Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 27/6/2014 20:31'(GMT+7)

"Phản văn hóa" nhân danh nghệ thuật ?



Ít ngày sau khi tung ra đoạn phim quảng cáo (trailer) với vài ba hình ảnh gợi tò mò, ngày 5-6, tập 1 của cái gọi là bộ phim "Căn hộ số 69" được đưa lên Youtube và lập tức thu hút sự chú ý của nhiều người, nhất là giới trẻ; chỉ sau hơn nửa tháng đã có hơn hai triệu lượt người xem. Vào dịp này, một báo điện tử có bài giới thiệu: "Nếu như khán giả đã quen với hình ảnh một Sỹ Thanh gợi cảm với những hình ảnh nóng bỏng thì lần đầu tiên công chúng được "nóng mắt" với hình ảnh một Ngọc Thảo hiền lành, dễ thương và nhí nhố trong "Hội những người yêu phở" thành một cô nàng quyến rũ với những đường cong "chết người". Tham gia diễn cùng hai người đẹp là anh chàng Hoàng Kỳ Nam có body chuẩn men. Những shoot hình tay ba được tung ra khiến cư dân mạng vô cùng tò mò về bộ phim này". Bài báo nọ coi đây là sản phẩm "dám nói thẳng, nói thật không tránh né những vấn đề về tình dục, tình yêu cũng như những cung bậc tình cảm, tâm lý, sinh lý của những thanh niên thành thị ở độ tuổi trưởng thành và tự lập trong cuộc sống của mình". Không chỉ có vậy, ngày 8-6 vtc.vn (báo điện tử của Ðài Truyền hình kỹ thuật số VTC) cũng ăn theo sự kiện với bài viết có nhan đề "Khám phá hậu trường "cảnh yêu" trong phim Căn hộ số 69" cùng cả loạt bức ảnh đi cùng với lời bình luận như: "Căn hộ số 69 là phim sitcom đầu tiên của Việt Nam gắn mác 18+. Bộ phim dám nói thẳng và thật về những vấn đề tình dục, tình yêu cũng như tâm sinh lý của thanh niên thành thị. Trong phim có khá nhiều cảnh nóng bỏng nhưng với kinh nghiệm sản xuất của ê-kip, tất cả các diễn viên đều yên tâm tự mình diễn xuất, không cần người đóng thế"... Thử hỏi, nếu các dòng quảng bá nêu trên có giá trị nào đó thì phải chăng "Căn hộ số 69" không phải là sản phẩm điện ảnh, mà chỉ là nơi trưng bày sự "nóng mắt", "nóng bỏng" với các "đường cong chết người", "cơ thể chuẩn men"!? Phải chăng, "nói thẳng, nói thật về những vấn đề tình dục, tình yêu cũng như tâm sinh lý của thanh niên thành thị" là điều cần phải phô diễn trên màn ảnh? 

Ðược coi là sản phẩm thuộc thể loại "phim sitcom" (sitcom: tạm dịch là hài kịch tình huống), các tác giả xếp sản phẩm của họ vào loại "dành cho người lớn", rồi gắn mác "phim 18+". Hơn 20 phút hình ảnh trong tập 1 "Căn hộ số 69" là sự mở đầu cho chuyện kỳ quặc (nếu không nói là được tạo dựng một cách phi lý?) về một chàng trai và hai cô gái thuê chung một căn hộ - theo bài trí thì đó là một căn hộ cao cấp, kéo theo là những tình huống gây cười vô duyên. Với các đối thoại, độc thoại thường nhạt nhẽo, thô vụng, ngô nghê,... với các hành động chủ yếu là nhảm nhí, gợi liên tưởng tới "sex" một cách thô thiển,... ngay ở tập 1 "Căn hộ số 69" đã cho thấy sản phẩm này khó hứa hẹn đem tới hiệu ứng lành mạnh về mặt nghệ thuật, khó có thể mang lại ý nghĩa nào đó với xã hội - con người, chí ít là về mặt giải trí. Trong nhiều bài báo đề cập tới tình trạng "nhạt, nhảm và phạm luật", "hài hước hay khiêu dâm trá hình",... của "Căn hộ số 69", đáng chú ý có một bài báo cho rằng: nếu "Ðiều đó được coi là "nghệ thuật", mỗi người chúng ta hẳn sẽ phải đi tìm hiểu lại xem nghệ thuật có khái niệm như thế nào. Nếu không nhìn nhận và thay đổi kịp thời, có lẽ "thảm họa sitcom" mang tên Căn hộ số 69 sẽ lọt vào bảng xếp hạng "mâm xôi vàng" do cư dân mạng Việt Nam trao tặng. Mà biết đâu, thích hứng "gạch đá" để nổi tiếng lại là mục đích của ê-kíp làm phim?". Bài báo này cũng cho biết trên Youtube "Căn hộ số 69 không hề được "dán nhãn 18+", có thể xem vi-đê-ô bình thường mà không cần đăng nhập", vì trên Youtube "vi-đê-ô dán nhãn 18+ phải đăng nhập để xác minh độ tuổi", tức là Nam Cito - nhà sản xuất kiêm sáng lập dự án "Căn hộ số 69", không hề "dán nhãn 18+" như anh ta nói, và như vậy: "Anh đang lừa dối người xem. Và đẩy hoàn toàn trách nhiệm về cho Youtube". Hẳn là vì thế, gần đây "nhãn 18+" mới được dán lên kèm theo dòng chữ "Video này hạn chế độ tuổi dựa trên nguyên tắc cộng đồng của chúng tôi" và người muốn xem phải xác nhận bằng tài khoản gmail - một thao tác không có gì bảo đảm người xem đúng độ tuổi, vì một tài khoản trên mạng luôn có thể đi cùng với một nhân thân ảo!

Tuy nhiên, trước phản ứng gay gắt của dư luận, những người tham gia sản xuất "Căn hộ số 69" dường như không muốn lắng nghe ý kiến phê phán, họ đưa ra một số lập luận rất khó chấp nhận. Như, Nam Cito cho rằng: "Tôi muốn làm một nội dung chân thực với cuộc sống của giới trẻ. Mà chân thực thì đúng là sẽ hơi sốc nếu mình phát trên truyền hình" (!), rồi kể đã "nghiên cứu và học hỏi từ chuẩn của Mỹ" (!), và biện hộ: "chi tiết nhạy cảm xuất hiện trong phim hoàn toàn là phục vụ cho nội dung phim, chứ không phải vì bất cứ mục đích nào khác"; thậm chí Nam Cito tự đánh giá khá tự tin: "Phim là một làn gió mới khi nó chạm tới những vấn đề thực sự mà giới trẻ đang đối diện hằng ngày chứ không phải họ xem phim vì tò mò hay vì cái mác 18+" (!). Trả lời phỏng vấn, với câu hỏi về "hành động, chi tiết phản cảm, tục tĩu" trong "Căn hộ số 69", Sỹ Thanh - người tham gia làm "Căn hộ số 69", nói: "Theo suy nghĩ của tôi, trong đời sống hằng ngày, những hành động được cho là phản cảm đó là bình thường nhưng khi lên phim thì có một số hình ảnh, lời thoại lại trở nên không bình thường cho lắm", đồng thời tranh thủ quảng bá: "Tập 2 sẽ có nhiều hình ảnh "nóng bỏng" và những tình tiết gây bất ngờ cho người xem so với tập đầu tiên. Phần tiếp theo tôi cũng sẽ thay đổi nhiều về ngoại hình bởi tập trước tôi cảm thấy mình mặc đồ hơi kín"! Qua các câu trả lời, có thể thấy từ nhà sản xuất tới người "đóng phim" có quan niệm rất xa lạ về tính chân thực trong nghệ thuật, thậm chí "làm nghệ thuật" mà họ chưa biết phân biệt sự khác nhau giữa hành động, ngôn ngữ trong cuộc sống hằng ngày với hành động, ngôn ngữ trong nghệ thuật. Còn lấy cuộc sống, sinh hoạt của một bộ phận rất nhỏ trong lớp trẻ ở thành thị làm hình ảnh đại diện cho "cuộc sống của giới trẻ" là lấy cái bộ phận thay cái toàn thể, là nghịch lý của việc lấy quan niệm còn "chưa chín" của bản thân để mô tả cả thế hệ. Rốt cuộc, phải chăng họ "làm nghệ thuật" nhưng chỉ loanh quanh với việc vì thấy mình "mặc đồ hơi kín" nên phải "hở hơn"? Phải chăng theo người sản xuất, "làn gió mới" mà "Căn hộ số 69" đưa tới chính là vô số comment nhảm nhí dưới sản phẩm này trên Youtube và ai phê phán là lập tức nhận được những lời chửi rủa, lăng mạ, xúc phạm từ một số "người hâm mộ" Căn hộ số 69? 

In-tơ-nét phát triển đã đem lại rất nhiều hữu ích cho con người nhưng in-tơ-nét cũng bị một số người lợi dụng để truyền bá sản phẩm "phản văn hóa", "phi nghệ thuật", khuyến khích nhu cầu thấp kém. Sự xuất hiện các trang mạng về điện ảnh có thể thỏa mãn nhu cầu của những người không có điều kiện tới rạp, hoặc không có thời gian xem một bộ phim mình yêu thích được phát trong thời điểm nhất định trên truyền hình; nhưng điều có vẻ hợp lý đó lại đi cùng với vi phạm bản quyền, tự do công bố sản phẩm mà không có kiểm duyệt. Tình trạng này thật sự là thách thức với công tác quản lý văn hóa, nhất là với các trang mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài. Những năm gần đây, số trang mạng tiếng Việt đăng tải tác phẩm điện ảnh phát triển với tốc độ rất nhanh, có trang ghi rõ đơn vị chủ quản, có trang không ghi rõ địa chỉ người hay nơi điều hành. Các bộ phim này có thể là bản có độ phân giải cao (bản HD), hoặc bản có độ phân giải thấp cho nên hình ảnh lèm nhèm, âm thanh khó nghe chủ yếu vì quay trộm (bản TS, CAM). Vào các trang mạng điện ảnh tiếng Việt, có thể thấy, các trang mạng đó không chỉ đăng tải các phim sản xuất đã lâu, mà các "phim bom tấn" mới ra rạp cũng xuất hiện sau ít ngày, thậm chí phim vừa ra mắt trên truyền hình cũng nhanh chóng được đăng tải. Vì vậy, nếu bản quyền là vấn đề phải xem xét, thì tình trạng đó ở "phim 18+" được phổ biến công khai cũng phải đặt ra nghiêm túc, vì lâu nay một số trang mạng này vẫn đăng tải "phim 18+" mà không đưa ra bất cứ yêu cầu nào với người xem. Thường thì tại trang chủ của các trang mạng này, có nơi ghi rõ "phim 18+" hoặc để cho "phim 18+" nấp dưới nhãn "phim tâm lý, phim tình cảm". Nhưng trang nhất trang mạng phimvtv ghi rất rõ "phim 18+ online"; trang nhất trang mạng phim123 ở mục thể loại ghi rõ chương mục "phim 18+"; phimvipvn có mục riêng dành cho "phim cấp ba"; thậm chí trang nhất trang mạng phimxvip có dòng chữ viết rõ ràng: "Phim hay 2014 - Phim sex online, xem phim sex, phim tam ly, phim cap 3, phim 18+ Vip"... Chỉ đọc các dòng chữ này là có thể hiểu các bộ phim trong đó liên quan tới chuyện gì.

Căn cứ vào sự kiện "Căn hộ số 69" và sự tồn tại một số sản phẩm dán nhãn "phim 18+" đang trở nên phổ biến trên một số trang mạng tiếng Việt về điện ảnh có thể thấy: Nếu các trang mạng điện ảnh tiếng Việt cố tình đăng tải "phim 18+" để kiếm lợi nhuận thì một số người Việt Nam làm ra loại sản phẩm này đang lợi dụng nghệ thuật để sản xuất sản phẩm "phản văn hóa" bất chấp tác động, sự nguy hại đối với xã hội, con người. Về vấn đề này, có thể tham vấn ý kiến của Thạc sĩ Trần Văn Phương (Khoa Văn hóa - Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) phát biểu cách đây không lâu: "Họ cố gắng dội vào giới trẻ những lối văn hóa viển vông, đồi trụy, vô hình trung điều đó đã làm giảm nhận thức của giới trẻ. Nói cách khác họ chưa xác định rõ ràng mục đích dựng phim để làm gì, phục vụ ai?... Những "cảnh nóng" này chẳng khác nào những thứ a-xít vô hình dần ăn mòn những giá trị đạo đức của ông cha ta để lại". Vì thế, dù việc quản lý có khó khăn thì đã đến lúc cơ quan chức năng có liên quan cần phải vào cuộc, bởi không thể "thả nổi" một loại sản phẩm mà chúng ta biết, nó nguy hại như thế nào./.

Cẩm Khê/Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất