Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 2/5/2010 10:55'(GMT+7)

30-4 với người cầm bút mặc áo lính

Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã tiêu thụ được hơn 450.000 bản tại Việt Nam và được chuyển ngữ ra 12 thứ tiếng trên thế giới. Ảnh minh họa

Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã tiêu thụ được hơn 450.000 bản tại Việt Nam và được chuyển ngữ ra 12 thứ tiếng trên thế giới. Ảnh minh họa

Trên thực tế những người cầm bút, đặc biệt là những người lính cầm bút đã nói lên được điều này qua những trang viết trong máu lửa, từ máu lửa hơn nửa thế kỷ qua. Tổng tập Nhà văn quân đội kỷ yếu và tác phẩm do Nhà xuất bản quân đội ấn hành gồm 5 tập là một điểm danh đội ngũ, đánh giá lực lượng, chất lượng sáng tạo của những người mặc áo lính. Trong đội ngũ ấy có cả tướng lĩnh và có cả binh nhì văn chương. Những người binh nhì và các vị tướng ở đây đều có một sự đóng góp không nhỏ cho nền văn học cách mạng và văn hóa dân tộc.

Cho đến nay, họ vẫn là lực lượng sáng tác chủ yếu trong văn học nghệ thuật. Tổng tập là một công trình đóng góp lớn, góp phần khẳng định chiến công của người lính cầm bút trên mặt trận văn hóa ngoài những tấm huân chương trên trận mạc. Đó là tổng tập văn học, là tập biên niên sử có ý nghĩa chính trị xã hội và văn hóa sâu sắc. Những áng văn thơ của thế kỷ qua là sự tiếp nối những áng văn chương của những tướng soái thời ông cha “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng dĩ văn” của Trần Hưng Đạo, “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi và hàng ngàn bài thơ, áng văn của những nhà thơ mặc áo lính, của những tướng lĩnh sĩ quan làm thơ và đánh giặc từ thủa khai quốc đến nay, là tâm hồn tình cảm ý chí của cả một dân tộc. Ở đó có sử thi, có tráng ca và cả những bi kịch cá nhân và dân tộc. Nghĩa là toàn bộ số phận lịch sử, số phận nhân dân thông qua cá nhân văn học. Nhiều trang viết tài hoa và có cả tài năng. Các cây bút đã văn chương hóa, nghệ thuật hóa lịch sử chiến đấu của dân tộc. Chưa có được những sử thi đồ sộ nhiều trang nhiều chữ chứa đựng đầy đủ sự kỳ vĩ của những chiến công và sức sống trường tồn của một dân tộc, nhưng sự nghiệp của những người lính cầm bút ấy là những chương hồi của một bộ biên niên sử.

Những tác phẩm ấy có giá trị thời đại và còn là chỗ tì vịn của mai sau. Đó là niềm tự hào của cả giống nòi Việt Nam và mỗi cá nhân. Bao nhiêu người lính của các thế hệ sẽ ra mặt trận bằng thơ, bằng nhạc. Con cháu nối tiếp vào trận mới trên các lĩnh vực dựng nước bằng những trang văn của quá khứ, của thời kỳ giành và giữ nước. Nhiều tên sách, tên người đã vào hồn vào cốt dân tộc, đã không cần hộ chiếu đến với bè bạn, đã cho thế giới chiêm ngưỡng tâm hồn Việt Nam, ý chí Việt Nam. Có được những lời đại ngôn của dân tộc là nhờ những câu chữ của nhà văn, những chi tiết chắt chiu nhỏ bé trong tác phẩm. Có “tiếng bước của bàn chân đã mất” (thơ Chính Hữu) của anh thương binh mới có bước đi của dân tộc ta năm châu bốn biển. Khẳng định văn học kháng chiến, văn học của người lính là lời khẳng định mạnh mẽ không e dè. Đó là nền văn học tiên phong chống đế quốc trong thời đại ngày nay. Nó xuất phát từ những thành tựu và đội ngũ.

Sau chiến thắng, chúng ta đã có dịp nhìn lại, đánh giá, thì ra phần văn học nghệ thuật có giá trị nhất vẫn là những trang văn thể hiện đề tài người lính và cách mạng, nhân vật văn học có diện mạo nhất vẫn là người lính, là nhân dân. Người lính làm nên lịch sử nên chân dung nước Việt từ Lê, Lý, Trần đến nay vẫn là nhân vật chính của văn học, họ gắn với số phận nhân dân, số phận đất nước. Không ít những người lính cầm bút đã hy sinh trên chiến trường, nhưng trang viết của họ còn đó với thời gian và đất nước. Nhiều người cho đến giờ vẫn là lực lượng chủ lực của văn học. Chỉ nhìn vào đội ngũ còn mặc áo lính ở chi hội nhà văn quân đội và tạp chí Văn nghệ quân đội đã thấy họ đủ mạnh của một đội quân văn học trên các thể loại văn xuôi, thơ, lý luận phê bình. Tờ “Văn nghệ quân đội” vẫn là một địa chỉ văn học tin cậy, giữ được niềm tin của bạn đọc vào văn học và những người cầm bút mặc áo lính.

Trở lại bộ tổng tập, chúng ta có trong tay những tập sách có giá trị tư liệu, giá trị lịch sử và cả giá trị văn chương. Có thể coi đây là bộ sách có dung lượng nhỏ nhưng giá trị vượt ra ngoài kích cỡ, độ dầy của bộ sách. Hãy đọc bộ biên niên sử văn học cách mạng, bộ tiểu sử tác giả, tác phẩm từ đó có thể hình dung ra diện mạo chính của nền văn học mấy chục năm qua.

Bộ sách cần cho hôm nay và cả ngày mai. Những giá trị hướng đạo cho cuộc sống thời chiến và cả thời bình, thời ổn định và cả thời phức tạp. Ở đó có tiếng nói, cách nghĩ và cả những hành xử cần thiết khi đối thoại với những sóng gió của cuộc sống. Tổng tập không chỉ để lưu trữ, bày bán mà là cuốn sách cần đọc, cần sống trong hiện tại. Nó biểu hiện sức mạnh của đất nước ngày hôm qua và xác định trách nhiệm cống hiến cho người ngày hôm nay, không chờ sự kêu gọi, chỉ bảo mà xuất phát từ lương tâm trách nhiệm và sự xúc động vì những tấm gương hy sinh của con người ngày hôm qua trong những trang văn chương nghệ thuật./.

Nhà văn Trịnh Đình Khôi

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất