Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 3/5/2010 11:42'(GMT+7)

Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và Nam Trung Bộ - bước phát triển mới và những khó khăn thách thức

Không gian văn hoá cồng chiềng. Ảnh minh họa

Không gian văn hoá cồng chiềng. Ảnh minh họa

Cả ngàn năm nay, đây là nơi sinh sống của các cộng đồng dân tộc như ÊĐê, Bana, M’Nông, Gia Lai, Rắc Lay, TRin, KHo, Chăm, Kinh… Theo thống kê mới đây, do quá trình di dân tự nhiên, trên địa bàn Tây Nguyên và Nam Trung bộ gần như có mặt hầu hết các dân tộc thiểu số Việt Nam. Một bộ phận dân cư thuộc các dân tộc miền núi phía Bắc như Tày, Nùng, Thái, H’Mông, Mường… đã đến với Tây Nguyên, Nam Trung bộ để sinh sống. Cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, cộng đồng các dân tộc thiểu số trên vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ đã phát huy các tiềm năng văn hoá, văn học, nghệ thuật đa dạng và phong phú bằng chính nội lực của mình.

Trước đây, nói đến Tây Nguyên và Nam Trung bộ, người ta nói đến không gian văn hoá cồng chiềng, lễ hội đâm trâu, lễ hội bỏ mả (pơ thi), lễ cúng rừng, cúng nguồn nước, thì giờ đây có thêm lễ hội xuống đồng của người Tày, Nùng, Thái, lễ hội gầu tào của người Mông, lễ cấp sắc của người Dao… bên cạnh cồng chiêng Tây Nguyên còn có cồng chiêng Mường; bên cạnh múa xoang còn có múa xoè của người Thái; bên cạnh kể sử thi (Khan) còn có “Mo Mường” “Đẻ đất đẻ nước”, then Bụt khảm hải, hát thường ranh bọ mẹng, páo dung, lượn, cọi, sli,…

Mỗi một hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng làng bản, tộc người đều có những nét đặc sắc riêng, nhiều văn nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia.

Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã tập hợp được một đội ngũ văn nghệ sĩ là người dân tộc. Đây thực sự là những hạ t nhân sáng tạo quan trọng cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật của Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Anh chị em văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số dù làm việc ở nhiều cơ quan, cương vị công tác, nghề nghiệp khác nhau, nhưng trong hoạt động văn nghệ đều có chung một nhiệm vụ là sáng tạo, sưu tầm, nghiên cứu văn học, nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ bảo tồn và phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật truyền thống và hiện đại trong nhân dân các dân tộc.

Đội ngũ văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên và nam Trung bộ hiện có 134 hội viên nằm rải rác ở các tỉnh: Đắk Lắc, Bình Định, Đà Nẵng, Gia Lai, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đăk Nông, Ninh Thuận, Bình Phước, Kon Tum, Phú Yên. Số lượng hội viên ở mỗi địa phương không đều nhưng đó là một đội ngũ rất quý báu, phải qua nhiều năm được các cấp uỷ đảng, chính quyền, Hội văn học, nghệ thuật xây dựng mới có được.

Anh chị em văn nghệ sĩ đã tham gia tích cực, làm nòng cốt trong việc sáng tác, nghiên cứu phê bình, sưu tầm, quảng bá vốn di sản văn hoá - nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc. Một số các tác phẩm sử thi M’Nông, Êđê, Giarai, Chăm đã được sưu tầm, biện dịch giới thiệu. Đội ngũ các nhà văn, nghệ sĩ như Y Điêng, Ka Sô Liễng (Phú Yên); Kpa Y Lăng, Isara (Chăm); Quang Tuệ (Gia Lai); anh em ông Điểu Câu, Điểu Cung và Thị Mai (Đăk Nông); Aja, Phạm Cao Đạt (Kon Tum); Y Thí, Linh Nga, Trương Bi (Đăk Lăk) đã có nhiều tác phẩm, có công nghiên cứu sưu tầm kho tàng văn hoá dân gian đồ sộ này. Một số các nhạc sĩ sáng tác, nghiên cứu âm nhạc truyền thống góp phần tôn vinh và quảng bá di sản âm nhạc và khẳng định sự tồn tại và bảo lưu không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên - một di sản văn hoá nhân loại. Đó là các nhạc sĩ, nghệ sĩ như Y Brơm, Lê Xuân Hoan, Vũ Lân, Linh Nga Niêk Đam, Chế Kim Trung, Karađốc, Y Moan, Y Pôn, NSND Xuân La… Về hội hoạ, điêu khắc có: hoạ sĩ Su Man, A Nhú, K’Minh Tuấn… Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Tây Nguyên như Trần Phong, Huy Tịnh, Chính Hữu… Nhiều tác phẩm, công trình của anh chị em văn nghệ sĩ Tây Nguyên và Nam Trung bộ được đánh giá cao, nhận giải thưởng của các Hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật và quốc tế.

Tuy nhiên, có một thực tế là việc sáng tác và phát triển hội viên của vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ hiện nay vẫn còn có nhiều bất cập và hạn chế:

- Sáng tác văn học, nghệ thuật về Tây Nguyên những năm qua chưa có nhiều tác phẩm hay, gây ấn tượng, phản ánh chân thực và sâu sắc cuộc sống của đồng bào vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ với một nghệ thuật nhuần nhuyễn và độc đáo như đã từng có trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vừa qua…

- Một số địa bàn dân tộc thiểu số như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam... công tác phát triển hội viên chậm. Thiếu sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền, các Hội văn học, nghệ thuật.

Hoạt động của các chi hội văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số thiếu năng động. Ở một số Hội văn nghệ chưa có sự quan tâm tích cực, trách nhiệm của lãnh đạo.

Tại cuộc Hội thảo bàn về “Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số” tại khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên mới đây được tổ chức tại Đà Lạt (Lâm Đồng), nhiều ý kiến tham luận đã thẳng thắn nêu ra nhiều vấn đề bức thiết hiện nay. Nhiệm vụ của cuộc hội thảo này là: Làm thế nào để động viên, tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ là hội viên (và chưa phải là hội viên), đặc biệt quan tâm tới số anh chị em văn nghệ sĩ là người các dân tộc thiểu số trên địa bàn, tập trung trí tuệ, nhiệt tình và trách nhiệm của người nghệ sĩ có nhiều sáng tác tốt về đất nước, quê hương, phản ánh chân thực, sâu sắc hiện thực của cuộc sống của đồng bào các dân tộc miền núi Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Qua thực tiễn của đời sống văn nghệ các dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên và Nam Trung bộ, một số vấn đề đã được đặt ra qua cuộc Hội thảo:

Một là: Tây Nguyên và Nam Trung bộ là một vùng đất có bề dày về truyền thống yêu nước và cách mạng, địa bàn quan trọng của đất nước. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các bộ tộc dân tộc thiểu số Tây Nguyên và nam Trung bộ đã đoàn kết một lòng đi theo Đảng và Bác Hồ. Hình ảnh “BoH Hồ” cũng như “hình ảnh Cây Knia” là biểu tượng, là tấm lòng của người dân Tây Nguyên với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tây Nguyên và Nam Trung bộ cũng là nơi ghi dấu nhiều chiến công hiển hách của quân dân ta trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc và trong sự nghiệp đổi mới hôm nay. Vấn đề sáng tạo ra những tác phẩm tiểu thuyết, trường ca, bản nhạc, hội hoạ, múa, ảnh nghệ thuật… về con người và mảnh đất và con người Tây Nguyên, Nam Trung bộ vừa là trách nhiệm vừa là sự thách thức đối với mỗi người văn nghệ sĩ.

Hai là: Tìm những giải pháp thích hợp đào tạo, bồi dưỡng phát hiện các nhân tài, gắn bó với miền núi Nam Trung bộ, Tây Nguyên để xây dựng một đội ngũ văn nghệ sĩ đủ sức tiếp nối các thế hệ nhà văn là người dân tộc nay tuổi đã cao như Y Điêng, Kpa Y Lăng, Ka Sô Liễng, Y Brơm, Isara, Y Moan, Linh Nga Niêk, Xuân La…

Ba là: Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về văn học, nghệ thuật xác định một trong những nhiệm vụ quan trong để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống chính là nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi cơ chế chính sách đối với văn nghệ và văn nghệ sĩ cho thích hợp với tình hình mới, trong đó có văn học, nghệ thuật các dân tộc miền núi. Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam phải là nới nghiên cứu, tập hợp các ý kiến, đề xuất ra những cơ chế, chính sách cho phù hợp với đặc thù của Hội.

Bốn là: Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Tây Nguyên ngoài việc xây dựng đội ngũ, phong trào còn phải là vũ khí tư tưởng góp phần tham gia vào cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; chống lại các thế lực xấu nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc, làm tiêu mòn các giá trị văn hoá, văn học, nghệ thuật của dân tộc đã tạo nên nét đặc sắc của Tây Nguyên và nam Trung bộ.

Năm là: Bám sát thực tiễn là yêu cầu sống còn đối với người nghệ sĩ. Hiện thực cuộc sống trong đó có vùng đồng bào các dân tộc và miền núi luôn biến đổi không ngừng. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã và đang tác động mạnh mẽ tới vùng đất Tây Nguyên. Mảnh đất chiến trường năm xưa trong sự chuyển mình của thời kỳ xây dựng, nay đã hình thành nhiều khu công nghiệp. Chính sách phát triển Nông nghiệp - Nông thôn đã tác động mạnh mẽ tới người nông dân miền núi. Sáng tạo nghệ thuật không thể tách rời đời sống, con người. Chỉ có bám sát hiện thực người nghệ sĩ mới phát hiện ra được bản chất đích thực của hiện thực cùng với vẻ đẹp cũng như những uẩn khúc sâu xa của cuộc sống và con người.

Văn chương, nghệ thuật không chấp nhận sự lười biếng giả tạo mà đòi hỏi ngoài tài năng của người nghệ sĩ, còn cần sự tâm huyết, lao động bền bỉ và trước hết là tình yêu với mảnh đất và con người nam Trung bộ - Tây Nguyên với vẻ đẹp kỳ bí, oai hùng và giàu giá trị nhân văn./.

Nhà văn Đỗ Kim Cuông
Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Văn nghệ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất