Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 7/5/2010 8:0'(GMT+7)

Ơi Diêu Bông!

Cuộc đời ông là chuỗi những thăng trầm, hạnh phúc, khổ đau. Nhưng rồi ông vẫn sống một cách nhi nhiên, tự tại đến hồn nhiên. Hoàng Cầm là thế bởi ông “… khờ khạo lắm, ngu ngơ lắm/ Chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì” (như ông chúa thơ tình có lần đã nói).

Ông nằm đó, nghiêng nghiêng như… sông Đuống

Lần cuối cùng tôi đến thăm ông là vào một buổi chiều trước Tết Canh Dần. Trời Hà Nội se se lạnh. Căn phòng nhỏ trên tầng 5 của ngôi nhà nhỏ ở 43 Lý Quốc Sư. Ông nằm đó, phủ một chiếc chăn mỏng, nghiêng nghiêng trên chiếc giường nhỏ, thân hình nhỏ thó, mỏng tang, mái tóc bạc trắng như cước xoã dài trên gối.

Tôi đã không còn thấy cái hình ảnh quen thuộc: chiếc bàn con đặt cạnh giường ông, ngổn ngang giấy trắng. Giấy trắng đắp hờ qua chiếc chăn con những vần thơ mới trầm tư, hướng về một cõi không nào đó.

Thi sĩ Hoàng Cầm ra đi để lại cho đời một tiếng thơ

 

Năm nay, ở gần tuổi 90, ông đã mệt nặng. Ông nằm miên man, đôi mắt “vốn vẫn luôn cười” nay chan chứa nỗi u sầu hững hờ khép mở. Mặc cho ngoài kia cuộc sống đang ồn ào, sôi sục, mặc cho thiên hạ dan díu nhau đi sắm Tết, mặc cho cuộc sống bon chen trong bể trầm luân của kiếp người. Ngày lại ngày chàng thi sĩ đa tình, hồn nhiên mà lãng du ấy đang chìm đắm trong cõi miên viễn, trong những giấc mơ, những hoài niệm tưởng chừng không dứt, và trong cả sự câm lặng một cách vô thường của thời gian.

Chúng tôi chào ông, đùa: “Bây giờ mà có em nào xinh đẹp đang buồn thì liệu có còn đủ sức để  mà tỷ tê: “Em ơi buồn làm chi” để mà “… đưa em về sông Đuống/ Ngày xưa… cát trắng phẳng lì” nữa không?

Thi sĩ của những tuyệt phẩm thơ “Bên kia sông Đuống”, “Lá diêu bông”, “Mưa Thuận Thành”… nhè nhẹ trở mình một cách đầy khó khăn, đôi mắt u sầu bổng ánh lên. Đôi môi đỏ trên làn da sáng mịn khẽ nhếch lên mỉm cười: “Chục năm nay què chân nên chỉ xoay xở trên cái giường này. Toàn nằm nghiêng. Chúng nó bảo thơ nó vận vào đó. Suốt đời “Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” như sông Đuống ấy. Ông nói vậy rồi lại mỉm cười, trở mình, nằm nghiêng nghiêng trong chiếc chăn len mỏng. Nơi khoé mắt sâu của ông những giọt nước long lanh trào ra.

Vẫn biết “sinh, lão, bệnh, tử” là lẽ thường tình của kiếp người, nhưng nhìn chàng thi sĩ hồn nhiên cũng lắm mà giang hồ lịch duyệt cũng nhiều của một thời ngang dọc ấy, nay bất lực nửa tỉnh nửa mê trong miên man ngày, miên man đêm của những năm trời nằm trên giường bệnh, tôi thực sự cảm thấy xót xa.

Giời bắt tội  yêu sớm quá!


Nói đến Hoàng Cầm là nói đến tình si. Ông bảo ông sớm có cái buồn cô đơn khi mới lên 5, lên 7. “Giời bắt tội tôi yêu sớm quá”- có lần ông bảo thế. Rồi ông kể về mối tình đầu của ông. “Ngày ấy tôi mới 8 tuổi, một hôm tôi từ chỗ trọ học trên thị xã Phủ Lạng Thương về nhà chiều thứ 7.

Chưa kịp bước vào trong nhà đã thấy một cô gái đang cúi bên chiếc bồ hàng xén của mẹ tôi. Khi cô ấy ngẩng đầu nhìn ra đường, thì cậu bé là tôi choáng váng tâm hồn. Người con gái ấy tên là Vinh, hơn tôi 8 tuổi.

Hoàng Cầm yêu từ khi lên 8

 

Thứ 7 sau, về nhà, tôi trao bức thư tỏ tình đầu tiên viết bằng thơ lục bát dài hơn một trang giấy kẻ học sinh, trên vẽ hoa bướm, một vài ngọn núi, dòng sông, với dòng chữ viết bằng mực tím nắn nót: "Em gửi chị Vinh của em”. Và chị Vinh chính là người chị trong bài thơ sau này tôi viết: “Lá diêu bông”.

Bố mất sớm, nhà rất nghèo, chị ở cùng mẹ và một đứa em lên 5 tuổi. Họ cất một gian nhà ở phố để bán hàng kiếm ăn. Kể từ giây phút định mệnh tôi nhìn thấy chị, tôi mê man chị chẳng còn biết trời đất, ất giáp, quên cả đến học hành, sách vở, suốt ngày chỉ ngong ngóng sang bên kia đường, xe xế nhà tôi khoảng 20 mét, nơi thiên thần của tôi ngồi bán quán nghèo, phố nhỏ đìu hiu, tỉnh nhỏ...

Tôi phải lòng chị, cứ thế giăng mắc tơ tình quanh chị suốt 4 năm trời, đến năm tôi 12 tuổi thì chị đi lấy chồng. Tôi mất tăm chị, đầu non cuối bể tôi đi tìm, không thấy. Biền biệt tăm cá bóng chim...

Tôi còn nhớ như in một buổi chiều mùa đông... Chị đi về phía cánh đồng chiều còn trơ cuống rạ. Những dãy núi xanh xanh mờ xa in hình như dao khắc trên nền trời cuối hoàng hôn. Bí mật, tôi lặng lẽ lần theo chị. Tôi thấy chị thẫn thờ tìm đồng chiều, cuống rạ. Rồi chị lẩm bẩm một mình, dầu chị biết chắc tôi lẵng nhẵng theo sau lưng: "Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông/ Từ nay ta gọi là chồng...". Tôi mãi mang theo hình ảnh đó và 25 năm sau, bài thơ "Lá Diêu Bông" mới ra đời”.

Bài thơ như một tiền định. Và cả cuộc đời ông là một cuộc kiếm tìm, kiếm tìm trong vô vọng một người đàn bà (như là chị Vinh) cho riêng mình. Ông đau đáu: “Tôi đã mòn tay đi tìm người đàn bà cho riêng mình, nhưng tôi chỉ có thể ôm mối tơ vương mà chiêm ngưỡng vẻ đẹp thánh thiện của nàng thơ mà không sao với tới nàng được. Tôi vẫn ví tình yêu tựa như vì sao cô đơn trên bầu trời. Tôi chỉ có thể ôm mối mộng mơ được chạm tay vào vì sao kia, cho dù tôi sẽ bị thứ ánh sáng huyền diệu nhưng khốc liệt của tình yêu thiêu đốt. Có lẽ vậy mà thơ tôi luôn phủ một lớp sương buồn”.

Nếu so sánh Hán Quang Võ đa tình, đa cảm... mẫn mê với thuở Lệ Quyên "thơm như hoa lan", giữa Ôn Như Hầu (tác giả Cung Oán Ngâm khúc) và Tự Đức (tác giả Ngự Chế Việt Sử tổng vịnh tập, luận ngữ Diễn ca) cách nhau một thế kỷ còn mập mờ tranh nhau hình ảnh Thị Bằng - "Đập cổ kính ra tìm bóng cũ/ Xếp tàn y lại để dành hơi" - thì "Lá Diêu Bông" có lẽ tha thiết, nặng tình, bi thương hơn bội phần. Nếu so với tuổi yêu đương, có lẽ Hoàng Cầm đứng đầu danh sách nghệ sĩ.

Những người đàn bà có thật trong đời Hoàng Cầm

“Trong số những người đàn bà đi vào cuộc đời tôi, có năm cuộc tình mãi khắc ấn sâu nặng nhất trong tâm hồn tôi, trong đó có một người đàn bà đã giũ áo bụi trần đi tu. Hình bóng người đàn bà ấy vẫn hằn dấu trong những trang thơ của tôi ngày hôm nay "Cõi mê xưa đã trôi veo/ Nhớ chăng chẳng nhớ hồn theo bụi nào/ Có thời gái nhoẻn hồng đào... Đừng thương em nữa vui càng sinh đau/ Chuông thiền xa đổ nhịp mau/ Bóng anh thấp thoáng chìm sau mai vàng" (“Thư cuối năm của người yêu xưa”) - thi sĩ Hoàng Cầm có lần kể như vậy.

5 bóng hồng trong cuộc đời thật của thi sĩ Hoàng Cầm có thể là: chị Vinh - mối tình đầu đẹp nhất của cậu bé mười hai tuổi và giờ đây chỉ có thể nói về chị bằng một câu ngắn ngủi thật buồn: “hồng nhan bạc mệnh”. Một người chị khác, với mối tình “Cây tam cúc”, từng sống ở Thủ Đức đã từng “gọi đôi cây trầu cay má đỏ, / Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em”.

Người vợ thứ hai của ông, bà Tuyết Khanh, người vào vai Kiều Loan, đã sinh hạ cho ông một nàng tố nữ đặt tên nhân vật vở kịch để kỷ niệm, cũng là mối tình lớn mà những thi sĩ đương thời thường hay trầm trồ thán phục, nhất là thuở trẻ bà còn là “mối tình si” của nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Do số phận trắc trở, bà sang định cư ở Mỹ. Còn bà Lê Hoàng Yến, người phụ nữ sau cùng và cũng là người đã sống với ông lâu nhất. Nhưng bà mất cũng đã mất mấy chục năm rồi.

Và Sông Đuống nghiêng nghiêng thật!


Bài thơ được nhiều người biết đến nhất là “Lá Diêu Bông”, nhưng “Bên kia sông Đuống” lại là kiệt tác của Hoàng Cầm

“Trong một đêm mất ngủ khi nghe quê hương bị giặc Pháp tàn phá, giết chóc, đột nhiên trong thế giới thinh không vẳng bên tai tôi ba câu thơ: "Em ơi buồn làm chi/ Anh đưa em về sông Đuống/ Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ”.

Tôi bèn ghi ngay lại và viết rất nhanh, sợ không theo kịp những thanh âm đang cuồn cuộn dâng lên trong tâm thức. Sớm tinh mơ, tôi đun ấm nước chè xanh gọi Nguyên Hồng lúc ấy đang tập thể dục ngoài sân vào nghe bài thơ. Nguyên Hồng không làm thơ nhưng rất thích nghe thơ. Tôi mới đọc được năm câu, Nguyên Hồng đã khóc nức khóc nở, khóc dấm dứt. Nguyên Hồng mếu máo bảo tôi viết ra làm ba bản để anh đi in. Bẵng đi hai tháng sau, bài thơ được đăng trên tờ “Cứu Quốc” - Hoàng Cầm kể lại như vậy.

Với “Bên kia sông Đuống” Hoàng Cầm thực sự là nhà thơ có thần cảm. Không ai ngoài ông nhìn được “Sông Đuống nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Câu thơ ám ảnh nhiều thế hệ người Việt Nam ta, đến nỗi sau này, nghe nói cái ông Giáo sư Phan Ngọc “điên khùng” kia đã làm một cuộc đạp xe mấy chục cây số bên hữu ngạn sông Đuống và thừa nhận với thi sĩ Hoàng Cầm là sông Đuống nằm nghiêng thật. Đó cũng chính là cảm giác của nhiều Việt kiều khi về nước, nhìn xuống sông Đuống từ trên máy bay.

Và nếu như về địa lý, sông Đuống có không nằm nghiêng đi chăng nữa, và có thể là không có thật với bất kỳ ai, nhưng với Hoàng Cầm, người mà mỗi bài thơ đều như được phát tích từ một huyền tưởng cổ tích, thì tôi tin lắm lắm là ông đã từng thấy sông Đuống nằm nghiêng thật, trong tâm khảm của ông. “Bên kia sông Đuống”, “Đêm liên hoan”, kịch thơ “Kiều Loan” chính là những thành công vang dội nhất của Hoàng Cầm thời chống Pháp.

9h30 ngày 6/05/2010 thi sĩ Hoàng Cầm đã yên nghỉ sau một cuộc hành trình- tìm kiếm có cả hạnh phúc lẫn khổ đau.

Không! Tôi không tin Hoàng Cầm đã yên nghỉ. Ở đâu đó, cũng có thể là bên kia sông Đuống, ông đang bắt đầu một cuộc tìm kiếm mới và tôi tin lắm lắm cuộc kiếm tìm này chỉ có hạnh phúc chứ không có khổ đau.

Vâng, Hoàng Cầm đó, “… cầm chiếc lá/ đi đầu non cuối bể/ Gió quê vi vút gọi/ Diêu Bông hỡi!../ - Ơi Diêu Bông!”.
                                                                                            
   Lê Thọ Bình (Bee)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất