Thứ Bảy, 21/9/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Hai, 4/6/2012 16:37'(GMT+7)

Đồng chí Phạm Hùng - Người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo có uy tín lớn

Vĩnh Long là vùng đất cổ, trung tâm của đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, nơi sinh thành, nuôi dưỡng và cống hiến cho đất nước hai người con ưu tú, hai Thủ tướng của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới: Thủ tướng Phạm Hùng và Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

1. Đồng chí Phạm Hùng sinh ngày 11-6-1912 tại ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình thuộc tầng lớp trung nông lớp dưới. Từ nhỏ, đồng chí theo học ở trường làng, sau đó theo học bậc tiểu học ở Trường tiểu học Vĩnh Long, rồi tiếp tục học bậc trung học từ năm 1927-1930 ở Mỹ Tho. Bốn năm học ở bậc trung học, trong môi trường trí thức, trong không khí sục sôi yêu nước của tuổi trẻ sau đám tang cụ Phan Châu Trinh và phong trào phản kháng thực dân Pháp kết tội và quản thúc cụ Phan Bội Châu, đồng chí Phạm Hùng đã sớm giác ngộ cách mạng, dấn thân vào con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá về Việt Nam.

Ngày 20-10-1930, do những hoạt động yêu nước và cách mạng, đang học năm thứ tư ở Trường trung học Mỹ Tho, đồng chí đã bị Thống đốc Nam Kỳ ra quyết định đuổi học. Năm 1930, ở tuổi 18, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Một năm sau đó, năm 1931, ở tuổi 19, đồng chí bị địch bắt và tòa đại hình Pháp kết án tử hình. Do dư luận xã hội và cả dư luận trong chính giới Pháp đối với việc kết tội một học sinh, nhất là cuộc vận động rầm rộ của Đảng Cộng sản Pháp đòi xóa bỏ án tử hình cho tù chính trị phạm ở Đông Dương, đồng chí Phạm Hùng được chuyển từ án tử hình sang án tù chung thân cấm cố và đày ra Côn Đảo cho đến cuối năm 1945 mới được giải thoát trở về Nam Bộ hoạt động. Gần 15 năm bị thực dân Pháp giam cầm đã tôi luyện đồng chí Phạm Hùng trở thành con người sắt thép, khí phách hiên ngang.

Từ Côn Đảo trở về đất liền, ở tuổi 33, đồng chí được chỉ định tham gia Xứ ủy và năm 1946 được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ kiêm Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Từ Quốc gia Tự vệ cuộc, đồng chí thành lập bộ phận công an cách mạng, sau này là Nha Công an Nam Bộ.

2. Năm 1946, sau khi đồng chí Lê Duẩn từ Hà Nội được Trung ương phân công trở lại trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam, tổ chức Đại hội Đảng bộ Xứ và được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Ủy viên Thường vụ Xứ ủy.

Cuối năm 1948, đồng chí Phạm Hùng dẫn đầu phái đoàn của Nam Bộ ra Việt Bắc báo cáo và chuẩn bị tham dự Đại hội II của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng họp ở Việt Bắc tháng 2-1951, đồng chí được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng và là một trong số 19 ủy viên chính thức. Sau Đại hội II, Trung ương thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Phạm Hùng được cử làm Ủy viên, sau đó làm Phó Bí thư Trung ương Cục.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sau 9 năm trường kỳ gian khổ kết thúc thắng lợi với việc ký kết Hiệp định Giơnevơ tháng 7-1954 lập lại hòa bình ở Việt Nam. Khi đó, đồng chí được cử làm Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ và năm 1955 làm Trưởng phái đoàn liên lạc của quân đội ta với Ủy ban quốc tế tại Sài Gòn.

Khi đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm hòng chia cắt lâu dài đất nước ta, Hiệp định Giơnevơ bị chúng đơn phương xé bỏ, đồng chí được điều động ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Tháng 9-1956, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II), đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được Đảng phân công làm Trưởng ban Thống nhất Trung ương thay đồng chí Lê Đức Thọ. Từ đây cho đến lúc qua đời (ngày 10-3-1988), qua các Đại hội III, Đại hội IV, Đại hội V, Đại hội VI, đồng chí liên tục là Ủy viên Bộ Chính trị, được Đảng phân công giữ nhiều trọng trách khác nhau.

Năm 1957, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng và một năm sau, tháng 4-1958, được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ cho đến cuối năm 1967. Hơn 9 năm trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí hết lòng chăm lo cho công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam.

Tháng 7-1967, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam ra Hà Nội báo cáo tình hình chiến trường và cùng tập thể Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thảo luận kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trước ngày trở lại chiến trường, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đột ngột qua đời tại Hà Nội. Sau tang lễ đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Phạm Hùng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị cử vào chiến trường miền Nam thay Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân ủy Miền, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam và ở chiến trường cho đến ngày toàn thắng.

Cuối tháng 4-1975, sau đòn đánh điểm huyệt Buôn Ma Thuột mở đầu cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên thắng lợi, chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng diễn ra nhanh gọn, toàn bộ dải đất miền Trung và Tây Nguyên sạch bóng quân thù. Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ định đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Bằng năm mũi tiến công mãnh liệt đánh thẳng vào nội đô Sài Gòn, 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ chiến thắng của dân tộc ta tung bay trên nóc Dinh Độc lập, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, dân tộc ta toàn thắng.


3. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Phạm Hùng được Bộ Chính trị phân công làm đại diện của Đảng và Chính phủ ở miền Nam.

Yêu cầu cấp bách sau ngày toàn thắng là nhanh chóng thống nhất nước nhà về mọi mặt. Tháng 11-1975, đoàn đại biểu hai miền Nam - Bắc họp Hội nghị hiệp thương chính trị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn đại biểu miền Bắc do đồng chí Trường Chinh dẫn đầu, Đoàn đại biểu miền Nam do đồng chí Phạm Hùng dẫn đầu đã quyết nghị “cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất trọn vẹn nhất”. Trong toàn bộ quá trình hoàn thành thống nhất Tổ quốc, khâu chính là thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Vì vậy Hội nghị hiệp thương chính trị quyết định tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên cả nước Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung thống nhất. Quốc hội xác định thể chế nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và xây dựng Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất.

Từ năm 1956 khi được cử làm Trưởng ban Thống nhất Trung ương cho đến khi làm Trưởng đoàn đại biểu miền Nam tại Hội nghị hiệp thương chính trị để thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, đồng chí Phạm Hùng đã có những cống hiến đặc biệt cho cách mạng Việt Nam để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau khi hoàn thành những trọng trách đó, ngày 2-7-1976, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá VI - Quốc hội thống nhất của cả nước, đồng chí được Quốc hội bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ và từ năm 1980 kiêm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay đồng chí Trần Quốc Hoàn.

Tháng 6-1987, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá VIII - Quốc hội của thời kỳ đổi mới diễn ra sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kế nhiệm đồng chí Phạm Văn Đồng.

Trong thời gian làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (6-1987 – 3-1988) khi đất nước đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, đồng chí đã cùng Trung ương Đảng làm hết sức mình để đưa đất nước từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới để tiến lên. Giữa lúc nhân dân miền Bắc thiếu đói trầm trọng, trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí đã trực tiếp vào miền Nam tổ chức thu mua lúa gạo và tổ chức vận chuyển ra Bắc thì đột ngột qua đời ngày 10-3-1988 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 76 tuổi.

Vậy là một người con ưu tú của dân tộc, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta, một con người ngay thẳng, trong sáng, thủy chung, người học trò mẫu mực của Bác Hồ vĩ đại đã vĩnh viễn ra đi. Toàn Đảng, toàn dân tộc ta tự hào về đồng chí. Ghi nhận những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và đối với sự nghiệp đoàn kết quốc tế, Đảng và Nhà nước ta trao tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng; các nước Liên Xô, Cuba, Tiệp Khắc, Bungari cũng đã trao tặng đồng chí nhiều Huân chương cao quý.

Năm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11-6-1912 – 11-6-2012), Đảng và Nhà nước ta tổ chức trọng thể nhiều hoạt động tưởng niệm đồng chí. Trong những hoạt động đó, có Hội thảo khoa học và việc tổ chức biên soạn,  xuất bản một cuốn sách quan trọng dưới dạng hồi ký về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng mang tiêu đề: Phạm Hùng - người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật.

Cuốn sách gồm những bài viết đã được xuất bản thành sách của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia trước đó và một số bài trên một số báo, tạp chí. Lần xuất bản này, Nhà xuất bản đã bổ sung một số bài viết mới của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Cuốn sách sẽ giúp bạn đọc nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng qua sự đánh giá, ghi nhận của Đảng, Nhà nước, cũng như những kỷ niệm tốt đẹp của các đồng chí lãnh đạo, những người bạn chiến đấu, những cộng sự, của đồng bào, đồng chí đã gắn bó với đồng chí Phạm Hùng qua những chặng đường cách mạng vinh quang.


TS. Lưu Trần Luân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất