Các nhà hát không đỏ đèn, các vở diễn thiếu vắng khán giả làm cho nhiều người hoạt động sân khấu và khán giả yêu bộ môn nghệ thuật này chạnh lòng. Trước thực trạng này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà lý luận phê bình sân khấu (LLPBSK) Hồ Ngọc, người cả đời tâm huyết với vấn đề xã hội hóa sân khấu.
- Thưa ông, thực trạng sân khấu đang mệt mỏi, bế tắc… ai cũng biết nhưng muốn bốc thuốc thì phải biết bệnh. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân chính?
- Với tư cách là người làm LLPBSK lâu năm, tôi xin đề cập đến một số vấn đề có tính chất cơ bản, có thể nói là cái "gốc" của mọi nguyên nhân đã khiến sân khấu khó tiến hành xã hội hóa một cách nhanh chóng và có hiệu quả. Đó là cần phải có một cuộc "cách mạng" thay đổi hoàn toàn thiết chế văn hóa - sân khấu hiện nay - một thiết chế cũ kỹ và lỗi thời. Thiết chế văn hóa đó đã biến các hoạt động nghệ thuật từ chỗ là các hoạt động xã hội, do tư nhân tổ chức thành các đơn vị nghệ thuật nhà nước theo mô hình của Liên Xô. Nói một cách khác là thiết chế văn hóa đó đã "Nhà nước hóa" các hoạt động nghệ thuật. Thiết chế này phù hợp khi đất nước có chiến tranh, nhưng nay thì "Nhà nước hóa" nghệ thuật không còn phù hợp vì cơ chế kinh tế đã đổi khác.
- Xin ông nói rõ hơn về nội dung cơ bản của "thiết chế văn hóa - sân khấu"?
- Về mặt sân khấu, thiết chế văn hóa đó có một số đặc điểm cơ bản sau đây: Một là từ chỗ là tổ chức nghệ thuật tư nhân, "phi chính phủ", sân khấu trở thành của Nhà nước, do Nhà nước quản lý và cơ quan văn hóa cũng mặc nhiên biến thành "ông bầu Nhà nước" của các đơn vị sân khấu. Thứ hai là khi các đơn vị sân khấu đều được bao cấp về tài chính, về cơ sở vật chất dẫn theo được bao cấp cả về mặt nghệ thuật. Các nghệ sĩ trở thành công chức, hưởng lương tháng như cán bộ, công nhân viên chức khác… Người nghệ sĩ không có vị trí và vai trò cần có trong đời sống nghệ thuật, mà hoàn toàn lệ thuộc vào các cơ quan quản lý văn hóa các cấp, nhất là vào các hội đồng duyệt vở. Từ hai đặc điểm trên đã dẫn tới hệ quả là các hoạt động sáng tạo và biểu diễn được kế hoạch hóa hằng năm thành những chỉ tiêu về mặt số lượng (số đêm diễn, số lượng khán giả/năm…), tương tự như chỉ tiêu sản xuất vật chất, lại ít có đòi hỏi về giá trị và chất lượng nghệ thuật. Các đơn vị sân khấu chỉ cần đạt được số lượng đêm diễn coi như đã hoàn thành kế hoạch, bất luận đêm diễn đó đông hay vắng khán giả.
- Sân khấu thời chiến tranh và thời kỳ bao cấp đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Nhưng khi đất nước đổi mới, mô hình sân khấu cũ không còn phù hợp và để tồn tại và phát triển, không ít đơn vị sân khấu đã thực hiện xã hội hóa. Vậy thực chất của xã hội hóa sân khấu là gì?
- Là trả lại quyền quyết định sự "sống còn" của các đơn vị sân khấu cho nghệ sĩ dưới hình thức tư nhân hoặc tập thể. Nói cách khác là thay thế hình thức sở hữu nhà nước bằng hình thức sở hữu xã hội (sở hữu tư nhân) các hoạt động sân khấu theo đúng quy luật phát triển của các hoạt động sản xuất, như đối với các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện chế độ cổ phần hóa. Thế nhưng, so với cổ phần hóa các doanh nghiệp, xã hội hóa sân khấu có nhiều khó khăn hơn; bởi lẽ nó không chỉ thuần túy nằm trong phạm trù kinh tế, mà quan trọng hơn, nó lại thuộc về lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, với nhiều đặc trưng riêng biệt và phức tạp mà nếu không có một cách nhìn nhận và giải quyết đúng đắn sẽ khó có thể thực hiện được. Khó khăn là ở chỗ hiện nay chúng ta chưa có một cơ sở pháp lý nào để cho những ai muốn làm "bầu gánh" có thể yên tâm để đầu tư vào sự nghiệp này, khi mà các thiết chế tư tưởng - nghệ thuật vẫn còn nguyên đó, vẫn không có sự thay đổi triệt để trên mọi phượng diện. Vì vậy, chỉ tiến hành chuyển đổi sở hữu về kinh tế là hoàn toàn không đủ, bởi lẽ: việc đánh giá các tác phẩm nghệ thuật để cho nó ra đời không giống như việc xác định giá trị các sản phẩm vật chất có thể "cân đong, đo, đếm" một cách chính xác, thống nhất… Không có một hành lang pháp lý đầy đủ, khoa học và chặt chẽ trong việc "kiểm định" tác phẩm sân khấu mà vẫn trao cho các cơ quan quản lý toàn quyền duyệt vở theo cơ chế và quan niệm cũ kỹ như hiện nay thì chắc chắn công cuộc xã hội hóa sân khấu sẽ mãi mãi chỉ là những khẩu hiệu. Sự hiện diện của một vài đơn vị xã hội hóa sân khấu ở TP Hồ Chí Minh hiện nay chỉ có thể coi là một hiện tượng cá biệt, chưa có tính phổ biến trong cả nước, đó là chưa kể đến nhiều khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị đó vẫn phải chịu đựng. Và như thế thì công việc xã hội hóa sân khấu sẽ chỉ là một thứ "bình mới rượu cũ". Nói cách khác, cái gọi là "sân khấu xã hội hóa" vẫn chỉ là câu chuyện hình thức.
- Theo ông cần phải xã hội hóa sân khấu như thế nào?
- Tôi cho rằng thực chất của xã hội hóa sân khấu nói riêng, các hoạt động nghệ thuật nói chung, hoàn toàn không chỉ dừng ở cải cách về tổ chức, nghĩa là chuyển đổi hình thức sở hữu các đơn vị nghệ thuật từ chỗ sở hữu nhà nước thành sở hữu tư nhân hoặc tập thể, mà phải coi đó là một cuộc "cách mạng" toàn diện, hiểu theo nghĩa là một sự đổi mới hoàn toàn về các quan niệm, nhận thức nghệ thuật, chính sách... với một cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ. Nói cụ thể hơn là cần phải có những bộ luật về hoạt động nghệ thuật như các bộ luật về doanh nghiệp để các đơn vị sân khấu xã hội hóa có thể yên tâm tự lo liệu từ A đến Z cho các sản phẩm nghệ thuật của mình. Bất cứ một sự đổi mới mang tính bước ngoặt nào cũng gian nan, vất vả, thậm chí phải trả giá đôi khi không nhỏ, nhưng nếu vì sự trả giá mà không dám tiến hành thay đổi thì sân khấu Việt Nam vẫn mãi mãi ì ạch, lúng túng trong cái vòng luẩn quẩn "nửa trăng, nửa đèn" như hiện nay.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Quốc Ngọc HNM0