Đại biểu (ĐB) Vũ Đức Tân kiến nghị các cấp, ngành của TP cần phải xem lại chất lượng công tác cán bộ trong việc điều hành bộ máy chính quyền, khi có một số cán bộ phạm khuyết điểm ở khu vực này lại được chuyển đổi sang điều hành công tác lãnh đạo ở khu vực khác. “Ví dụ trong vấn đề giải quyết khiếu nại của người dân trong đền bù giải phóng mặt bằng đường vành đai 3, nút giao Thanh Xuân, một cán bộ của quận Thanh Xuân đã có một số vi phạm, cố tình hiểu sai và vận dụng các văn bản không chính xác dẫn đến phản ứng gay gắt của người dân. Sau khuyết điểm này, vị cán bộ trên lại được điều chuyển sang làm lãnh đạo ở lĩnh vực khác", đại biểu Tân dẫn chứng.
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, ĐB Bùi Thị An nhắc nhở: “TP phải kiểm tra xem dấu hiệu của việc đất tốt thì dành cho doanh nghiệp chứ không dành cho việc xây trường học. Cần làm rõ vì sao tiến độ xây dựng lại các chung cư cũ, các khu chợ bị chậm trễ”.
Thảo luận về đề án “Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn TP Hà Nội”, ĐB Nguyễn Việt Hưng đặt câu hỏi: Đề án này đã huy động các nguồn chất xám như thế nào, đã được tổ chức phản biện chưa trước khi trình HĐND TP, tại sao xử lý ô nhiễm 7 hồ trong TP mà không chọn hồ Văn Chương, hồ Ba Mẫu là các hồ bị ô nhiễm nặng? “Tôi chỉ xin đưa ra 3 ví dụ về việc cần huy động các nguồn chất xám cho xử lý ô nhiễm môi trường. Một cháu học sinh lớp 10 có sáng kiến xử lý ô nhiễm nước hồ Ba Mẫu bằng đất sét được giải nhất toàn quốc, được chọn đi thi ở Thụy Điển do Tổ chức môi trường nước quốc tế tổ chức và được trao giải thưởng mà tới nay không ai để ý tới sáng kiến của cháu. Một trung tá công an ở Hà Đông có đề án xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng, báo chí nói rất nhiều, nhưng cũng không có cơ quan khoa học nào ở Hà Nội đứng ra thẩm định. Một cán bộ về hưu ở Hòa Bình đã nghiên cứu một công trình xử lý chất thải rắn ở bệnh viện bằng lò đốt đơn giản, hiệu quả nhưng cũng không được sử dụng. Vậy phải chăng chúng ta đang lãng phí chất xám? Theo tôi, TP cần phải sử dụng các sáng kiến của cả người dân và các nhà khoa học”, ông Hưng nói.
Cũng những suy nghĩ trăn trở về ô nhiễm môi trường, các ĐB Bùi Thị An, Nguyễn Thị Thanh Hương đề nghị TP hằng tháng phải có giao ban về tình hình ô nhiễm môi trường, có “nhạc trưởng” cho vấn đề này và phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; phải có chiến lược bảo vệ môi trường lâu dài chứ không phải chỉ hướng đến năm 2010 như đề án trên.
Tiếp thu ý kiến của các ĐB, Phó chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết TP sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể về bảo vệ môi trường và xử lý môi trường lâu dài, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và mời các nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực môi trường tham gia.
Sáng nay 16.7, lãnh đạo UBND TP sẽ trả lời chất vấn của các ĐB tại hội trường.
Theo Việt Chiến(Thanh Niên)