Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 8/6/2014 8:51'(GMT+7)

Phân luồng học sinh sau trung học - Thực trạng và giải pháp


                                                                    
                   
1. Phân luồng sau trung học (bao gồm sau trung học cơ sở và sau trung học phổ thông) đã được Đảng ta đề ra từ rất sớm trong các chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo (GD-ĐT). Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (1996) đã đề cập vấn đề này một cách căn bản, nhằm “tăng quy mô học nghề bằng mọi hình thức để đạt được 20-25% đội ngũ lao động được qua đào tạo vào năm 2000… Đào tạo đủ công nhân lành nghề cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, có tính đến nhu cầu xuất khẩu lao động” (1). Chủ trương này được coi là giải pháp căn cơ để giúp mỗi cá nhân học sinh tự nhận biết khả năng của mình, chọn đúng cách đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động xã hội mà không nhất thiết phải theo đuổi việc được học đại học.
Sau Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), nhiều văn bản, chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành GD-ĐT được ban hành nhằm hướng đến một nền GD-ĐT lành mạnh, đáp ứng nhu cầu học tập và cung–cầu lao động của xã hội.
Tuy nhiên, kết quả phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau trung học đến nay vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) lên học trung học phổ thông (THPT) ngày càng tăng: năm học 1990 -1991 là 40,27%, đến năm học 2011- 2012 là 80,36%; tỷ lệ tuyển sinh vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) cũng tăng thường xuyên làm cho tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THPT lên học đại học ngày càng cao. Nếu như trước đây mỗi năm chỉ tăng 10-15% thì 5 năm gần đây tăng xấp xỉ 50%. Số học sinh tốt nghiệp trung học (cả THCS và THPT) đi học nghề và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) chỉ chiếm trên dưới 27%; số học sinh đi vào thị trường lao động trên dưới 23%. Thậm chí nhiều nơi, số học sinh đi học nghề còn giảm dần theo từng năm: khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Nam Bộ chỉ tương ứng khoảng 5,7%-5,8%; tỷ lệ học sinh khu vực miền núi phía Bắc không tiếp tục học nghề hoặc học TCCN khoảng 30%. Những con số này cho thấy tỷ lệ học sinh đi học nghề rất thấp.
Công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau trung học ngày càng trở nên bế tắc, nhất là phân luồng sau tốt nghiệp THCS khi tuổi đời của các em còn là “vị thành niên” và yêu cầu lao động xã hội còn mang nặng tâm lý “phải tốt nghiệp THPT” mới được coi là đủ “trình độ văn hóa” để ghi vào lý lịch (10/10 hoặc 12/12). Thêm vào đó, phải tốt nghiệp đại học mới thỏa mãn yêu cầu của các bậc phụ huynh dẫn đến một thực trạng xã hội ngày càng tràn lan các trường ĐH, CĐ mà thiếu hẳn một hệ thống giáo dục dạy nghề quy chuẩn làm cho xu hướng bất hợp lý về nguồn nhân lực qua đào tạo ngày càng tăng. Hệ lụy là cơ cấu nhân lực nước ta luôn bất cập như “thừa thầy thiếu thợ”, cử nhân thất nghiệp hoặc không làm đúng nghề trong khi nhu cầu công nhân kỹ thuật lại rất thiếu nguồn tuyển, do đó không đáp ứng được yêu cầu phát triển lành mạnh của nền kinh tế - xã hội. So với các nước, trong thời kỳ tiến hành công nghiệp hóa, cơ cấu nguồn nhân lực có tỷ lệ kỹ sư/trung cấp chuyên nghiệp/công nhân kỹ thuật là 1/4/10 thì ở nước ta, năm 1979 tỷ lệ này là 1/2,25/7,1 và đến năm 2012 lại tụt lùi là 1/0,43/0,56. 
Câu chuyện phân luồng sẽ còn khó khăn hơn nếu như chủ trương bỏ thi THCS và bỏ điểm sàn tuyển sinh vào các trường đại học được thực thi khi chưa có đủ lộ trình và biện pháp khắc phục những yếu kém trong công tác quản lý GD-ĐT như hiện nay. Việc học sinh không đủ năng lực, điều kiện học tập vẫn tiếp tục cố theo học THPT và thi vào đại học sẽ tiếp tục là bài toán khó giải cho công tác phân luồng.
Nhận diện những khó khăn, yếu kém trên đây, cho thấy có nhiều nguyên nhân, tập trung vào một số vấn đề sau.
Một là, nhận thức của người dân và xã hội đối với công tác giáo dục nghề nghiệp chưa đúng về nhu cầu và sự cần thiết của lao động có tay nghề cao đối với sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; coi học nghề ít có tương lai phát triển. Nhiều gia đình và học sinh không tiên lượng được sức học của bản thân và điều kiện kinh tế để tìm con đường học nghề từ sớm. Tâm lý xã hội quá trọng bằng cấp, coi học đại học là con đường thăng tiến duy nhất.
Hai là, hệ thống thông tin thị trường lao động nghèo nàn. Suốt một thời gian dài, nước ta chưa có quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của quốc gia, của các địa phương và của từng ngành; Chưa có kế hoạch phân luồng phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực. Việc đào tạo nghề chưa gắn với giải quyết việc làm.
Ba là, do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên sự đầu tư của nhà nước và của xã hội để phát triển giáo dục nghề nghiệp bị hạn chế.
Bốn là, nhiều nhà tuyển dụng yêu cầu người dự tuyển lao động phải tốt nghiệp THPT. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến học sinh sau khi tốt nghiệp THCS chủ yếu vào THPT dẫn đến không phân luồng được.
Năm là, yếu kém của công tác giáo dục hướng nghiệp; đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp không chuyên nghiệp. Động cơ tham gia các lớp học nghề của học sinh lệch lạc, thiếu sự phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp.
Sáu là, quy mô nhỏ và điều kiện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp yếu kém, bất cập chưa đáp ứng được nhu cầu phân luồng học sinh. Do đặc điểm phân bố các cơ sở đào tạo tập trung nhiều ở khu vực đô thị và ở những vùng kinh tế phát triển. 
Bảy là, hệ thống giáo dục cứng nhắc; chương trình đào tạo trung cấp và cao đẳng đều khó liên thông (trung cấp lên CĐ và CĐ lên ĐH khó khăn). Một số ý kiến cho rằng chương trình các môn văn hoá dạy trong các trường trung cấp nghề, TCCN không thích hợp với đối tượng học sinh vốn học lực đã yếu, động cơ học tập thấp nên không thể học được. 
Tám là, thiếu chính sách khuyến khích đối với học sinh đi học nghề; chưa có chính sách, nhất là chính sách tài chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển hệ tốt nghiệp THCS.
Chín là, công tác quản lý nhà nước vẫn còn chồng chéo, đôi khi thiếu sự thống nhất, dẫn đến cản trở việc đào tạo liên thông. Đội ngũ cán bộ quản lý vừa thiếu vừa chưa chuyên nghiệp.
2. Để  thực  hiện  chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 và Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) trong đó có nội dung “tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở”, đồng thời khắc phục những bất hợp lý về cơ cấu nguồn nhân lực, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là đối với nhân dân về lợi ích của việc dạy nghề và phân luồng học sinh sau trung học.
Các cơ quan chức năng, các địa phương, nhất là ngành Giáo dục và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, phối hợp với ngành Tuyên giáo và các đoàn thể nhân dân cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền bảo đảm mọi người dân dễ dàng tiếp cận với các loại thông tin về dạy nghề và nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội.
Thứ hai, rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân tích cực tham gia vào quá trình giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi đối tượng, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề.
Thực hiện cơ chế, chính sách thực sự hấp dẫn đối với người học, người dạy và người sử dụng lao động là học sinh sau THCS đi học nghề, nhằm tạo động lực thu hút phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề. Chính sách đó được thể hiện qua học phí, hỗ trợ chi phí sinh hoạt; hỗ trợ tạo việc làm và giới thiệu việc làm; chính sách thuế, chính sách lương, phụ cấp, vay vốn; chính sách đối với giáo viên… để người học, người dạy và người sử dụng lao động thấy có lợi. 
Thứ ba, đổi mới cơ chế quản lý. Quản lý nhà nước trong GD-ĐT tập trung xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dạy nghề; hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách về dạy nghề và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Cơ quan quản lý nhà nước không làm thay công tác quản trị của các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Thứ tư, định hướng, điều chỉnh phân luồng học sinh theo các hướng giáo dục khác nhau của toàn bộ hệ thống giáo dục phù hợp với định hướng phát triển nhân lực quốc gia. Đổi mới công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông (ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với các doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh). Cần đào tạo và tuyển dụng cán bộ làm công tác xã hội, thực hiện nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp. Đào tạo giáo viên hướng nghiệp cho các trường phổ thông, dạy nghề, TCCN và cao đẳng.
Thứ năm, quy hoạch mạng lưới các trường CĐ, TCCN trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở đào tạo nghề, các trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên (GDTX) và giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, đi đôi với việc không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của địa phương và của các ngành kinh tế. Chú trọng đầu tư xây dựng trường dạy nghề hoặc trung học nghề cấp huyện ở những nơi có điều kiện và nhu cầu. Phát triển các trường trung học kỹ thuật. Đánh giá, phân loại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để xếp loại cho phù hợp với năng lực đào tạo, trên cơ sở khung trình độ quốc gia thống nhất.
Phát triển mô hình giáo dục gắn dạy chữ với dạy nghề, trên cơ sở nghiên cứu sáp nhập các trung tâm GDTX, kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp.
Thứ sáu, đầu tư mở rộng quy mô và chú ý điều chỉnh cơ cấu ngành nghề cho phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực theo quy hoạch quốc gia, từng địa phương, từng ngành, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực ở những vùng còn gặp nhiều khó khăn. Có chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và các doanh nghiệp thành lập các trung tâm đào tạo nghề, trường dạy nghề, trường TCCN.
Thứ bảy, xây dựng hệ thống cơ quan làm công tác dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo quốc gia, cơ cấu trình độ đào tạo theo vùng miền, cung cấp thông tin, giúp cho Chính phủ trong việc chỉ đạo điều hành các bộ, ngành, doanh nghiệp chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào ĐH, CĐ, nhất là những ngành đã thừa nhân lực./.

TS. Nguyễn Đắc Hưng
-----------------------
(1) Đảng CSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. CTQG, H, 1997, tr.34.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất