Đó là khẳng định của ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Hiến pháp 1992 của cơ quan UBTƯ
Tại Kế hoạch số 177 về việc MTTQ Việt Nam tham gia thực hiện Nghị quyết số 06/2011/QH13 ngày 6-8-2011 của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đã nêu rõ, việc tổng kết thực hiện 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992 nhằm đánh giá khách quan, đúng đắn những giá trị tư tưởng chính trị-pháp lý liên quan đến vị trí, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của MTTQ Việt Nam; quá trình thể chế hóa các quan điểm, tư tưởng trong nội dung của Hiến pháp năm 1992, những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đồng thời chỉ ra được những giá trị, nội dung về chính trị-pháp lý trong các quy định của Hiến pháp năm 1992 cần tiếp tục kế thừa và phát triển.
Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Hiến pháp 1992 của cơ quan UBTƯMTTQ Việt Nam cho biết, việc tổng kết, đánh giá sẽ tập trung vào một số nội dung chủ yếu quy định tại Điều 9 của Hiến pháp như: vị trí, tính chất, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của MTTQ Việt Nam (bao gồm trong đó có các tổ chức thành viên); trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện đảm bảo hoạt động có hiệu quả của các tổ chức thành viên (cả về bộ máy tổ chức, nhân sự và kinh phí hoạt động).
Tại cuộc họp, ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh, mục đích của sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 là rất quan trọng. Chính vì vậy, việc tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 và việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 phải được tiến hành song song. Trên cơ sở đó, việc tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 phải sâu sắc và toàn diện dựa trên lý luận và thực tiễn. Theo ông Vũ Trọng Kim, thông qua việc tổng kết, cần đánh giá được những ưu điểm nổi bật và những bất cập, khó khăn và bài học kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai thi hành Hiến pháp, nguyên nhân của những ưu điểm và hạn chế. "Việc đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải căn cứ vào nhu cầu thực tiễn và các định hướng chiến lược được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời ký quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, bổ sung và phát triển năm 2011”.
Ông Đinh Đức Lập, Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết, thành viên Ban Chỉ đạo cho biết, để triển khai các hoạt động tuyên truyền về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 của MTTQ Việt Nam và sự tham gia của Mặt trận trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, trong thời gian tới báo Đại Đoàn Kết sẽ tập hợp những ý kiến của các chuyên gia, luật gia, nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân để đăng tải trên báo Đại Đoàn Kết.
H.Vũ/ĐĐk