Thứ Tư, 2/10/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 29/7/2012 16:54'(GMT+7)

Nước Nga sau hơn một thập kỷ nhìn lại

Cặp đôi quyền lực nước Nga hơn một thập kỷ qua- Dmitry Medvedev và Vladimir Putin. Ảnh TL

Cặp đôi quyền lực nước Nga hơn một thập kỷ qua- Dmitry Medvedev và Vladimir Putin. Ảnh TL

Có thể phác họa bức tranh tổng thể những thành tựu của nước Nga trong hơn một thập kỷ qua như sau:

1. Giai đoạn từ 2000- 2007: Tổng thống Putin và sự hồi phục của nước Nga

Ngay sau khi lên cầm quyền (ngày 31-12-1999), Tổng thống Putin đã đặt mục tiêu cao cả là đoàn kết các tầng lớp nhân dân, ra sức phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật và quân sự; bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ để chấn hưng đất nước, đưa nước Nga trở lại vị trí cường quốc như nó vốn có và cần phải có.

Với nhãn quan chính trị chiến lược, với kinh nghiệm dày dặn của một cựu sĩ quan tình báo, Tổng thống Putin đã có những quyết sách sáng suốt và phù hợp.

- Về đối nội: Một trong những vấn đề rất có ý nghĩa mà ông thực hiện là Trung ương đến địa phương; chấm dứt đặc quyền đặc lợi và sự lộng hành của các “lãnh chúa”, các nhà tài phiệt đã phất lên dưới thời Tổng thống Yelsin nhờ sự tư nhân hoá ồ ạt các ngành công nghiệp, kinh tế.

Cuộc chiến chống khủng bố và ly khai dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin đã giành được thắng lợi quyết định, góp phần vào sự thống nhất, ổn định của quốc gia.

Về kinh tế, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V.Putin, nước Nga đã có một diện mạo mới. Nền kinh tế Nga liên tục tăng trưởng ở mức cao và ổn định nhất trong khối các nước Liên Xô trước đây đã khiến người dân Nga được cải thiện đáng kể.

Sau hơn 5 năm thực hiện “chính sách ổn định và tích lũy”, từ năm 2006 Nga chuyển sang thực hiện “chính sách phát triển”, bước vào một thời kỳ mới. Năm 2007, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,6%. Dự trữ ngoại hối đạt 441,3 tỉ USD (thứ ba thế giới). Cùng với Quĩ Bình ổn 147,6 tỉ USD tính đến ngày 1-11-2007, Nga đã có nguồn lực để bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế, phòng ngừa khả năng giá dầu mỏ và khí đốt, là những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Nga, bị sụt giảm trên thị trường thế giới. Các khoản nợ của Liên Xô trước đây và Nga kế thừa (gần 200 tỷ USD) đã được thanh toán đúng hạn, thậm chí vượt cả thời gian đã định. Kể từ ngày 26-10-2006, Nga đã không còn nợ nần bất kỳ nước nào trên thế giới. Luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Nga tăng nhanh, riêng đầu tư trực tiếp năm 2006 đạt hơn 50 tỉ USD, năm 2007 ước tính đạt hơn 70 tỉ USD. Đồng Rúp đã trở thành đồng tiền hoàn toàn chuyển đổi được.

Về các vấn đề xã hội, Tổng thống Putin đã đưa ra hàng loạt các biện pháp về kinh tế - xã hội mà mục tiêu được xác định là nâng cao đời sống của nhân dân thông qua kế hoạch tăng gấp hai lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trợ cấp cho các gia đình sinh con thứ hai và thứ ba trở lên đồng thời đưa ra chính sách nhập cư phù hợp. Nổi bật là “bốn dự án ưu tiên quốc gia” về y tế, giáo dục, nhà ở và nông nghiệp, nông thôn nhằm giải quyết nhiều vấn đề cấp bách trong những lĩnh vực này, nâng cao chất lượng cuộc sống và củng cố nền móng cho sự phát triển trong tương lai. Lương, phụ cấp, các chế độ đãi ngộ cho nhiều đối tượng trong xã hội như người về hưu, người tàn tật, người có công trong Chiến tranh Thế giới II, phụ nữ mang thai, nuôi con... đã tăng đáng kể (thu nhập thực tế bằng tiền của người Nga trong năm 2007 tăng hơn 10%, tiền lương tăng trung bình 14%).

- Về đối ngoại: Sự ổn định chính trị và những thành tựu lớn trong công cuộc phát triển kinh tế đồng thời tạo lập được vị thế càng lớn của Nga trong quan hệ quốc tế thông qua chính sách đối ngoại và học thuyết quân sự của Nga.

Bằng các bước đi khác nhau, Nga đã dần xây dựng quan hệ thị trường sòng phẳng với các nước trong không gian hậu Xôviết có tính tới những ưu tiên nhau về bảo đảm an ninh và bảo đảm an ninh và bảo đảm thị trường hàng hóa. Sau một giai đoạn từng quá kỳ vọng vào các “nền dân chủ phương Tây”, nhiều nước Xôviết cũ cũng ngộ ra rằng không thể quay lưng lại với láng giềng khổng lồ Nga và không thể biến mình thành trò chơi của các thế lực chống Nga.

LB Nga cũng đã thực hiện chính sách đối ngoại đa phương, thực tế, vai trò của LHQ, đối thoại và hợp tác, phản đối trật tự thế giới đơn cực, kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới. Xác định việc mở rộng, tăng cường quan hệ toàn diện với các nước thuộc Liên Xô (trước đây) là nhiệm vụ “quan trọng nhất”.

Nga nỗ lực bảo vệ lợi ích của Nga trên thế giới và chủ động điều chỉnh các mối quan hệ với các trung tâm kinh tế - chính trị trên thế giới, cũng như với các nước lớn khác. Đồng thời, Nga cũng thể hiện vai trò lớn trong giải quyết các vấn đề quốc tế nóng bỏng: khủng bố quốc tế, an ninh năng lượng, dịch bệnh, nghèo đói và lạc hậu, chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Iran, vấn đề liên quan đến quy chế tương lai của Côxôvô, hòa bình ở Trung Đông...

Với khả năng kinh tế vững chắc, Nga đã quyết định đưa máy bay ném bom chiến lược tuần tra trở lại, tuyên bố chuẩn bị đưa hải quân trở lại Địa Trung Hải, cắm cờ chủ quyền ở vùng Bắc cực, tham gia cuộc tập trận lớn cùng các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, quyết định đình chỉ Hiệp ước triển khai lực lượng vũ trang thông thường ở Châu Âu (CFE) mà Nga đã ký với NATO... là những bước đi cần thiết để thể hiện mình.

Nếu như trong thập kỉ 90 của thế kỉ XX tiếng nói của Nga về các vấn đề quốc tế bị coi nhẹ thì giờ đây tiếng nói của Nga không thể không tính đến. Nga bắt đầu quyết liệt bảo vệ quan điểm và lợi ích của mình và với tiềm năng về mọi mặt, Nga đang phấn đấu trở thành một cực trong một thế giới đa cực mà Nga và nhiều nước khác đang hướng tới xây dựng.

2. Giai đoạn 2008 đến 5/212: Tổng thống Medvedev tiếp nối chính sách phát triển nước Nga của Tổng thống Putin

Trong nhiệm kỳ kéo dài 4 năm (từ 7-5-2008 đến nay), Tổng thống Medvedev và hậu thuẫn của Thủ tướng Putin đã để lại dấu ấn rõ nét cả về đối nội lẫn đối ngoại, trong đó thành công lớn nhất là việc lãnh đạo đưa nước Nga vượt qua cơn bão khủng hoảng tài chính khủng khiếp của thế giới, tiếp tục dẫn dắt nước Nga theo con đường phát triển ổn định và củng cố tiếng nói của nước Nga trên trường quốc tế.

- Về đối nội: Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Medvedev, nước Nga đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu với mức thiệt hại nhỏ nhất và nhanh chóng khôi phục kinh tế - xã hội. Mức tăng Tổng thu nhập quốc nội (GDP) hàng năm vào khoảng 4%, lạm phát giảm xuống còn khoảng 6%, sản lượng công nghiệp đã tăng hơn 50%. Nợ quốc gia Nga duy trì ở mức tối thiểu.

Không chỉ đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng, Tổng thống Medvedev còn tích cực thực hiện các cải cách, hiện đại hóa nền kinh tế. Ông cũng chính là người bắt tay vào việc xây dựng một phiên bản Thung lũng Silicon của Nga.

Một thành tích nổi bật khác là Nga đang tiến hành cải cách hệ thống chính trị sau cuộc bầu cử Đuma Quốc gia (Hạ viện) và bầu cử tổng thống mới, trước hết là việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký và hoạt động cũng như tranh cử của các chính đảng, đưa vào áp dụng điều luật mới về cử tri trực tiếp bầu lãnh đạo cấp tỉnh - thành.

Tổng thống Medvedev cũng để lại một dấu ấn đầy ấn tượng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Ông đã thực hiện rất nhiều chính sách mạnh tay nhằm tiêu diệt tận gốc nạn tham nhũng - một trong những vấn đề được ông coi là lớn của nước Nga. Tính riêng trong nửa đầu năm 2011, đã có hơn 3.000 quan chức Nga bị truy tố trách nhiệm về tham nhũng.

- Về đối ngoại: Trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Medvedev đã xử lý tốt vấn đề Grudia, làm chậm quá trình mở rộng về phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ngăn chặn Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) tham gia vào quá trình này. Ông Medvedev cũng đã thành công trong việc điều chỉnh quan hệ Mỹ - Nga, quan hệ Nga - châu Âu, củng cố sự tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tiếp tục củng cố hình ảnh, tiếng nói Nga trên trường quốc tế.

Có thể nói, việc cải thiện quan hệ với Mỹ là một trong những thành công chính về chính sách đối ngoại của Tổng thống Medvedev trong nhiệm kỳ 4 năm. Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố dừng triển khai kế hoạch lá chắn tên lửa ở châu Âu (tháng 9-2009), đã giúp cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START) được ký kết (ngày 8-4-2010), tạo cơ sở tin cậy lẫn nhau giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới này. Sau thỏa thuận START mới, Tổng thống Medvedev đã tiến hành chuyến thăm Mỹ vào tháng 6-2010.

Việc quan hệ Nga - Mỹ nồng ấm trở lại cũng khiến quan hệ của Nga với EU được cải thiện. Sáng kiến về một hiệp định an ninh mới ngang nhau và không tách rời ở châu Âu của Nga đã mở ra một giai đoạn đối thoại mới bình đẳng giữa Nga và EU.

Hơn nữa, thành công đó cũng đã giúp nước Nga kết thúc 18 năm đàm phán và trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây cũng có thể được coi là một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Medvedev. Với tư cách thành viên WTO, các doanh nghiệp Nga chắc chắn sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, và nước Nga sẽ bình đẳng hơn với các thành viên khác của G20 (nhóm các nền kinh tế lớn).

Những thành công trên cộng với đà tăng trưởng kinh tế 4%/năm được duy trì trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu đã giúp nước Nga tự tin hơn và có những quyết định thể hiện vai trò của một cường quốc thực sự trên trường quốc tế. Tiêu biểu trong số đó là chính sách bảo vệ quyền tự quyết của Xyri trước sức ép của Mỹ và EU. Nga đã sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an (HĐBA LHQ) để bác bỏ một nghị quyết mà có tới 13 phiếu ủng hộ. Hơn thế, ngoài khuôn khổ LHQ, những hoạt động tích cực của Nga tại các diễn đàn đa phương như G20, APEC..., cho thấy, dưới thời Tổng thống Medvedev, nước Nga không chỉ đơn thuần dựa vào lợi thế dầu lửa để khẳng định vị thế mới.

Đối với khu vực các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), chính quyền của Tổng thống Medvedev cũng đạt được những bước tiến mới trong việc củng cố tính gắn kết với các nước này. Từ ngày 1-7-2011, Liên minh Thuế quan giữa Nga, Bêlarút và Cadắcxtan đã đi vào hoạt động (Hiệp định được ký vào tháng 1-2010). Một hiệp định thương mại tự do giữa các thành viên SNG cũng đã được ký vào tháng 11-2011 và sẽ có hiệu lực từ năm 2012. Thành công này giúp làm tan dần những nghi kỵ còn tồn tại giữa Nga với các thành viên SNG.

Cho đến này, Nga đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới với GDP năm 2011 đạt 1.885 tỉ USD (theo IMF), tốc độ tăng trưởng 4,2%. Đầu năm 2012, kinh tế Nga có nhiều tín hiệu tích cực (tăng trưởng 4,9% trong quý I/2012). Trong khi đó, vị trí trên trường quốc tế của Nga đã được khẳng định. Nga còn là một trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, là thành viên Nhóm G8, G20, BRICS và nhiều tổ chức quốc tế và khu vực khác...

3. Giai đoạn từ tháng 5 đến nay: Nước Nga với sự trở lại của Tổng thống Putin

Nước Nga lại một lần nữa chứng kiến sự hoán đổi ngoại mục giữa cặp đôi quyền lực tối cao nhất- Dmitry Medvedev và Vladimir Putin. Sự hoán ngôi thành công giữa hai nhà lãnh đạo được người dân Nga chờ đợi nhất trong một cuộc bầu cử chuyển giao đầu năm 2012. Người dân Nga chờ đợi và kỳ vọng Tổng thống Putin sẽ tiếp tục chéo lái con thuyền nước Nga với những chiến lược, chính sách mà ông đã gặt hái thành công và cả những việc còn dở dang từ nhiệm kỳ trước để đưa nước Nga tiếp tục phát triển, phồn vinh.

Ngay trong chiến dịch tranh cử và sau khi nhậm chức, Tổng thống Putin đã tiếp tục khẳng định đeo đuổi các chính sách của ông từ nhiệm kỳ trước đây. Mà mục tiêu nhất quán của ông vấn là đưa nước Nga trở lại cường quốc như nó vốn có trong lịch sử.

Điều đó thể hiện rõ nét nhất là Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký những sắc lệnh quan trọng về chính sách ngoại giao và kinh tế của Nga trong nhiệm kỳ của ông. Trong sắc lệnh ngoại giao, ông Putin khẳng định Matxcơva sẽ không chấp nhận việc bị can thiệp vào công việc nội bộ. Trong sắc lệnh “về chính sách kinh tế dài hạn của quốc gia”, ông Putin đã nêu rõ: mục tiêu của nước Nga là thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa, tăng thu nhập cho người dân và xây dựng một đất nước hiện đại.

Đặc biệt, với việc trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tin tưởng chắc chắn rằng, làn gió mới ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Putin sẽ tiếp tục chèo lái nước Nga tiếp tục gặt hái những thành tựu to lớn, khẳng định vị thế của một siêu cường trong xu thế phát triển mới của thế giới./.

Anh Đức (tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất