Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 29/4/2010 23:3'(GMT+7)

Người đầu tiên hát bài: ”Tiến về Sài Gòn”

Nhân dân Sài Gòn chào mừng quân giải phóng đến tiếp quản thành phố. Ảnh tư liệu

Nhân dân Sài Gòn chào mừng quân giải phóng đến tiếp quản thành phố. Ảnh tư liệu

“Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù/ Sài Gòn ơi! ta đã về đây/ Lướt qua nắng mưa súng bom nhịp chân đi/Quê hương kêu gọi tiến lên diệt quân Mỹ/ Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù/ Hướng về đồng bằng ta tiến về thành đô/ Nước nhà còn chờ trận cuối là trận này/ Tiến về đồng bằng, giải phóng thành đô...”.

Nhắc đến bài hát “Tiến về Sài Gòn” người ta không thể không nhắc đến những bài hát như sinh ra chỉ để dành riêng cho ông, đó là ca sỹ, Nghệ sỹ ưu tú Quang Hưng. Chính Ông là người đầu tiên hát bài “Tiến về Sài Gòn” của Nhạc sỹ Lưu Hữu Phước, ngay vào thời khắc thiêng liêng của ngày 30-4 không thể nào quên.

Vâng! buổi trưa 30-4 ấy đã in đậm trong lòng hàng triệu triệu người dân Việt Nam, một dấu ấn khó phai mờ, một mốc son chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Ai ai cũng náo nức mong chờ một sự đổi thay, một sự chuyển mình của dải đất hình chữ S, rũ bỏ hết những xiềng xích đế quốc, thực dân. Riêng đối với Quang Hưng thì ngày 30-4 là một kỷ niệm rất khó quên của cuộc đời người nghệ sỹ. “Lúc đó tôi luôn theo dõi sát các tin tức của Đài Tiếng nói Việt Nam và theo dõi chính đài của ngụy quân Sài Gòn để chứng kiến sự hấp hối của kẻ thù. Vào 11 giờ 30 phút, đài Ngụy mất hẳn tiếng. Chỉ có mấy phút im lặng đến nín thở thôi mà tôi có cảm giác như chiều dài một thế kỷ đang trôi qua trước mắt. Im lặng… im lặng... im lặng... và rồi nhạc bài hát “Tiến về Sài Gòn” vang lên. Tôi đã thực sự bất ngờ khi nhận ra và được nghe lại tiếng hát của mình bằng chất giọng miền Nam sau 8 năm trời. Khi những câu hát hùng tráng vang lên: “Sài Gòn ơi, ta đã về đây…Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù. Hướng về đồng bằng, ta tiến về thành đô”, mắt tôi nhòa đi và hét lên “Thắng rồi! Ta thắng rồi!”. Mười ngày sau tôi có mặt ở Sài Gòn. Gặp nhạc sỹ Lưu Hữu Phước, ông đã ôm lấy tôi và xúc động nói: “Quang Hưng có biết bài “Tiến về Sài Gòn” của bọn mình ngon lành thế nào không? Chúng ta đã ở Sài Gòn rồi!”.

Quang Hưng còn nhớ mãi: vào năm 1967 khi tôi đang chuẩn bị đi thăm và biểu diễn ở một số nước trong thời gian một năm kêu gọi nhân dân thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của chúng ta, thì nhạc sỹ Lưu Hữu Phước từ miền Nam ra gọi tôi đến 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) bí mật giao cho tôi một tác phẩm, nói phải thu 2 âm bản một bằng giọng miền Nam, một bằng giọng miền Bắc.Tôi thu xong, hỏi gặng anh là thu giọng hát bằng tiếng miền Nam để dùng vào việc gì, anh chỉ nheo mắt cười.

Trải qua 35 năm cứ mỗi dịp đất nước tưng bừng chào đón ngày giải phóng miền Nam 30/4 thì lòng người Việt Nam không ai không nô nức khi nghe giai điệu thân quen mà hào hùng của bài ca bất hủ Tiến về Sài Gòn. Tuy nhiên lâu nay ít ai nghĩ rằng, trong cái ngày 30-4-1975 ấy với “Tiến về Sài Gòn” và những ca từ đầy cảm động: Nơi thành đô trong ánh điện quang tiếng nấc nghẹn câu cười. Khu nhà tranh năm cánh ngoại ô rên xiết đêm ngày. Sài Gòn ơi ta đã về đây ta đã về đây… lại cách xa thời điểm sáng tác tới 9 năm (năm 1966). Với tính nhạy bén chính trị, song hành theo dòng lịch sử của cách mạng đã giúp Lưu Hữu Phước sớm chuẩn bị bài hát này.

“Tiến về Sài Gòn” đã đến với công chúng 35 năm qua, nhưng mỗi khi nghe hát lại bài hát này nghệ sỹ Quang Hưng như vẫn thấy đâu đây hình ảnh của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước- người đã tin cậy giao cho anh thể hiện đầu tiên bài hát, Nghệ sỹ Quang Hưng xúc động: “được góp tiếng hát của mình trong giờ phút lịch sử hào hùng của dân tộc, đó là niềm vinh dự lớn lao của chúng tôi góp một phần nhỏ bé, tạo nên sức mạnh to lớn của nhân nhân ta chống lại kẻ thù xâm lược, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai”./.

Đỗ Văn Thông
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất