Anh Việt đã tự nguyện mang nộp khối kim loại này cho chính quyền xã Núa Ngam. Lãnh đạo xã Núa Ngam đã liên hệ, thông báo sự việc với Phòng Di sản Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ cơ sở, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã nhanh chóng cử đoàn cán bộ thuộc Bảo tàng tỉnh Điện Biên xuống cơ sở, tiếp cận hiện vật.
Qua quá trình tiếp cận, xác minh hiện vật, sơ bộ ban đầu cơ quan chuyên môn đánh giá, hiện vật được anh Việt phát hiện nêu trên là một trống đồng Hê-gơ 3, có trọng lượng khoảng 20 kg. Hiện trạng, mặt trống khá nguyên vẹn, với đường kính mặt trống hơn 60 cm, chiều cao trống đo được 46 cm. Tâm trống có ngôi sao 12 cánh và trên mặt trống có rất nhiều hoa văn, hình chim Lạc chạm chìm. Mặt trống có bốn cụm cóc đơn, rỗng nằm phân bố, cách đều nhau trên mặt trống và hướng ngược chiều kim đồng hồ. Điều đặc biệt là trong khi mặt trống đồng này hình tròn thì đáy trống lại có hình bầu dục, loại trống lần đầu tiên tìm thấy tại tỉnh Điện Biên.
Theo các cán bộ Bảo tàng tỉnh Điện Biên thì hiện chưa xác định được đây là hình dáng ban đầu của trống, hay bị biến dạng trong quá trình chôn dưới lòng đất. Niên đại của trống hiện cũng chưa được xác định, tuy nhiên qua hình dáng ban đầu, sơ bộ đánh giá đây là chủng loại trống Shan có nguồn gốc ở vùng bắc Myanmar, của người Ca Ren đỏ.
Ngay trong ngày 22-1, sau khi trực tiếp xuống hiện trường khảo sát, nắm bắt thông tin, được sự đồng ý của chính quyền xã Núa Ngam và gia đình anh Việt, đoàn công tác đã mang trống đồng này về bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Điện Biên. Đồng thời, Bảo tàng tỉnh Điện Biên cũng làm báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để làm sáng tỏ những giá trị văn hóa, lịch sử của hiện vật và hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.