Ngày còn tuổi thiếu niên, theo bộ đội thoát ly lên vùng giải phóng, sống gần các cô chú, các anh chị ở chiến khu của tỉnh Quảng Nam, tôi đã nghe nhiều người nhắc đến bác Phạm Văn Đồng với một sự kính trọng và yêu mến. Lãnh đạo của Việt Nam ngày ấy sau Bác Hồ có rất nhiều đồng chí được cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân kính yêu, tôn trọng. Đến nay, trong nhân dân, nhiều người vẫn thường nói đó là thế hệ lãnh đạo “vàng” và mong muốn có những người lãnh đạo như vậy. Bác Phạm Văn Đồng là một trong số các đồng chí đứng cạnh sau Bác Hồ, là người học trò xuất sắc được Bác Hồ tin yêu. Lớn lên, đi học rồi công tác ở nhiều nơi với các vị trí khác nhau ở miền Trung, ở miền Nam và ở miền Bắc, được tiếp xúc nhiều người, nghe kể và nghe những nhận xét về bác Phạm Văn Đồng, được đọc sách các bài nói, bài viết của bác Đồng, trong ký ức và đầu óc của tôi in đậm dần một hình ảnh Phạm Văn Đồng mà tôi rất kính trọng, yêu quý về một nhân cách lớn, một nhà văn hóa lớn, có kiến thức sâu rộng, trí tuệ uyên thâm, sáng suốt.
Tôi được nghe mấy đồng chí lớn tuổi kể lại, thời chiến tranh chống xâm lược của đế quốc Mỹ, một lần, khi máy bay Mỹ đang ném bom dữ dội ở khu 4, thì tại Hà Nội, bác Phạm Văn Đồng vẫn triệu tập và chủ trì một hội nghị bàn về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Trong lời khai mạc Hội nghị, bác Đồng đã nói đại ý là: Máy bay Mỹ đang ném bom dữ dội ở khu 4, ném vào các làng mạc, khu dân cư. Họ muốn tiêu diệt chúng ta. Còn chúng ta, hôm nay, với sự điềm tĩnh của những con người đầy tự tin vào chính mình, vào sự tất thắng của chính nghĩa, họp mặt tại đây để bàn về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tiếng Việt còn thì dân tộc còn. Dân tộc còn thì dân tộc này sẽ chiến thắng… Nghe bác Phạm Văn Đồng nói, nhiều người xúc động về tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh của một người lãnh đạo, của một Ban lãnh đạo đáng kính trọng. Cũng ngày còn làm Thủ tướng, bác Đồng có lần nhắc các nghệ sĩ, ca sĩ, khi hát phải nhớ hát cho rõ lời, để người nghe hiểu được ca từ. Nhân câu chuyện này tôi muốn nói thêm một ý: Với hơn một nghìn năm Bắc thuộc, dân tộc ta vẫn trường tồn, không bị đồng hóa, là nhờ văn hóa, trong đó có vai trò rất quan trọng của tiếng Việt. Vậy mà hiện nay đi ngoài phố, ngay cả ở Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn vật của chúng ta, ngay cả ở thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu nữa, rất nhiều bảng hiệu người ta viết toàn tiếng Tây, tiếng Tàu, tiếng Hàn, tiếng Nhật, không “thèm” viết tiếng Việt, không biết để cho sang, cho oai, để làm ra vẻ “Tây” hay sao? Thấy mà buồn rằng trong dân ta vẫn còn những người không biết quý trọng cái ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc mình. Tất nhiên, trong đó có phần trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Việc hát trên sân khấu, trên truyền hình cũng vậy, nhiều khi không hiểu các ca sĩ trẻ đang hát gì, cứ như là không phải hát bằng tiếng Việt. Nói qua vậy, còn việc này sẽ bàn riêng trong dịp khác. Bây giờ quay lại chuyện về bác Phạm Văn Đồng.
Một lần, khi ấy bác Phạm Văn Đồng đã nghỉ chức Thủ tướng, còn làm cố vấn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vào thăm Quảng Nam - Đà Nẵng, hôm đó gặp mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và một số cán bộ, tướng lĩnh đã nghỉ hưu ở Quảng Nam - Đà Nẵng, một đồng chí cán bộ cao cấp nghỉ hưu phát biểu: Đồng chí Phạm Văn Đồng là một Thủ tướng lâu nhất… Nghe câu đầu tiên như vậy, bác Đồng nói ngay: Làm chức gì đó, lâu hay không lâu có ý nghĩa gì đâu, cái quan trọng nhất là có làm được gì cho dân, cho nước, cho Đảng hay không, chứ lâu mà để làm gì. Tôi tự thấy tôi cũng có không ít khuyết điểm, thiếu sót. Đồng chí hưu trí nói tiếp, chuyển sang ý khác: Lâu nay lãnh đạo Trung ương ít quan tâm đến miền Trung, các đồng chí từ Hà Nội bay thẳng vào Thành phố Hồ Chí Minh, bỏ qua miền Trung nằm dưới cánh máy bay, hiện tại miền Trung rất khó khăn, không phát triển được, đề nghị đồng chí Phạm Văn Đồng phản ánh giúp với Trung ương ý kiến của chúng tôi, đề nghị Trung ương quan tâm nhiều hơn đối với miền Trung. Nghe xong ý kiến đó, bác Phạm Văn Đồng đáp lời: Tôi có trách nhiệm sẽ phản ánh ý kiến của các đồng chí với Trung ương, đồng thời tôi cũng muốn nói với các đồng chí một câu chuyện. Đây là câu chuyện văn học của thế giới. Một lần, đứa con trai từ mặt trận chạy về nói với mẹ rằng, mẹ ơi, mẹ trao cho con thanh gươm ngắn quá, con không thể lập công được, mẹ hãy trao cho con một thanh gươm dài hơn. Bà mẹ lắng nghe con và nói lại: Khi thanh gươm ngắn, muốn lập công thì phải bước tới chứ sao lại chạy về hỏi mẹ? Chạy lui về thì làm sao mà lập được chiến công?
Một lần khác bác Phạm Văn Đồng vào thăm Quảng Nam, Quảng Ngãi, khi ấy tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng vừa mới tách ra từ một tỉnh chung Quảng Nam-Đà Nẵng. Tỉnh Quảng Nam chuyển tỉnh lỵ từ thành phố Đà Nẵng về thị xã Tam Kỳ. Những ngày đầu tiên vừa mới tách ra, các cơ quan của tỉnh chưa có trụ sở, phải mượn tạm địa điểm để làm việc từ các nhà dân và các cơ quan của thị xã, của doanh nghiệp. Lúc ấy, Tỉnh ủy mượn một cơ sở của xí nghiệp chế biến rau quả để làm việc, nằm trên một quả đồi còn hoang vắng. Một số đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy hay nói đùa với nhau là nơi làm việc của Tỉnh ủy mà nhốt thêm một vài con vượn, con khỉ thì chẳng khác gì ở miền núi xa của Quảng Nam, nơi tiếp giáp với Lào. Hôm về thăm, bác Phạm Văn Đồng sức khỏe đã yếu nhiều, đi phải có người dìu, bác không chịu ngủ ở Đà Nẵng, ở Quảng Ngãi nơi có nhà nghỉ khang trang. Bác Đồng bảo để bác ngủ ở Quảng Nam, tỉnh mới tách ra khó khăn lắm, bác muốn biết anh em khó khăn đến mức nào, cán bộ của tỉnh ở công vụ như thế nào thì để bác ở như thế, bình thường như thế. Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, khi nghe báo cáo tỉnh mới chia ra rất khó khăn và không có ngân sách, nghe xong bác Phạm Văn Đồng nói, Quảng Nam thời chiến tranh nhiều lúc khó khăn lắm, khó khăn hơn bây giờ rất nhiều, nhưng mỗi lần khó khăn như vậy thì Quảng Nam đã bật dậy, đã vượt qua, đã tiến lên, đã lập những chiến công vang lừng. Truyền thống của vùng đất này là vậy, văn hóa của con người đất Quảng là vậy. Khó khăn cũng là “cơ hội”. Khó khăn làm cho những con người có bản lĩnh bật dậy mạnh hơn. Khó khăn của các đồng chí là có thật, hãy báo cáo kỹ cho các cơ quan Trung ương biết rõ, khi biết rõ tình hình chắc không ai mà không giúp Quảng Nam, một tỉnh đi đầu trong chiến tranh chống xâm lược của đế quốc Mỹ.
Hai câu chuyện kể trên, ngày ấy, và sau này, cán bộ ở Quảng Nam, Đà Nẵng, nhiều người vẫn hay nhắc lại để nói về sự uyên thâm, thông minh, sắc sảo của bác Đồng (lúc ấy đã ngoài 90 tuổi).
Bác Phạm Văn Đồng có nhiều bài viết, bài nói về văn hóa, có những bài rất sâu, ít có người vượt qua. Ngày còn đang làm Thủ tướng, làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, và kể cả khi đã nghỉ hưu, bác Đồng đã dành nhiều tâm sức cho văn hóa. Gần đây, tôi có đọc lại quyển sách có tên gọi “Văn hóa và đổi mới” của bác Phạm Văn Đồng, trong đó có nhiều ý càng suy ngẫm càng thấy hay và sâu sắc, với tầm nhìn rộng, xa và sâu. Trong sách, bác Đồng viết “văn hóa là đổi mới, đổi mới là văn hóa”. Ý kiến đó đã gợi cho chúng tôi; kích thích suy nghĩ nhiều điều về văn hóa và đổi mới.
Đúng như vậy, đổi mới phải bắt nguồn, bắt rễ từ mảnh đất văn hóa: truyền thống văn hóa của dân tộc, tinh hoa văn hóa của thời đại… Đổi mới phải trên một nền tảng văn hóa bền vững và tiến bộ; phải thấm nhuần tư tưởng nhân văn thì mới thành công, vững chắc. Đổi mới mà tách rời nền tảng văn hóa thì sẽ chông chênh, dễ đổ ngã. Bản thân công việc đổi mới là văn hóa, cần được ứng xử như văn hóa, và bản thân văn hóa cũng luôn có nhu cầu phải liên tục hoàn thiện, để có ngày càng nhiều cái tốt hơn, cái đẹp hơn, mà muốn vậy thì phải không ngừng đổi mới. Văn hóa vừa có đặc điểm về tính kế thừa rất cao, là sự tích góp liên tục của tầng tầng lớp lớp các trầm tích; đồng thời lại vừa có nhu cầu không ngừng đổi mới để sáng tạo, vì văn hóa là tất cả những gì do con người sáng tạo ra. Vì vậy, kế thừa và đổi mới là hai mặt biện chứng của một quá trình thống nhất trong sự vận động và phát triển của văn hóa, không thể chú ý mặt này mà không chú ý mặt kia.
Văn hóa phân biệt con người với tự nhiên, văn hóa tạo ra con người, làm cho con người trở nên Người hơn; văn hóa là chất người, là tính
người, văn hóa nâng con người lên một trình độ mới. Còn đổi mới cũng là sự nghiệp của con người, do con người; muốn đổi mới thành công và bền vững thì phải bắt đầu từ con người, cũng tức là từ văn hóa. Mục tiêu của nền văn hóa Việt Nam phải nhằm hướng đến một dân tộc Việt Nam phát triển và hạnh phúc. Trường tồn là yêu cầu chính đáng, là bản sắc văn hóa của một dân tộc, để Việt Nam vẫn còn mãi là Việt Nam, không biến thành một dân tộc khác (bị đồng hóa) trong quá trình tiếp biến, nhưng trường tồn là để phát triển, để tiến lên, không phải để đứng yên, tụt hậu. Và ngày nay, trong thế giới hội nhập, đang có cuộc tiếp biến văn hóa ở quy mô toàn cầu, muốn tồn tại thì phải phát triển. Muốn phát triển thì phải đổi mới. Đất nước ta qua gần 30 năm đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhưng hiện tại nhiều cơ chế, chính sách áp dụng trong những năm trước đây đã giảm dần tác dụng và hiệu quả, không còn tác dụng như lúc đầu, tình hình đất nước và xã hội đang có nhiều khó khăn, bức xúc đòi hỏi phải giải quyết, nếu không tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và toàn diện như tinh thần của Nghị quyết Đại hội XI thì khó mà tiếp tục tiến lên, thậm chí cũng khó mà tránh khỏi những khủng hoảng về kinh tế và xã hội.
Văn hóa là cái đẹp, có thiên chức tạo ra, nuôi dưỡng và nhân lên cái đẹp. Xã hội xã hội chủ nghĩa phải là một xã hội tốt đẹp, mang lại sự phát triển và hạnh phúc cho con người. Tốt đẹp mới là xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội nhất định phải là một sản phẩm rất văn hóa, rất trí tuệ của nhân dân ta, chứ không phải là những suy nghĩ xơ cứng, rập khuôn, máy móc. Phải tạo ra cho được cái tốt đẹp, nhiều cái tốt đẹp thì mới có chủ nghĩa xã hội. Cho nên, văn hóa và đổi mới là hai trong số những vấn đề chính yếu để có chủ nghĩa xã hội. Nói văn hóa và đổi mới là hai vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau cũng là đúng, cũng không sai, nhưng có lẽ biện chứng hơn, như ý kiến của bác Phạm Văn Đồng, văn hóa và đổi mới là hai mặt của một vấn đề (bác đã viết: văn hóa là đổi mới, đổi mới là văn hóa).
Từ ý kiến của bác Phạm Văn Đồng gợi lên chúng ta có thể tiếp tục suy nghĩ và phát triển nhiều vấn đề về văn hóa và đổi mới, nhằm góp phần phát triển lý luận về văn hóa của Việt Nam.
Một câu chuyện nữa tôi được nghe một đồng chí đã từng công tác nhiều năm rất gần gũi với bác Phạm Văn Đồng kể lại. Khi còn đang làm Thủ tướng, một hôm, bác Phạm Văn Đồng tâm sự với người thư ký rằng sắp tổ chức đám cưới cho con trai mà không có gì để tặng con dâu, ông đã hỏi vay người thư ký một chỉ vàng. Những ngày cuối đời, ông đã di chúc lại cho con trai rằng ba không có bất kỳ một thứ của cải gì để lại cho con, chỉ để lại một sự nghiệp suốt đời phục vụ nhân dân mà con phải tiếp tục. Nghe câu chuyện này, kể cả lần đầu và các lần sau nghe lại, tôi rất xúc động.
Sau Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều đồng chí lãnh đạo có uy tín, tài năng và công lao lớn, trong đó có đồng chí có mặt còn hơn bác Phạm Văn Đồng. Nhưng riêng đối với lĩnh vực văn hóa, thì trong suy nghĩ của tôi, sau Hồ Chí Minh là Phạm Văn Đồng, ông là một nhà nghiên cứu và thực hành văn hóa, có nhiều kiến thức và tư duy rất sâu sắc về văn hóa, luôn tâm huyết với văn hóa, sống văn hóa, trong sáng, giản dị, thanh bạch, không ham giàu sang phú quý, giàu tính nhân văn, luôn yêu thương con người, hết lòng với dân, với nước, với Đảng, với lý tưởng của mình, cuộc đời ông là một tấm gương sáng về nhân cách. Phạm Văn Đồng là một nhà văn hóa lớn, một nhân cách lớn, thật đáng kính trọng và noi theo./.
Vũ Ngọc Hoàng
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương