm với đất nước Lào, người dân Lào luôn sáng ngời trong ký ức những cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Với họ, mỗi trận đánh phối hợp nhịp nhàng cùng những cán bộ, chiến sĩ Pa thét Lào, mỗi bát cơm hay củ khoai, củ sắn được người dân Lào nhường cho, đều ấm áp, chan chứa tình cảm sắt son chung thủy.

Bác Nguyễn Thành, chuyên gia quân sự tại Khu nam Lào, xúc động nhớ lại: “Sâu sắc nhất là khi Mỹ nó đánh bằng B52 thì phải tập trung toàn bộ lực lượng di chuyển toàn bộ đơn vị ra thì chúng tôi đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, gắn bó từ những khoảnh khắc sống chết trong tích tắc. Trong sinh hoạt, khi khó khăn nhất bạn Lào cũng nhường phần ăn, từ củ sắn, bắp ngô cho chúng tôi”.

Trong cuộc gặp mặt này, có những người may mắn như bác Kim Thanh, bác ChanThep, bác Hòe hay bác ThongBeng, nhưng cũng có những người đã không thể gặp lại những đồng chí trước đây của mình.

Đồng chí Kham Mung, từng là Tỉnh đội trưởng Tỉnh Savanakhet, vẫn nhớ như in các trận đánh quan trọng phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam để giữ kho gạo, giữ tuyến đường chiến lược ở Savanakhet. Đồng chí KhamMung kể: “Tôi được biết có rất nhiều sư đoàn của Việt Nam như Sư đoàn 969, Sư đoàn 269 và Sư đoàn 84 cùng nhân dân tỉnh Savanakhet giữ tuyến đường chiến lược này.”

Giọng bồi hồi, đồng chí KhamMung nói: “50 năm rồi tôi mới có dịp trở lại gặp các đồng chí đã cùng lăn lộn chiến đấu chống lại kẻ thù chung. 50 năm cũng là dịp kỷ niệm sự kiện quan trọng hai nước thiệt lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ký Hiệp ước hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Tôi mong muốn gặp lại một số đồng chí nhưng bây giờ.... nhiều đồng chí đã không còn....”

Kể về những đồng đội Việt Nam chung chiến hào với mình 50 năm trước, đồng chí KhamMung vẫn nhớ từng người: “Từ năm 1965, lúc đó đồng chí Nguyễn Thành đã xây dựng giúp xây dựng quân khu Nam Lào. Đồng chí Thành phụ trách về giáo dục. Tôi cũng muốn gặp anh Nam phụ trách vấn đề Đảng và cán bộ, anh Châu phụ trách cảnh vệ. Sau 50 năm gặp lại không thể diễn tả được những gì mà chúng tôi muốn nói.”

Ông KhamMung không thể gặp lại được đồng chí Việt Kỳ, người đã giúp ông trưởng thành về kỹ năng chỉ huy. Trước bàn thờ bạn, ông chỉ còn có thể cùng với đồng chí Nguyễn Thành thắp nén hương để tưởng nhớ tình bạn từ 50 năm trước.

Bác Nguyễn Văn Nghiệp, chuyên gia quân sự Việt Nam, người đã phục vụ cách mạng Lào 43 năm, trong cuộc gặp hôm đó cũng mới hay tin người bạn Lào từng cứu sống bác đã qua đời.

Bác Nghiệp nhớ rõ lần từng suýt chết khi hoạt động bí mật. Bác lấy bí danh nên người dân địa phương không biết, họ ngờ bác là gián điệp của địch nên định giao cho địch hoặc giết bác.Nhưng may có bác Bua, người ở cơ sở phụ nên biết bác là người Việt Nam công tác ở đây và đã giải thích cho người dân ở đó biết. Người dân tin bác Bua nên thả bác ra. Bác Nghiệp bảo “tôi có gặp lại bác Bua năm 1978, nhưng lần này thì không thể được gặp lại ân nhân nữa! Bác Bua mất rồi!” Đối với bác Nghiệp, đất nước là Lào chính là quê hương thứ hai, những lần được gặp gỡ người dân Lào như thế này, Bác như được về quê, gặp lại người thân lâu ngày xa cách vậy.

Những nhân chứng sống của lịch sử quan hệ Việt – Lào trên đây chỉ là số ít trong vô vàn những sợi dây liên kết bền chặt của mối quan hệ nhân dân Việt-Lào.

Cuộc gặp mặt sau 50 năm của những người con của hai dân tộc đã cùng chung chiến hào chống kẻ thù chung, nay lại cùng nhau đoàn kết trong xây dựng đất nước, chan chứa tình cảm “hơn nước Hồng Hà-Cửu Long”.

50 năm, trong quãng thời gian gần bằng 2/3 đời người ấy, nhiều chuyện đã đổi thay. Nhưng duy nhất, điều quý nhất, là tình cảm gắn bó, đoàn kết tự nhiên của hai dân tộc Việt-Lào vẫn không hề thay đổi, vẫn đơm hoa kết trái để “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững” như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản sinh thời từng vun đắp./.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất