Thứ Hai, 23/9/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 30/8/2011 13:47'(GMT+7)

Đón Tết độc lập, cùng nghĩ về đất nước

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hơn lúc nào hết, chúng ta lại cần thấm nhuần những tinh thần lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh, người khai mở và tạo lập chế độ, để cùng chung sức, đồng lòng xử lý những vấn đề đang đặt ra, đưa đất nước vững bước tiến lên.

Trong tuần qua, nhân dân cả nước, các hãng thông tấn lớn trên thế giới đã dành tình cảm và lòng ngưỡng mộ đặc biệt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi vị danh tướng này đón sinh nhật lần thứ 100. Mối quan tâm với tình hình sức khỏe của Đại tướng, cũng từng là một hiện tượng xã hội khá đặc biệt vào năm ngoái, đúng dịp cả nước kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ai cũng mong muốn ông sống lâu, khoẻ mạnh để tiếp tục chứng kiến thêm nhiều thời khắc có ý nghĩa lịch sử của dân tộc.

Có nhiều cách, nhiều lý do để giải thích về sự trân trọng của xã hội dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong đó, có một lý do, vì ông là một trong những người học trò mẫu mực nhất, học được nhiều điều nhất từ tinh thần, tư tưởng, đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh. Ông là cá nhân có tính tiêu biểu mà thời đại Hồ Chí Minh tạo ra. Cả xã hội ta hôm nay, từ người dân bình thường đến các vị lãnh đạo cao cấp, đều mong muốn được sống, làm việc, cống hiến như vậy. Cho nên, sự quan tâm của xã hội dành cho Đại tướng mang lại cho chúng ta những thông điệp rất đáng suy ngẫm.

Chúng ta có thể học được rất nhiều ở thế hệ những nhà cách mạng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó có lòng yêu nước và thái độ đối với đất nước.

Đất nước ta có được như ngày hôm nay là nhờ tinh thần và những hành động, việc làm có tính chất dẫn đường của những người yêu nước như vậy. Bởi họ luôn lấy phương châm trong tiêu ngữ thiêng liêng: Độc lập -Tự do - Hạnh phúc mà Bác Hồ chọn đặt dưới quốc hiệu của chế độ mới làm phương châm hành động. Dân tộc phải giữ được độc lập, nhân dân phải được sống tự do, hạnh phúc.

Để đạt được mục tiêu ấy, để hành động được như vậy, ai ai cũng cần thấm nhuần tư tưởng Đại đoàn kết dân tộc của cụ Hồ. Một dân tộc, với diện tích tự nhiên và dân số không lớn, để giữ vững cương thổ, để tồn tại và phát triển được phải đoàn kết lại. Không đoàn kết thì không có sức mạnh, không đoàn kết rất dễ bị kẻ thù chia rẽ, chi phối hoặc xâu xé.

Hãy nhìn sang các nước Bắc Phi, cụ thể là Libya hiện nay. Hãy nhìn lại tình hình Iraq bây giờ. Sự hỗn loạn của các quốc gia này dẫn đến bị nước ngoài can thiệp là do họ đã không tự giải quyết các mâu thuẫn nội tại một cách hòa bình. Nhân dân các nước đó khó mà biết được tài nguyên quốc gia sẽ bị xâu xé như thế nào, chính trị của quốc gia ấy sẽ bị các thế lực quốc tế chi phối ra sao, và cuộc sống hòa bình, yên ổn bao giờ sẽ thực sự trở lại. Nền hòa bình, độc lập mà chúng ta đang có là một nền hòa bình, độc lập đánh đổi bằng rất nhiều máu và nước mắt.

Trong 66 năm của chế độ mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xác lập, có tới 30 năm thời chiến, khoảng 10 năm loay hoay tìm mô hình phát triển hậu chiến, 25 năm tăng trưởng và phát triển khi chúng ta tìm ra đường Đổi mới. Đáng chú ý, thời gian Việt Nam thực sự bắt đầu quá trình hội nhập toàn diện, sâu rộng vào con đường chung của toàn cầu mới đến cách đây hơn 4 năm, khi chúng ta là thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại Thế giới. Và như vậy, kinh nghiệm để ứng xử với những tác động trực diện của kinh tế, chính trị thế giới (vốn biến động nhanh và khó lường đến mức các quốc gia phát triển cũng còn đang phải lúng túng đối phó) của ta chưa nhiều.

Có lẽ phải nhìn nhận như thế, mới có thể hiểu và đồng cảm với những khó khăn mà đất nước ta đang đối diện ngày hôm nay; đồng thời trân trọng với những thành tựu phát triển mà nhân dân chúng ta đang có.

Chế độ của chúng ta đã vượt qua những giai đoạn khó khăn như thế bằng những cuộc bàn thảo, tranh luận, phản biện sâu rộng trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Một mặt, xã hội tôn trọng những hành động, thái độ thể hiện lòng yêu nước chân chính của mọi công dân. Mặt khác, mỗi cá nhân cũng cần tôn trọng nhu cầu cao nhất, ưu tiên cao nhất của đại đa số nhân dân hiện nay là hòa bình, ổn định để phát triển. Tất nhiên, đoàn kết dân tộc, hài hòa xã hội chỉ có thể có và tạo thành sức mạnh ở trong sự cởi mở thảo luận, đối thoại để tìm ra các giải pháp tối ưu.

Gần đây, các cuộc làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các nhà khoa học; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và tập thể Chính phủ với các chuyên gia đầu ngành, và mới đây nhất là cuộc đối thoại của lãnh đạo thành phố Hà Nội với một số nhân sĩ, trí thức… đã truyền đi thông điệp về sự cầu thị, thượng tôn lợi ích quốc gia-dân tộc đang lan tỏa trong xã hội.

Một bầu không khí dân chủ như vậy chắc chắn sẽ giúp cho ra đời nhưng quyết sách đúng đắn, góp phần hóa giải khó khăn thách thức, đưa đất nước đi lên. Đó cũng là môi trường để lòng yêu nước được nảy nở, để nhân dân chúng ta tích cực, chủ động tham gia vào quá trình dựng xây đất nước và chế độ. Đó cũng là thông điệp cao cả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạc vào quốc hiệu của chế độ ta, đó là: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc./.

(Phạm Kinh Bắc/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất