Thứ Hai, 23/9/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 5/9/2011 15:0'(GMT+7)

Chữa bệnh "vô cảm" bằng phong trào

Trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân trong phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi.

Trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân trong phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi.

Thấy một người nào đó bị tai nạn giao thông, người đi đường chỉ đứng xem, hầu như không ai có động thái giúp đỡ người bị nạn. Tôi đem tâm sự này chia sẻ với một người quen thì nhận được câu trả lời: "Biết thế nào mà giúp, nhỡ ra người ta lại nghi mình lợi dụng. Hơn nữa việc đó là của cảnh sát giao thông, đâu phải của mình”. Vậy nhưng sao không ai gọi cảnh sát giao thông, gọi cấp cứu giúp người bị nạn? Nếu thông tin sớm, biết đâu người bị nạn cũng được cứu sớm, thoát khỏi nhiều rủi ro.

Câu chuyện đau lòng mới xảy ra khi một nhà xưởng may chui ở An Lão, Hải Phòng bị cháy, mấy chục người đứng xem đám cháy và nghe tiếng kêu cứu của công nhân trong nhà mà không ai có hành động gì. Chỉ cần chọc thủng bức tường bằng gạch ba banh phía sau nhà, biết đâu cứu được mấy chục người.

Hiện tượng bác sĩ bị đánh, thậm chí bị đâm chết trong thời gian gần đây, có phần lỗi của bệnh vô cảm. Trong nhiều bệnh viện công, các thầy thuốc thường lạnh nhạt với người bệnh, nhất là những người nghèo. Sự vô cảm của một số lương y khiến người dân bức xúc. Từ bức xúc này dẫn tới bức xúc khác,….

Căn bệnh vô cảm đang lan nhanh trong xã hội. Thuốc nào chữa bệnh vô cảm, và ai sẽ là thầy thuốc? Toa thuốc duy nhất chữa trị căn bệnh này chính là các cuộc vận động xây dựng phong trào giúp đỡ người nghèo khó, người tàn tật trong cộng đồng dân cư do Mặt trận Tổ quốc triển khai. Tuy nhiên, hiệu quả phong trào ở một số nơi chưa cao. Có những địa phương, cán bộ phong trào không vận động để mỗi người dân có ý thức hơn với cộng đồng, để trong tâm mỗi người không còn sự vô cảm mà lại đưa ra định mức thu 10.000 đồng ủng hộ người nghèo, nếu gia đình nào không đóng thì sẽ phê "gia đình không chấp hành đường lối chính sách” vào đơn xin đi học của con cái. Đó là sự bắt ép mọi người phải giúp đỡ người nghèo khó chứ không hề có sự tự nguyện trong tâm. Nhiều cơ quan không triển khai vận động cán bộ công nhân viên chức ủng hộ giúp đỡ người nghèo mà chỉ thông báo trừ một ngày lương. Cách làm này có khi lại phản tác dụng, không khơi dậy lòng từ thiện trong tâm mỗi người.

Thiết nghĩ, việc này chỉ có thể triển khai khi có một phong trào giáo dục tinh thần thương yêu đùm bọc lẫn nhau thật sâu rộng cho đến khi mọi người trong xã hội thấm và chuyển thành hành động trong cuộc sống thì bệnh vô cảm mới không còn. Và điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua Mặt trận các cấp trong toàn quốc.

Theo ĐĐK

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất