Thứ Sáu, 22/11/2024
Cùng suy ngẫm
Chủ Nhật, 24/6/2018 9:32'(GMT+7)

Phải thẳng tay trừng trị những kẻ tham nhũng, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta sớm nhận diện tham nhũng với các biến thái phức tạp, từ đó có quan điểm, biện pháp thích hợp để giải quyết một loại “giặc nội xâm” có thể đe dọa sự tồn vong của chế độ. Đó là cơ sở để Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) khóa VIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCH T.Ư) thông qua Nghị quyết Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, và một trong những nhiệm vụ chủ yếu BCH T.Ư yêu cầu các tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện là tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả. Từ đó đến nay, trước diễn biến phức tạp của vấn đề, BCH T.Ư và Bộ Chính trị đã ban hành một số văn kiện có tính chỉ đạo, nổi lên là Nghị quyết T.Ư 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị 50-CT/T.Ư ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận 10-KL/T.Ư ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Năm 2016, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, của cả hệ thống chính trị… Để quan điểm của Đảng tác động tích cực tới cuộc sống, năm 2013 Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng được thành lập do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu; đồng thời trong các năm qua, để xây dựng sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng, Quốc hội đã rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc nâng cao chất lượng quá trình xây dựng luật, triển khai các pháp lệnh, nghị quyết để thể chế hóa vấn đề phòng chống tham nhũng, khắc phục các sơ hở, bất cập trong các quy định luật pháp có thể là nguyên nhân phát sinh tham nhũng, “lợi ích nhóm”; Chính phủ cũng xác định phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ trọng tâm, kiên quyết loại bỏ các rào cản, loại trừ những quy định pháp luật không rõ ràng, không minh bạch, biểu hiện “lợi ích nhóm”, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân…

Theo số liệu của cơ quan có thẩm quyền, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đến nay, về các tội tham nhũng, cơ quan điều tra đã khởi tố mới 463 vụ án với 976 bị can; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp truy tố 499 vụ án với 1.221 bị can; Tòa án Nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 436 vụ án với 1.118 bị cáo… Đáng chú ý là trong số đó có 58 vụ án, 36 vụ việc tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, thu hút sự quan tâm của dư luận,… thuộc diện do Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Sau khi kết thúc điều tra, truy tố, đã đưa ra xét sơ thẩm 35 vụ án cùng 440 bị cáo với mức án nghiêm khắc, đúng quy định pháp luật (trong đó có 10 bị cáo với 11 án tử hình, 10 bị cáo với 20 mức án chung thân, bảy bị cáo bị phạt tù với mức án 30 năm, 393 bị cáo bị phạt tù với mức án từ 12 tháng đến dưới 30 năm…).
 


Cũng theo số liệu của cơ quan có thẩm quyền, trong hai năm 2016, 2017 và những tháng đầu năm 2018, tài sản tham nhũng bị phát hiện, phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng là gần 5.237 tỷ đồng, 198.183 m2đất… Có thể nói, trong thời gian hơn hai năm, đó là những con số ấn tượng. Cùng các số liệu khác tương ứng về thời gian như cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp của Đảng thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và 35.380 đảng viên vi phạm, trong đó gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái; ngành thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực, tham nhũng và đã triển khai 15.434 cuộc thanh tra hành chính, 570.536 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm 232.044 tỷ đồng, 39.225 ha đất, đã kiến nghị thu hồi 102.926 tỷ đồng, 12.021 ha đất,… cho thấy Đảng và Nhà nước, trực tiếp là các cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều biện pháp phòng, chống và xử lý hành vi tham nhũng quyết liệt, triệt để, không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ hoặc miễn trừ; trên thực tế, sự nghiêm túc, kiên quyết đó đã từng bước làm trong sạch bộ máy Đảng, chính quyền, doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin trong nhân dân.

Phải khẳng định, không gì có thể biện minh cho hành vi tham nhũng, bởi đó là hành vi tội ác, trực tiếp làm hại quốc gia. Hậu quả của tham nhũng là tài sản của Nhà nước bị thất thoát, sự phát triển bị cản trở, nhân dân bị đẩy vào tình trạng đói nghèo. Và khi tham nhũng tồn tại như “giặc nội xâm” mà không được giải quyết triệt để, có thể đẩy đất nước vào tình trạng mất ổn định về chính trị, kinh tế - xã hội. Chính vì thế, khi bàn về chữ “liêm”, Bác Hồ đã chỉ rõ tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm, mỗi người phải nhận thức rằng, tham lam là điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân. Quan điểm, biện pháp kiên quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng không những trực tiếp làm trong sạch bộ máy chính quyền, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, bảo vệ thành quả đã đạt được, tạo cơ sở và động lực để đạt thành tựu mới, mà còn đáp ứng nguyện vọng chính đáng của toàn dân. Khi kinh tế còn nhiều mặt kém phát triển, các hoạt động quản lý kinh tế - xã hội còn lỏng lẻo và yếu kém, sự tha hóa của con người, nhất là một số người trong bộ máy lãnh đạo, đã cấu kết với nhau để tham nhũng nảy sinh, có xu hướng ngày càng trầm trọng. Một số công trình trọng điểm của quốc gia, của địa phương chậm triển khai hoặc chất lượng thấp đến mức hỏng hóc ngay sau khi nghiệm thu; sự giàu lên bất thường của một số cán bộ, đảng viên trong bộ máy chính quyền, hoặc doanh nghiệp nhà nước; thái độ hạch sách và sự vòi vĩnh mà người dân phải đối diện khi giao tiếp với nhân viên cơ quan công quyền; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng gia tăng,… là những hiện tượng nhân dân tiếp xúc hằng ngày. Và khi chưa có câu trả lời thỏa đáng, sự việc không được giải quyết thấu đáo thì nỗi bức xúc, sự suy giảm niềm tin của nhân dân cũng từ đó mà ra.

Xét cho cùng, tham nhũng chỉ có thể xảy đến với người có quyền lực. Bởi người không giữ một vai trò nào đó trong quá trình tổ chức, quản lý, điều hành công việc kinh doanh, phân phối tài sản vật chất, tiền bạc của Nhà nước,… hoặc không giữ vai trò liên quan vị trí, chức vụ của người khác trong hệ thống chính quyền, trong doanh nghiệp các cấp, trong các cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương,… thì rất khó có điều kiện tham nhũng. Không chỉ thế, ngày nay quá trình tổ chức, quản lý, điều hành, phân phối tài sản vật chất, tiền bạc, sắp xếp nhân sự là hệ thống gồm nhiều thành phần tham gia nên một cá nhân khó có thể tham nhũng. Nói cách khác, một cá nhân không thể tham nhũng nếu không được hỗ trợ, tiếp tay. Vì được hỗ trợ, tiếp tay mà tham nhũng thường được che đậy kín đáo, được hợp thức hóa bằng các loại giấy tờ tưởng như hợp pháp, tài sản tham nhũng được tẩu tán với nhiều cách thức tinh vi... Ở các mức độ khác nhau, tình trạng nhiều người cùng hưởng lợi từ tham nhũng là một trong những nguyên nhân làm ra đời “lợi ích nhóm”. Vì vậy, khi xác định người đứng đầu có hành vi tham nhũng cần quan tâm đến các cá nhân, các yếu tố liên quan để xử lý nghiêm khắc, như Bác Hồ khẳng định: “phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, H.2000, tr.641).

Kể từ Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng tổ chức năm 2014 đến nay, nhất là từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, các hoạt động phòng, chống tham nhũng từ trung ương tới địa phương ngày càng trở nên quyết liệt, có hiệu quả. Dù các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí cố tình xuyên tạc để hạ thấp ý nghĩa thì vẫn không thể phủ nhận một sự thật là phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã và đang giữ vai trò quan trọng trong việc củng cố hệ thống chính trị trên cả nước, góp phần ổn định tiến trình phát triển kinh tế, tạo hiệu ứng tích cực và lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân. Sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao của toàn dân về các vụ án xét xử một số cá nhân phạm tội tham nhũng, trong đó có cán bộ lãnh đạo cấp cao, đã cho thấy ý nghĩa tích cực của vấn đề. Quan niệm đúng đắn, biện pháp kiên quyết, nghiêm minh, không để “lọt người, lọt tội”, không để có người bị hàm oan,... cho thấy thái độ nghiêm túc của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong giải quyết vấn nạn tham nhũng. Và do tham nhũng là hiện tượng tinh vi, biến hóa khôn lường cho nên để phòng, chống tham nhũng tiếp tục có hiệu quả, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ vai trò là người đứng đầu, cần tiếp tục tự giác nâng cao nhận thức, tăng cường bản lĩnh chính trị, nghiêm túc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; mọi tổ chức, cơ quan của Đảng và Nhà nước từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục phát huy vai trò tích cực đi đầu. Và trong quá trình đó, cần lắng nghe ý kiến nhân dân, như Bác Hồ đã nói: “biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp” (Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 13, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.419).

 

Hà Nam/Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất